Kyriakos Mitsotakis: Hy vọng mới cho Hy Lạp?

Kyriakos Mitsotakis đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của Hy Lạp với chiến thắng vang dội trước đối thủ của mình là cựu Thủ tướng Alexis Tsipras. Ông thường xuyên được coi là một ứng viên ngoại lai, nhưng chính bản thân lại chẳng hề xa lạ gì với chính trị Hy Lạp.

Tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ảnh: NDPO

Kyriakos Mitsotakis là con trai của Cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis, thuộc một trong những gia đình quyền lực nhất đất nước này.

Ông từng theo học tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Harvard và Standford, từng làm việc tại các hãng tư vấn và ngân hàng lớn của Hy Lạp.

Maria Karaklioumi, một phân tích viên chính trị nói rằng lãnh đạo đảng Bảo thủ "xuất thân từ một gia đình chính trị, đồng nghĩa với đó là một truyền thống chính trị. Người ta tin rằng Mitsotakis có kinh nghiệm và kiến thức cần thiết, khi từng làm việc tại các ngân hàng của Hy Lạp, và cùng với truyền thống trong gia đình, ông có thể trở thành một Thủ tướng tốt”.

Lần đầu ông tham gia tranh cử cho một ghế trong Quốc hội Hy Lạp là vào năm 2004 và đắc cử một cách vang dội.

Từ năm 2013 tới năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng cải cách hành chính dưới quyền của Thủ tướng cánh hữu Antonis Samaras.

Ông từng giám sát việc sa thải hàng nghìn cán bộ nhà nước, khiến chính bản thân mình phải chịu nhiều chỉ trích từ phe đối lập. Toàn bộ lực lượng cảnh sát thành phố, kèm theo 70% nhân viên của Đài Truyền hình nhà nước đã bị ông sa thải.

Thời kỳ miễn truy tố đã chấm dứt rồi”, ông nói trong năm 2014. “Chúng ta sẽ lôi ra mọi con sâu đang làm rầu nồi canh, và sẽ sa thải mọi cán bộ có các hành động phi pháp”.

Đó là một hành động khó khăn mà tôi phải tự mình gánh trách nhiệm mà không nhận được mấy sự ủng hộ”, ông nói trong năm 2016.

Sau khi đảng Dân chủ mới (ND) của ông thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, ông đã tham gia tranh cử lãnh đạo đảng và chiến thắng trước đối thủ Evangelos Meimarakis.

Tôi nghĩ rằng sở hữu cái tên Mitsotakis là một bất lợi. Vì nhiều người có thể nghĩ rằng ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng vì cái tên đó, vì truyền thống gia đình họ. Tuy nhiên, điều đó là không hề chính xác. Ông đã phải chiến đấu một cuộc chiến rất cam go”, chuyên gia chính trị Andreas Drimiotis nhận định.

Cha ông từng làm Thủ tướng từ năm 1990 tới năm 1993. Chị ông từng làm Thị trưởng thành phố Athens và Ngoại trưởng Hy Lạp. Cô đã thất bại trong cuộc đua tới chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào năm 2009.

Những người nhà Mitsotakis đã từng giành được nhiều danh tiếng với các chính sách cải cách của mình, từ lâu trước khi ông Kyriakos tham gia tranh cử Thủ tướng. Khi cha ông, Konstantinos trở thành Thủ tướng vào năm 1990, chính phủ kiểm soát khoảng 70% nền kinh tế đất nước.

Chính ông là người đã mở ra đường lối cải cách tư nhân hóa. Ông đã thương mại hóa các ngân hàng, thoái vốn trong ngành hàng không và truyền thông.

Hàng loạt các dự án hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân được ký kết, tạo nên sân bay Athens mới, dự án tàu điện ngầm Athens, đồng thời xây dựng cây cầu dây dài nhất châu Âu qua vịnh Corinthian.

Tuy nhiên, chính phủ của ông đã sụp đổ trước khi ông thực hiện kế hoạch bán đất công cũng như tư nhân hóa các nhà máy điện và lọc dầu.

Trước thời điểm ông nhậm chức, đảng ND của ông đã phải đối mặt với một cơn bão mà chính phủ cũ để lại.

Chính phủ do Kostas Karamanlis dẫn dắt đã khiến đất nước lao vào cuộc khủng hoảng nợ công vào năm 2007. Vào tháng 3/2007, 2 hãng tài chính đã bị phát hiện rằng họ đã cố tình tăng khống giá trái phiếu chính phủ bằng cách giao dịch với các công ty con ở nước ngoài trước khi bán lại để kiếm lời.

Điều tồi tệ hơn xảy ra khi các cổ phiếu này sau đó được bán cho 4 quỹ lương hưu, khiến cho những người dân nước này là người chịu thiệt hại sau cùng.

Tuy nhiên, điều tồi tệ chưa dừng lại ở đó. Chính quyền của ông Karamanlis đã kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào năm đó, nhằm ngăn chặn báo cáo của cơ quan chống rửa tiền quốc gia được trình bày trước Quốc hội để che đậy cho hành động phi pháp trên.

Để xóa bỏ đi “vết nhơ” trong quá khứ đảng, ông Mitsotakis đã hứa sẽ cải tổ đảng này một cách có “kỷ luật, minh bạch và có trách nhiệm trong mọi hành động”.

Ông cũng đặt ra các mục tiêu lớn cho bản thân. “Chính trị tạo nên vấn đề, và chính trị cũng là liều thuốc giải quyết”, ông thường nói.

Tuy nhiên không phải là thứ chính trị chúng ta từng biết. Chúng ta cần một nền chính trị đặt sự thật, trách nhiệm và giữ lời hứa của mình lên hàng đầu”, ông nói.

Mitsotakis đã chọn một con đường khó khăn khi vận động trong cuộc bầu cử vừa rồi trước đối thủ của mình là đương kim Thủ tướng vào thời điểm đó Alexis Tsipras.

Nikoleta Drougka của Euronews nhận định rằng “tới trước cuộc bầu cử châu Âu, Kyriakos vẫn rất gay gắt khi bình luận về đối thủ của mình. Tuy nhiên trong cuộc vận động, ông lại chọn một hình ảnh hiền hòa hơn, nhằm thu hút được phần lớn những cử tri tới từ nhiều đảng khác nhau và tạo nên một chiến thắng áp đảo, đó là mục đích cuối cùng của ông”.

Đảng của ông đã giành được 39,8% tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, đồng thời nắm giữ 158 trên tổng số 300 ghế tại Quốc hội. Đảng của ông Tsipras về sau với 31% tỷ lệ ủng hộ.

Ông ấy muốn bổ nhiệm đúng người đúng vị trí, dựa trên năng lực và phẩm chất của họ, trong khi vẫn khiến đảng của mình hài lòng. Đó là một chính phủ tiềm năng, đầy tính cải cách và có khả năng thực hiện được lời hứa của mình”, chuyên gia chính trị Nicholas Nikolaidis nhận định.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kyriakos-mitsotakis-hy-vong-moi-cho-hy-lap-post65147.html