Kỳ vọng dòng vốn ngoại đảo chiều sang mua ròng

Sau giai đoạn mua ròng mạnh, kể từ cuối tháng 2/2023 đến nay, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán đảo chiều sang bán ròng liên tục.

Cổ phiếu HPG trên sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam có xu hướng ngược chiều với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu, thì diễn biến của dòng vốn ngoại đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giảm 1,91%, xuống 25.650 đồng/cổ phiếu.

Cùng với xu hướng giằng co của thị trường, sự suy giảm của HPG còn đến từ đà bán ròng mạnh của khối ngoại, khi ghi nhận bị rút ròng hơn 214 tỷ đồng, với hơn 8,4 triệu cổ phiếu bị bán ra. Tính từ đầu tuần đến nay, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, với giá trị bán ròng lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu tài chính, VPB - cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng cũng ghi nhận khối ngoại rút ròng mạnh trong thời gian gần đây.

Kể từ đầu tháng 8/2023 đến nay, có tới 14/18 phiên khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng cổ phiếu VPB,giá trị bán ròng ước tính lên đến 600 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những cổ phiếu nằm trong nhóm VN30 bị bán ròng mạnh nhất trong tháng này.

Báo cáo cập nhật dòng tiền của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho thấy, áp lực rút vốn từ khối ngoại không chỉ vẫn được duy trì mà ghi nhận sự tăng mạnh trong thời gian gần đây, với lực cầu chưa có dấu hiệu trở lại.

Chỉ tính riêng tuần trước, khối ngoại đã rút ròng 1.078 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu và năng lượng khi MSN và PVS bị bán ròng mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực với VPB, BVH và STB bị thoái vốn nhiều nhất.

Hoạt động bán tập trung chủ yếu trên các quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) chủ đạo như VFMVN30 ETF FUND (21,8 triệu USD), FUBON FTSE VIETNAM ETF (14,8 triệu USD) và VFMVN DIAMOND ETF (11,4 triệu USD).

Đáng chú ý, các quỹ trên đã có tuần thứ 2 liên tiếp, cùng nhau đóng góp chủ yếu vào hoạt động thoái vốn tại Việt Nam. Hoạt động rút vốn vẫn bị phân hóa rõ rệt khi vẫn tập trung ở các quỹ bị thoái vốn trước đó.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF hiện có tổng tài sản 646 triệu USD, trong đó 33,3% tài sản được phân bổ vào cổ phiếu Việt Nam.

Đầu năm nay, quỹ ETF này đã vào ròng lượng tiền lớn (390 triệu USD từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023), nâng tổng tài sản lên 730 triệu USD, nhưng sau đó đảo chiều rút ròng 102 triệu USD kể từ tháng 4/2023.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, việc khối ngoại có xu hướng bán ròng trong những tháng gần đây không có nghĩa là họ rời bỏ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài việc chịu sự ảnh hưởng của các sự kiện kinh tế thế giới và có tính chu kỳ, đặc điểm giao dịch của nhà đầu tư ngoại giờ đây chủ yếu lướt sóng là nhiều. Họ sẽ tập trung mua vào khi thị trường có đợt giảm sâu, cổ phiếu có mức giá hợp lý và khi thị trường tăng cao, định giá không còn rẻ thì sẽ đẩy mạnh bán ra.

Thực tế, với nhịp tăng kéo dài hơn 3 tháng qua đã đẩy định giá P/E của thị trường lên khoảng 14 - 14,5 lần - tương đương với trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy trước đó.

Nhiều cổ phiếu cũng đã tăng mạnh khiến định giá không còn quá hấp dẫn và trở thành rào cản thu hút dòng tiền. Khi thị trường có phiên giảm sâu, như phiên bán tháo ngày 18/8 vừa qua, thị trường ghi nhận sự vào ròng đáng kể của khối ngoại, khi mua ròng hơn 450 tỷ đồng.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cũng cho rằng, thời gian quan dòng vốn nước ngoài bị bán ròng khá nhiều. Hiện tượng này không hẳn là do diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam đang xấu đi mà nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt hơn.

Chẳng hạn, gần đây ở các thị trường mới nổi, dòng tiền vào thị trường Mỹ La Tinh như Brazil tăng lên rất nhiều. Do đó, chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc ra khỏi Việt Nam để đầu tư vào các thị trường có mức tăng trưởng tốt như Bzaril.

Mặt khác, dòng tiền khối ngoại có xu hướng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) – tập trung ở các thị trường phát triển, còn Việt Nam lại chưa có nhóm này. Vì vậy, việc dịch chuyển vốn ở Việt Nam thời gian qua là điều dễ hiểu.

Dù triển vọng khối ngoại chưa mấy lạc quan, song giới phân tích cũng kỳ vọng giao dịch của khối ngoại sẽ xoay trục mua ròng trở lại trong thời gian tới với nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường.

Một thông tin đáng chú ý sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại thời gian tới là kỳ xem xét của FTSE vào tháng 9. Các động thái từ FTSE đối với Việt Nam sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dự kiến, sắp tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có cuộc họp với một số tổ chức xếp hạng, quỹ đầu tư. Điều này được kỳ vọng là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề trên, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE vào năm 2024 hoặc 2025.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 và sẵn sàng triển khai. Đây được xem là tiền đề cho việc tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán, cũng như thu hút các nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước tham gia.

Mặt khác, theo ông Phạm Lưu Hưng, làn sóng hạ xếp hạng tín nhiệm ở các quốc gia lớn trên thế giới diễn ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Nếu Việt Nam đi ngược lại xu hướng này và được nâng hạng, thì nhiều khả năng dòng vốn sẽ đảo chiều tăng mạnh.

Chuyên gia của SSI nhận định, xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF của Việt Nam trong dài hạn vẫn khá tích cực, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư cá nhân và trong quá khứ, dòng tiền sẽ vào mạnh khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh hoặc thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ rệt.

Đối với những lo ngại về tỷ giá có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây gây áp lực lên dòng vốn ngoại, giới phân tích cho rằng cần theo dõi chặt chẽ, nhưng phần lớn vẫn nhận định biến động tăng đột biến của tỷ giá USD/VND gần đây chỉ mang tính chất ngắn hạn.

Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu trở lại trong những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ; trong khi đó những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực./.

Hứa Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-vong-dong-von-ngoai-dao-chieu-sang-mua-rong/304181.html