Lá cờ đầu trong tăng trưởng xanh khu vực Đông Nam Bộ

Những diễn biến phức tạp, khó lường và hệ lụy nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh cùng các sự cố phi truyền thống buộc các nền kinh tế phải hành động nhanh và quyết liệt hơn hướng tới chuyển đổi xanh, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam là quốc gia sớm đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh và có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện cam kết phát triển bền vững. Trong dòng chảy mới đó, một số địa phương ở Việt Nam đã và đang chuyển dịch nhanh chóng nhằm thiết lập một lộ trình tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng trên cơ sở tận dụng kinh nghiệm và gắn kết chặt chẽ với những tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

* Lối đi nào cho phát triển xanh?

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" cuối tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam nêu cao trách nhiệm thực hiện cam kết về giảm phát thải; đồng thời đề nghị các đối tác phát triển đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh phù hợp với từng vùng miền, địa phương và mô hình doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhiều quốc gia trên thế giới đã thông qua và thực thi chiến lược tăng trưởng xanh. Vấn đề kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cũng được lồng ghép trong các thỏa thuận, hợp tác, liên kết quốc tế. Nhưng yêu cầu về xanh hóa nền kinh tế không chỉ thể hiện ở cam kết chính trị và chính sách của các quốc gia mà còn đến từ áp lực thị trường như xu hướng tiêu dùng xanh, các lĩnh vực đầu tư, kinh tế sáng tạo, mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, thành phố thông minh,... và việc thực thi các cam kết, hội nhập quốc tế theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ông Stefan Rohmer – Giám đốc điều hành MAIUS

Ông Stefan Rohmer – Giám đốc điều hành MAIUS

Theo ông Stefan Rohmer – Giám đốc điều hành MAIUS – một doanh nghiệp uy tín về tư vấn tài chính tại Thụy Sĩ thông qua các giải pháp giảm thiểu rủi ro khi đầu tư cho biết, hầu hết các quỹ tín dụng xanh, quỹ tài chính của Luxembourg, Đức và Thụy Sỹ trong lĩnh vực hạ tầng, logistics đều mong muốn sẽ cùng tham gia vào việc triển khai các ngành nghề, dự án cụ thể. Cùng với đó, Chính phủ các nước bày tỏ sự ủng hộ về chiến lược tăng trưởng xanh và hy vọng được gặp lãnh đạo tỉnh trong thời gian sớm. Để tiến tới việc thu hút các quỹ đầu tư xanh trên thế giới, các bên cần đưa ra khung hành lang pháp lý, những cam kết để giám sát mục tiêu chung.

* Xanh và sạch để tăng trưởng bền vững

Với đặc thù nằm trong khu vực chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, Đồng Nai là một trong những lá cờ tiên phong, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26. Thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình, mới đây, Đồng Nai đã ký kết ghi nhớ hợp tác với một Liên minh Phát triển Hạ tầng xanh bao gồm những doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực này ở Việt Nam và châu Âu do SAIGONTEL làm đại diện. Được biết đến từ lâu nay như một nhà đầu tư uy tín trong cung ứng những sản phẩm dịch vụ, công nghệ hướng tới chất lượng sống bền vững, SAIGONTEL là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group). Đây là Tập đoàn đầu tư đứng đầu Việt Nam về phát triển quần thể công nghiệp - đô thị - dịch vụ và thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đang phát triển các ứng dụng hiện đại để hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhằm tạo ra nguồn lao động ổn định cho nhà đầu tư.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Liên minh Phát triển Hạ tầng xanh của SAIGONTEL và Tỉnh Đồng Nai

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Liên minh Phát triển Hạ tầng xanh của SAIGONTEL và Tỉnh Đồng Nai

Theo biên bản ghi nhớ, Liên minh Phát triển hạ tầng xanh của SAIGONTEL sẽ hỗ trợ Đồng Nai nghiên cứu và phân tích về các cơ hội giảm phát thải; các công nghệ và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng chính sách, thực hiện các kế hoạch giảm phát thải và cải thiện khả năng cạnh tranh; thu hút tài chính xanh từ các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia để triển khai các công nghệ, giải pháp nhằm giảm, cải tiến phát thải.

