KỲ VỌNG VỀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT

Sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 6/9, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, sau Hội nghị sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thi hành pháp luật.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, dư âm của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện tinh thần chủ động của Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động, nhất là trong công tác lập pháp. Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đánh giá, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV thể hiện sự chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác lập pháp.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Để triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi phải ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản dưới luật, đó là nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn tiếp diễn. Do vậy, theo đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, hội nghị lần này chính là lời thúc giục, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp phải đẩy nhanh hơn nữa việc đưa luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào thực tiễn đời sống.

Thông qua hội nghị, các bộ, ngành cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội. Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Từ đó tạo sự thống nhất trong tổ chức, hành động từ trung ương đến địa phương, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thi hành luật. Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc bày tỏ đồng tình cao với thông điệp của hội nghị là cần tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Còn quan điểm của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhận định, sau hội nghị lần này, công tác lập pháp sẽ được nâng cao hơn, để khơi thông nút thắt về thể chế. Qua hội nghị, các đại biểu đã có thông tin để giám sát việc đẩy nhanh tiến độ của văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết còn “nợ”, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Từ đó, các cơ quan, đơn vị sẽ thấy rõ nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với nhau để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực thi luật, hạn chế tối thiểu việc “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết.

Sau hội nghị, 9 nhiệm vụ cần thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị đã được ban hành thành Nghị quyết để các đại biểu giám sát, hy vọng sau hội nghị, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ Sáu tới sẽ được Chính phủ khẩn trương bắt tay thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương

Hội nghị đã cụ thể hóa hơn phương châm “từ sớm, từ xa”, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Quốc hội cũng chính là điều kiện cần để các cơ quan lập pháp, các đại biểu Quốc hội tham gia sâu và chất lượng hơn với các dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật... Với nhiệm vụ đó, các cơ quan liên quan cũng cần bám sát vào Chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội để kịp thời rà soát một cách đồng bộ, toàn diện, đảm bảo xử lý tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật…

Cùng với đó, một số luật liên quan đến nhiều luật đã được rà soát kỹ trong quá trình sửa đổi, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... cần được soạn thảo kỹ lưỡng cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản, để Luật do Quốc hội ban hành được triển khai thực hiện ngay, kịp thời, giải quyết những vấn đề nóng mà thực tế cuộc sống đang đặt ra. Kết quả sau Hội nghị là sự trông đợi và kỳ vọng về sự chuyển biến trong công tác lập pháp được nâng cao hơn, “khơi thông nút thắt thể chế”, hoàn chỉnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật là rất cần thiết, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời và hiệu quả; khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Có thể thấy, việc ban hành những đạo luật, nghị quyết phù hợp, khả thi trong thực tiễn đã khó nhưng để triển khai, tổ chức thực hiện khi luật, nghị quyết có hiệu lực còn quan trọng và khó hơn rất nhiều. Hiện nay, câu chuyện luật đã ban hành nhưng “chậm, nợ” văn bản hướng dẫn và văn bản dưới luật luôn là vấn đề “nóng”; quá trình triển khai thực hiện pháp luật có lúc, có nơi còn chưa nghiêm túc, kịp thời; sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ. Thậm chí một số nội dung hướng dẫn còn chưa đúng, chưa sát với quy định của Luật.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng nêu quan điểm, việc tổ chức hội nghị là rất cần thiết để tổng kết, đánh giá kết quả lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thấy rõ những vướng mắc, hạn chế, qua đó các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, đề xuất các giải pháp khắc phục và Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để các luật, nghị quyết khi được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống bởi nhiều giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai luật, nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng bày tỏ tin tưởng sau hội nghị sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tổ chức triển khai thi hành luật, nghị quyết, vì qua hội nghị những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và nguyên nhân của hạn chế, bất cập đã được chỉ rõ. Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị, bảo đảm khi trình hồ sơ các dự án Luật phải có cả kế hoạch ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn; khảo sát, đánh giá và đặc biệt là tổ chức lấy ý kiến các đối tượng điều chỉnh để việc xây dựng luật sát với thực tiễn, hạn chế luật “khung”, luật “ống”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật để các luật, nghị quyết khi triển khai trong thực tiễn phát huy được hiệu quả cao nhất.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79578