Kỳ vọng cách mạng xanh lần 2 với nông nghiệp tái sinh

Trên khắp thế giới, tiềm năng đầy hứa hẹn của nông nghiệp tái sinh đang được khám phá tìm hiểu giữa các cộng đồng người làm nông nghiệp sáng tạo và các trang trại riêng lẻ. Điều này cũng đang được kỳ vọng thực hiện tại Việt Nam trong cuộc cách mạng xanh lần thứ 2 nhằm mang lại một tương lai ấm no hơn cho nhà nông.

1. Trong cuộc thi đổi mới sáng tạo gần đây của đại học RMIT - Hacktivator 2022, đã khơi dậy ý tưởng mới nhằm giảm biến đổi khí hậu, được thiết kế để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cho phép người tham gia tự do nghĩ ra các giải pháp dựa trên phương pháp nông nghiệp tái sinh.

Người tham gia được yêu cầu đưa ra giải pháp cho câu hỏi cốt lõi: “Làm thế nào để vừa tạo nên doanh nghiệp với sức mạnh đột phá tiếp theo, vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua nông nghiệp?”.

Trong ba ngày đầu, thí sinh được hướng dẫn lên ý tưởng bằng mô hình thử thách quen thuộc, và kết thúc bằng một cuộc thi thuyết trình trước hội đồng giám khảo.

Nông nghiệp tái sinh đang mang lại những tia vọng mới giúp ngành nông nghiệp Việt “đơm hoa kết trái” một cách bền vững trong tương lai.

Nông nghiệp tái sinh đang mang lại những tia vọng mới giúp ngành nông nghiệp Việt “đơm hoa kết trái” một cách bền vững trong tương lai.

Nói về “nông nghiệp tái sinh”, theo giới chuyên gia RMIT, nó sẽ xoay quanh các phương thức canh tác giúp giảm lượng CO2 trong khí quyển, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong tương lai, và phục hồi sức khỏe của hành tinh thông qua các loài thực vật và động vật khỏe mạnh hơn.

Trên khắp thế giới, tiềm năng đầy hứa hẹn của nông nghiệp tái sinh đang được khám phá tìm hiểu giữa các cộng đồng người làm nông nghiệp sáng tạo và các trang trại riêng lẻ. Đáng chú ý, nông nghiệp tái sinh hứa hẹn sẽ thay thế các kỹ thuật nông nghiệp đại trà hiện nay như đơn canh, lạm dụng hóa chất mạnh và xới đất sâu.

Trở lại cuộc thi nêu trên, trong số bảy đội lọt vào vòng chung kết thì đội Borlaug's Dream Farms (tạm dịch: “Trang trại mơ ước của Borlaug” – đặt theo tên nhà nông học người Mỹ nổi tiếng Norman Borlaug) đã đăng quang ngôi vị Quán quân. Đội thắng cuộc này đã đưa ra ý tưởng tinh chế rơm rạ với sâu bột vàng và ruồi lính đen.

Điều làm cho nhiều người chú ý từ đội quán quân này thông qua ý tưởng tinh chế rơm rạ (dù lâu nay đã có nhiều cách biến rơm rạ thành tiền), đó là dùng để sản xuất phân bón, thức ăn đạm cho gia súc và dầu diesel sinh học. Bởi vì đây là điều mà thị trường trong nước đang rất cần (nhất là hàng năm phải nhập khẩu nguyên liệu với số lượng lớn), và cũng để thấy phần giá trị ngày càng nâng cao của nông nghiệp tái sinh.

Chẳng hạn như để sản xuất phân bón thông qua nông nghiệp tái sinh, không chỉ với rơm rạ, có thể kể đến việc tận dụng các chất phế thải từ công nghiệp chế biến nông sản thực vật. Đơn cử như lượng bã cà phê do hai nhà máy cà phê lớn ở Việt Nam là Vinacafe và Nestlé thải ra hàng năm xấp xỉ 100.000 tấn. Đây cũng là một nguồn nguyên liệu có hàm lượng các chất dinh dưỡng và lượng mùn khá cao.