Chú thÔng Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư tỉnh ủy Đồng Naíich ảnh

Chú thÔng Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư tỉnh ủy Đồng Naíich ảnh

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định: Đồng Nai ủng hộ mục tiêu phát triển xanh của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Tỉnh sẽ quyết tâm cùng với các đối tác đồng hành trong chương trình thực hiện công ước tại hội nghị COP26 và mong muốn sẽ đạt được hiệu quả trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, nếu như trước đây, doanh nghiệp lo lắng muốn sản xuất xanh phải hy sinh lợi nhuận và hiệu quả đầu tư vì chi phí cao thì hiện nay, cơ hội thị trường đang giảm sự đánh đổi này. Cụ thể, nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, doanh nghiệp được cấp chứng chỉ CSI (Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững) có sức chống chịu tốt hơn ngay cả trong đại dịch Covid-19. Một nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy các thương hiệu có cam kết "xanh" và "sạch" có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.

* Nỗ lực phát triển xanh

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoản tài chính tăng thêm khoảng 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu trước tình trạng biến đổi khí hậu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nguồn kinh phí lớn như vậy, đòi hỏi phải phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Trở lại với quyết tâm của tỉnh Đồng Nai, địa phương có quy mô dân số 3,5 triệu người, với gần 20 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cho quốc gia. Việc ký kết hợp tác với liên minh phát triển xanh của SAIGONTEL hứa hẹn những lợi thế đặc biệt cho tỉnh trong hành trình xanh hóa nền kinh tế địa phương.

Tham gia trong liên minh, đại diện của Allotrope Partners - công ty quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn năng lượng sạch tại Hoa Kỳ chia sẻ, với tỉnh Đồng Nai, Allotrope Partners sẽ đồng hành trong ba bước thực hiện giảm phát thải carbon và đi tới mục tiêu đặt ra gồm: Thực hiện đánh giá hiện trạng phát thải carbon của toàn tỉnh Đồng Nai, lên phương án và giải pháp để giúp giảm thiểu phát thải kèm theo kế hoạch thực hiện và tiến hành triển khai các giải pháp, đánh giá, theo dõi kết quả đạt được.

Nhu cầu về nguồn tài chính luôn là thách thức lớn đối với việc thực thi cam kết tăng trưởng xanh, theo ông David Lewis – Chủ tịch, Giám đốc điều hành ECV – một thành viên trong liên minh, một công ty đầu tư và quản lý quỹ tư nhân có trên 30 năm kinh nghiệm phát triển và thu xếp vốn cho các dự án hạ tầng, năng lượng, và bất động sản thương mại dịch vụ tại Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, và Châu Á, việc đưa đề án về phát triển các dự án theo tiêu chuẩn Net Zero phù hợp với chủ trương về vấn đề tăng trưởng xanh của tỉnh Đồng Nai. Bao gồm các công ty hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn kế hoạch giảm thiểu carbon, phát triển dự án năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh tại Hoa Kỳ và châu Âu, Liên minh phát triển hạ tầng xanh sẽ đưa ra nhận định về các dự án trọng điểm, lập ra những kế hoạch theo hướng giảm thải ròng, đồng thời giới thiệu các đối tác lớn trên thế giới trong việc thực hiện đề án theo hướng tăng trưởng xanh.

Quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm. Bên cạnh đó, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.

Quyết tâm và hành động cụ thể để xanh hóa nền kinh tế địa phương như mô hình tại Đồng Nai rất cần được nhân rộng, để từ đó, mở ra thêm những cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp cùng với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác theo hướng bao trùm, bền vững cho nền kinh tế quốc gia./.

VNEWS |

Nguồn VNEWS: https://vnews.gov.vn/news/la-co-dau-trong-tang-truong-xanh-khu-vuc-dong-nam-bo-94056.htm