La Phù - phập phù doanh thu Tết

'Chưa bao giờ kinh doanh hàng bánh kẹo, nước giải khát, hàng thực phẩm Tết lại 'ế' như năm nay' - ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ một hộ kinh doanh hàng hóa bánh kẹo tại xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ. Sự sụt giảm về sức mua, dẫn tới hàng hóa tiêu thụ chậm hơn rõ rệt trong khi Tết đã cận kề.

Có mặt tại La Phù trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn chúng tôi khá bất ngờ sự thông thoáng trên đường phố, nhiều cửa hàng bán hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng lượng người đi mua hàng khá ít, bởi nơi đây vốn là "thủ phủ" của sản xuất, bán buôn bánh kẹo, thực phẩm, nước giải khát khá sầm uất của Hà Nội.

Hiện đa số các hộ sản xuất và kinh doanh bánh kẹo tại La Phù đã dần trở thành các cơ sở thương mại và dịch vụ hoặc làm đại lý phân phối cho những nhãn hàng lớn.

Hiện đa số các hộ sản xuất và kinh doanh bánh kẹo tại La Phù đã dần trở thành các cơ sở thương mại và dịch vụ hoặc làm đại lý phân phối cho những nhãn hàng lớn.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, đại diện Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (La Phù) cho biết, vào thời điểm này mọi năm, người đến mua hàng trực tiếp hay đặt hàng đều đông, tấp nập, nhưng nay lượng đơn hàng giảm mạnh. Thi thoảng mới có người tới xem hàng để lấy, các mặt hàng khách lựa chọn nhiều là sản phẩm giá cả ở mức trung bình. "Người tới mua sỉ về bán lẻ thì mua cầm chừng, họ mua tới đâu bán tới đó. Giá các sản phẩm bánh, kẹo năm nay bán giảm hơn các năm trước, có mặt hàng giảm tới 30%. Hàng nhập khẩu cũng giảm giá hơn, hàng hóa giảm giá để kích cầu người dân mua nhiều hơn, nhưng gần Tết mà sức mua vẫn rất chậm", chị Ngọc Anh nói.

Cùng với đó, anh Ngô Văn Trung, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hoàng Gia Hà Trung (Khu công nghiệp La Phù) cho biết, từ tháng 10/2023 là bắt đầu vào vụ Tết 2024, xưởng luôn duy trì gần 20 công nhân làm việc sản xuất, đóng gói bánh kẹo. Tuy nhiên, đến thời điểm này xưởng đã cho công nhân nghỉ sớm, giảm số lượng công nhân xuống còn 10 người.

"Gia đình tôi làm bánh kẹo lâu năm ở làng, chuyển tới sản xuất tại điểm công nghiệp làng nghề của xã đã được 6 năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động. Tuy nhiên, chưa năm nào khó khăn như hiện nay khi vào vụ cao điểm Tết mà đơn hàng giảm 1/2, cho công nhân nghỉ việc sớm. Khách xa tới thời điểm này đã dừng đơn hàng, khách gần thì không bán được mấy. Hàng hóa, bánh kẹo giờ phong phú, đa dạng, nhiều lựa chọn nên người tiêu dùng cũng không mang tâm lý mua trước, dự trữ như trước", anh Ngô Văn Trung nói.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, người kinh doanh ở La Phù có sự chuyển hướng đầu tư, kinh doanh khá nhanh nhạy, trong những năm gần đây từ sản xuất bánh kẹo nhiều hộ đã chuyển sang kinh doanh, phân phối. Các sản phẩm đều có thương hiệu, và phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hộ có tiềm lực thì làm tổng đại lý hay nhà phân phối cấp 1. Hàng hóa ở đây không thiếu bất cứ thứ gì, La Phù giờ chuyển mình thành "chợ"- trung tâm trung chuyển bán buôn đi khắp nơi. Điểm duy nhất tới thời điểm này, hàng hóa Tết rất "ế", bán rất chậm, nhất là hàng bánh kẹo Tết. Chỉ kỳ vọng cận Tết người dân mua sắm nhiều hơn thì tiêu thụ sẽ tăng.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 16/1, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, xã có diện tích tự nhiên 351ha với 11 thôn, hơn 13.000 người. Hiện nay, cả xã có hơn 500 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hơn 200 doanh nghiệp. Làng nghề phát triển, hàng chục cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của xã thuê đất của các xã lân cận để mở xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng. Hiện, người dân La Phù tập trung sản xuất 2 nghề chính là dệt kim và bánh kẹo. Các hộ không sản xuất thì làm dịch vụ thương mại như cung cấp nguyên liệu, thu mua và phân phối sản phẩm. Trong số những mặt hàng truyền thống của La Phù thì kẹo lạc là sản phẩm vẫn được người dân duy trì và sản xuất vào dịp Tết.

Theo bà Bình, đa số các công ty, cơ sở sản xuất bánh kẹo đang dần có ý thức hơn trong việc đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm (ATVSTP) để chinh phục niềm tin của khách hàng. Nhiều cơ sở kinh doanh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân. Xã cũng yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATVSTP, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng.

Vào đợt cao điểm Tết Nguyên đán, UBND xã thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP và phối hợp chặt chẽ với Đội QLTT số 24 nhằm giám sát có trọng tâm, trọng điểm vấn đề đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của xã tập trung kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công bố hợp quy; nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đăng ký kinh doanh, điều kiện đảm bảo ATVSTP; các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/la-phu-phap-phu-doanh-thu-tet-i720376/