La Pán Tẩn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

La Pán Tẩn là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có 5 thôn, 966 hộ, trong đó hộ nghèo 585 hộ, chiếm trên 60%. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua nhờ tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 78/2022/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, xã La Pán Tẩn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho đồng bào nơi đây.

Nhờ phát huy nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình anh Giàng A Vềnh đã đầu tư được mô hình du lịch cộng đồng khang trang, sạch đẹp, hiệu quả, hàng năm tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng.

Nhờ phát huy nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình anh Giàng A Vềnh đã đầu tư được mô hình du lịch cộng đồng khang trang, sạch đẹp, hiệu quả, hàng năm tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng.

Trước đây, gia cảnh của anh Giàng A Vềnh ở bản La Pán Tẩn gặp nhiều khó khăn, vật vả. Tuy nhiên, đời sống thực sự khởi sắc khi anh được tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế. "Năm 2010, gia đình mạnh dạn vay 40 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện mua 2 con trâu và 1 con bò giống về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến năm 2016, đàn trâu, bò của gia đình tăng lên 12 con, từ đó gia đình đã bán bớt để làm nhà mới, mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, có cho các con ăn học. Năm 2017 gia đình mình thoát nghèo và trở thành hộ khá trong bản”, anh Vềnh chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở đó, nắm bắt được nhu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, cộng đồng, trong 2 năm 2020 và 2022, Giàng A Vềnh tiếp tục mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện Mù Cang Chải với tổng số vốn 150 triệu đồng để đầu tư mua nguyên vật liệu và thuê nhân công làm nhà nghỉ cộng đồng Homstay.

Anh Giàng A Vềnh cho biết: "Có vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã đầu tư mua chăn, ga, gối, đệm, rèm, màn, tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, chỉnh trang lại nhà cửa để đón khách du lịch. Số lượng khách đến ngủ nghỉ ngày càng tăng, vốn vay phát huy được hiệu quả mang lại thu nhập ổn định, đời sống kinh tế ngày càng khá, thu nhập hàng năm đạt trên 200 triệu đồng”.

Cũng như anh Vềnh, năm 2016 và 2019, hộ anh Hảng A Dò ở bản La Pán Tẩn được tổ tiết kiệm và vay vốn xét duyệt cho vay 100 triệu đồng thuộc Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và Giải quyết việc làm. Nhờ số vốn trên đã giúp Dò đầu tư sửa nhà, mua chăn, đệm phục vụ du khách đi phượt nghỉ qua đêm.

"Hiện nay, du khách đến với La Pán Tẩn ngày càng đông, trong khi điểm dừng chân qua đêm còn ít. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH huyện Mù Cang Chải để đầu tư sửa chữa, mở rộng nhà sàn, mua chăn, ga, gối, đệm, phục vụ du khách ăn, uống ngủ nghỉ tại. Hiện gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 2 lao động; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt khoảng 200 triệu đồng/năm”, anh Dò phấn khởi chia sẻ.

Anh Vềnh, anh Do là hai trong hàng trăm hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu từ NHCSXH huyện Mù Cang Chải. Những năm qua, xác định việc triển khai các chính tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn xã. UBND xã La Pán Tẩn đã phối hợp với NHCSXH huyện triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Từ 2 chương trình cho vay ban đầu, đến nay trên địa bàn xã đã triển khai 10 chương trình .với tổng dư nợ trên 40,6 tỷ đồng.

Đồng chí Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết: "Để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng năm xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn bản triển khai tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhân dân, đặc biệt phối hợp với NHCSXH huyện, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”.

"Cùng với đó, các thành viên trong Ban giảm nghèo xã luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những tiêu cực (nếu có). Chỉ đạo trưởng thôn bản nâng cao trách nhiệm giám sát đối với nguồn vốn ưu đãi, bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng và nêu kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời khi có vướng mắc phát sinh”, ông Sầu nói.

Thông qua các chương trình tín dụng trọng tâm như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nông thôn mới, học sinh sinh viên, sản xuất kinh doanh, làm nhà ở, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, dân tộc thiểu số và miền núi.. đều có mức tăng trưởng cao, dư nợ cho vay bình quân được nâng lên. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, toàn xã không có nợ quá hạn, nợ khoanh, các hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả và chấp hành việc trả lãi hàng tháng, trả nợ gốc đúng hạn. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã La Pán Tẩn năm 2023 từ 60,56 xuống còn 47,14% tương ứng giảm 13,42%.

Hiện trên địa bàn xã La Pán Tẩn có 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Phụ nữ, hội Nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH huyện và quản lý 13 tổ TK&VV, 684 hộ vay vốn. Tổng dư nợ đến 31/10, toàn xã đạt trên 40,6 tỷ đồng.

Văn Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/303827/la-pan-tan-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-vay-uu-dai.aspx