'Lá chắn' ngăn chặn bệnh lao

Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, hiện nay, vẫn còn trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, rất cần sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của hệ thống các cơ sở y tế, tạo ra những đột phá trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng.

Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ khám, sàng lọc bệnh nhân tại cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ

Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ khám, sàng lọc bệnh nhân tại cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ

Từ mô hình chấm dứt bệnh lao tại địa phương

TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kể từ khi triển khai hoạt động phòng, chống lao từ năm 1957, Chương trình Chống lao Quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đến nay, 52 trên 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Tuy nhiên, 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2022, 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Là một trong những địa phương có gánh nặng bệnh lao lớn, số ca mắc lao cao thứ 2 cả nước, với hàng nghìn ca lao nhạy cảm, hàng trăm bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện mỗi năm; 3 năm qua, Chương trình Chống lao Quốc gia, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao tại An Giang, đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động ứng phó với bệnh lao, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đặc biệt, được Dự án USAID hỗ trợ 1 triệu USD sàng lọc bệnh lao tại cơ sở y tế và cộng đồng. Từ tháng 3.2020 - 9.2023, dự án USAID giúp An Giang phát hiện hơn 8.600 người mắc bệnh lao và gần 2.700 người nhiễm lao tiềm ẩn. Hiệu suất số ca mắc bệnh lao tại An Giang phát hiện cao gấp 15 lần so với tỷ lệ mắc mới toàn quốc. Dự án đã mang công nghệ sàng lọc lao di động đến tận cộng đồng, như máy chụp X-quang ngực cầm tay có trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo, nhằm xóa bỏ rào cản trong việc chăm sóc người dân.

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang, năm 2023, tỉnh đã thực hiện khám, phát hiện 34.961 người nghi lao; thu nhận điều trị lao các thể 5.467 người, điều trị thành công đạt 94,8%; thu nhận điều trị lao kháng thuốc 223 người, điều trị thành công đạt 84,7%; thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV/bệnh nhân lao 4.986/5.467 người. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã khám, phát hiện 3.462 người nghi lao; thu nhận điều trị lao các thể 834 người; thu nhận lao kháng thuốc là 31 người.

Củng cố mạng lưới từ cơ sở

Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện lao; lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh phổi khác và tầm soát một số bệnh lý mạn tính, lập hồ sơ sức khỏe điện tử; nhiều địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bác sĩ Lê Anh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Phú Thọ khẳng định, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Chương trình Chống lao Quốc gia; mạng lưới phòng chống lao tại tỉnh được củng cố, kiện toàn, bao phủ từ tuyến tỉnh đến 100% các khu dân cư và được duy trì hoạt động thường xuyên.

Năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ thu nhận được 528/650 bệnh nhân lao các loại, đạt 81% kế hoạch năm, trong đó lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới đạt 108% kế hoạch năm; phát hiện bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn mới là 21/100.000 dân, lao các thể là 34/100.000 dân. Số bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV tăng hơn so với năm 2022, tỷ lệ khỏi của bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt 92,9%... Số liệu trên cho thấy, có sự cải thiện đáng kể trong công tác phát hiện, điều trị bệnh lao.

Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ Lê Anh Hải khẳng định, năm 2024, bệnh viện tiếp tục củng cố mạng lưới phòng, chống lao các tuyến; bảo đảm duy trì thường xuyên, có chất lượng các hoạt động của chương trình triển khai tại bệnh viện và các tổ chống lao tuyến huyện. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương; tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực mạng lưới về chuyên môn và quản lý chương trình; tăng cường giám sát chủ động của tuyến trên đối với tuyến dưới.

Tại Tuyên Quang, Chương trình Chống lao quốc gia được triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đã mang lại hiệu quả trong công tác phát hiện, phân loại, quản lý, điều trị bệnh, hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang duy trì 10 tổ chống lao, trong đó có 7 tổ tại 7 huyện và thành phố và tổ chống lao tại Trại giam Quyết Tiến, Bệnh viện Công an và Bệnh viện Phổi Tuyên Quang. Tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ phụ trách chương trình chống lao tại cơ sở.

Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình Chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Tuyên Quang đã tổ chức khám sàng lọc lao cộng đồng tại 48 xã/7 huyện, thành phố; đã có 8.321 người được khám và chụp X-quang, 820 đối tượng nhiễm lao được lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Xpert. Qua khám sàng lọc đã phát hiện, thu nhận và điều trị 20 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/la-chan%C2%A0ngan-chan-benh-lao-i363951/