Kỳ vọng về Jakarta khi trở thành thủ đô cũ của Indonesia

Chính quyền Indonesia cho biết, khi Indonesia chuyển thủ đô đến Nusantara, họ sẽ biến Jakarta trở thành một siêu trung tâm kinh tế - tài chính giống như New York (Mỹ) đồng thời sẽ ban hành luật Đặc khu Jakarta.

Diện mạo Jakarta khi không còn là thủ đô của Indonesia

Thực tế để hình dung rõ hơn về một Jakarta trong tương lai cần phải đợi chính phủ ban hành Đạo luật Đặc khu Jakarta đang được thảo luận, khi đó sẽ có các nội dung cụ thể về đường hướng phát triển của thành phố này. Tuy nhiên hiện các quan chức vẫn khẳng định Jakarta trong tương lai sẽ vẫn bao gồm các trung tâm kinh doanh và tài chính, là một nam châm đầu tư hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng liên tục và giá trị kinh tế cao, trong khi Nusantara- thủ đô mới sẽ là một thành phố thông minh, xanh và toàn diện.

Jakarta và các vùng đệm như Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi sẽ trở thành những khu vực tập trung lớn nhất thế giới, với nhiều chuyên gia dự đoán rằng hướng đi sẽ là hai hệ thống siêu đô thị Jakarta và lưu vực Bandung là hai động lực chính. Chính quyền tỉnh Jakarta có thể chuyển sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao và hợp tác với các tỉnh lân cận, bao gồm Tây Java và Banten.

Thành phố Jakarta.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng việc di dời thủ đô sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của Jakarta, tác động được cảm nhận rõ ràng trong chi tiêu hộ gia đình và chi tiêu chính phủ. Nguyên nhân là do các ngành sử dụng nhiều lao động dự kiến rời khỏi thành phố và các thành phố vệ tinh khác, đồng thời mức tiêu dùng của hộ gia đình cũng dự kiến giảm do công chức và nhân viên lực lượng vũ trang được chuyển đến thủ đô mới. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền tỉnh Jakarta phải lường trước những tác động ngắn hạn và dài hạn của việc di dời thủ đô, từ vấn đề chi tiêu hộ gia đình, lực lượng lao động, đầu tư, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Cần chuẩn bị các kịch bản nhằm giảm tác động của sự thay đổi quy chế cũng như đạt được sự hợp tác với chính quyền trung ương, địa phương, doanh nghiệp và các khu vực tư nhân để đảm bảo rằng Jakarta vẫn có sức hút và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.

Di sản công của Jakarta khi không còn hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt

Không còn quy chế thủ đô, dư luận thắc mắc liệu khi không còn những chính sách ưu đãi đặc biệt như trước, những di sản công của một thủ đô cũ sẽ được xử lý ra sao, đặc biệt là những kế hoạch bảo vệ Jakarta về dân số, môi trường, đặc biệt là quá trình sụt lún nghiêm trọng vẫn còn đó.

Trước hết về tài sản công, Theo Bộ Tài chính Indonesia, các tài sản nhà nước ở Jakarta như các tòa nhà thuộc sở hữu của 34 Bộ dự kiến sẽ được cho thuê để tài trợ cho việc xây dựng Nusantara. Tài sản thuộc sở hữu của chính quyền trung ương ở Jakarta trị giá khoảng 108 tỷ USD. Các nhà chức trách cho biết vì Jakarta sẽ vẫn là trung tâm kinh tế của Indonesia nên các tòa nhà thuộc sở hữu của chính quyền trung ương trước đây là nơi làm việc của hàng nghìn công chức sẽ không bị bỏ trống. Chính phủ sẽ tối ưu hóa tài sản ở Jakarta để có thể huy động vốn phát triển thủ đô mới.

Hiện một Dự luật đặc khu Jakarta (DKJ) đang được thảo luận làm cơ sở pháp lý cho thành phố trong tương lai, bao gồm tất cả các khía cạnh quan trọng liên quan đến sự phát triển của thành phố. Theo các chuyên gia, với giá trị lịch sử và tiềm năng to lớn, Jakarta xứng đáng được xếp vào là một khu vực đặc biệt, được trao một số quyền và cơ quan đặc biệt để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bao gồm ùn tắc giao thông, ô nhiễm, lũ lụt và nỗ lực phát triển Jakarta thành thành phố kinh tế lớn.

Vấn đề lớn mà Jakarta đang phải đối mặt đó là tình trạng sụt lún, nhiều chuyên gia kỳ vọng Luật đặc khu Jakarta sẽ trao cho chính quyền Jakarta toàn quyền quản lý hệ sinh thái ven biển trong khu vực, tiếp tục các kế hoạch xử lý tình trạng sụt lún của thành phố. Một thẩm quyền như vậy là cần thiết để đảm bảo rằng chính quyền khu vực không bị cản trở bởi các cơ quan chức năng chồng chéo trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt lún của thành phố. Với dân số lớn 10,6 triệu người của Jakarta, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng thành phố có đủ những năng lực cần thiết để hướng tới sự tăng trưởng liên tục ngay cả sau khi di dời thủ đô.

Jakarta có bị giảm thu hút đầu tư quốc tế?

Jakarta đã đóng góp 17,23% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước trong quý 2 năm 2021 do đó mặc dù di dời thủ đô nhưng nền kinh tế quốc gia vẫn sẽ phụ thuộc vào Jakarta. Xét đến thực tế Jakarta là đô thị lớn nhất ở Indonesia và là trung tâm kinh tế của đất nước, do đó Indonesia vẫn sẽ tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư quốc tế. Vì vậy mặc dù thúc đẩy cho kế hoạch xây dựng thủ đô mới, nhưng chính phủ cũng tiếp tục thực hiện hàng loạt các dự án tái tạo đô thị ở Jakarta, với kế hoạch bổ sung 40 tỷ USD trong 10 năm tới, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng giao thông công cộng.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng các lĩnh vực bất động sản, sản xuất và dịch vụ trên toàn khu vực đô thị sẽ phát triển mạnh nhờ sáng kiến này. Được bao quanh bởi một số vùng đệm công nghiệp – Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi – Jakarta dự kiến sẽ tiếp tục chứng tỏ sức mạnh kinh tế của mình với tư cách là một thành phố kinh doanh toàn cầu, bên cạnh thực tế là Jakarta có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường thu phí, bến cảng, hệ thống giao thông quốc tế, sân bay và hệ thống giao thông công cộng tích hợp. Do đó mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế của Jakarta sẽ không hề giảm đi. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng để duy trì vị thế là một thành phố kinh doanh cấp toàn cầu, Jakarta cần đảm bảo rằng chính phủ và người dân cần sẵn sàng nâng cao sức mạnh tổng hợp, cam kết và quyết tâm để duy trì vị thế của thành phố này kể cả khi không còn là thủ đô của Indonesia.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/ky-vong-ve-jakarta-khi-tro-thanh-thu-do-cu-cua-indonesia-post1081841.vov