Ngoài ra, những nguyên liệu khác thuộc loại này như bã dong riềng ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay bã khoai mì tập trung ở các tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Bình Phước cũng là những nguyên liệu cần xử lý thích hợp để làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi.

2. Nhân chuyện đội Borlaug's Dream Farms đoạt ngôi quán quân, cũng nên tìm hiểu thêm vì sao đội này lại lấy tên của nhà nông học Norman Borlaug. Theo Wikipedia, Norman Borlaug (1914 - 2009) là nhà nông học Mỹ, nhà nhân đạo, người đoạt giải Nobel hòa bình năm 1970. Ông được coi là cha đẻ của cách mạng xanh.

Nhờ cuộc cách mạng xanh, từ năm 1960 đến năm 1990, sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi và đã cứu sống khoảng 1 tỷ người tại những nước đang phát triển khỏi nguy cơ chết đói.

Qua tiểu sử cho thấy, Borlaug đã cống hiến suốt đời để cải thiện đời sống và thu nhập cho hàng trăm triệu nông dân nghèo trên toàn cầu. Cuộc cách mạng xanh (nhằm mục đích nâng cao chất lượng cây trồng và thúc đẩy mọi người đều góp sức để cải tiến ngành nông nghiệp) đã có các ảnh hưởng sinh thái và xã hội to lớn thu hút các khen ngợi nồng nhiệt và các chỉ trích dữ dội tương đương.

Nông nghiệp tái sinh được kỳ vọng sẽ đem đến một cách tiếp cận tích cực nguồn lương thực trong dài hạn, một cơ hội tái sinh về môi trường, và một tương lai ấm no hơn cho nhà nông.

Nông nghiệp tái sinh được kỳ vọng sẽ đem đến một cách tiếp cận tích cực nguồn lương thực trong dài hạn, một cơ hội tái sinh về môi trường, và một tương lai ấm no hơn cho nhà nông.

Đó là vì cuộc cách mạng xanh này, mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã từng trải qua, đã sử dụng giống cải tiến, thâm canh sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lương thực. Thế nhưng, mặt trái là ô nhiễm môi trường, suy thoái đất, mất an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng và của chính nông dân sử dụng hóa chất.

Và sau cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất do nhà nông học Norman Borlaug khởi xướng, hiện nay người ta nói nhiều đến cách mạng xanh lần 2 trên thế giới và cho cả Việt Nam với sự tập trung vào phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tức là phải làm nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…

Là một nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như với nông nghiệp tái sinh, đây được xem là nền nông nghiệp sử dụng tối đa các nguyên tắc của hệ sinh thái tự nhiên. Bởi vậy, nói nông nghiệp tái sinh là một phần của cách mạng xanh lần 2 vì đây là cuộc cách mạng “phủ xanh” cách mạng lần thứ nhất, phát triển nông nghiệp theo hướng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Nhất là trong bối cảnh toàn cầu ứng phó với khủng hoảng đa phương diện, nông nghiệp tái sinh được kỳ vọng sẽ đem đến một cách tiếp cận tích cực nguồn lương thực trong dài hạn, một cơ hội tái sinh về môi trường, và một tương lai ấm no hơn cho nhà nông.

Bởi lẽ, như trăn trở của một chủ doanh nghiệp Việt trong ngành hàng chế biến và xuất khẩu nông sản là ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cuộc chạy đua bón phân hóa học trên đồng ruộng, cơn khát nhập khẩu thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và đủ loại thuốc cho trái cây chín ép, tăng trưởng sớm…sẽ dẫn nền nông nghiệp đi về đâu ?

Cho nên, với vùng nguyên liệu của mình, theo ông Viên, thứ khác thay thế là một nông pháp mới đã được hình thành - nông pháp sinh học - tức dùng nền tảng sinh học để giải quyết vấn đề. Thay vì phun thuốc thì phun sinh học, chữa bệnh cũng bằng sinh học, giải pháp tăng trưởng cũng từ sinh học. Từ trên quan điểm lý luận đó mới có nền tảng vững chắc mà đi đường dài.

Có thể nói nông nghiệp tái sinh đang mang lại những tia hi vọng mới cho lợi ích của nông dân, cho môi trường và xã hội ở Việt Nam một cách bền vững trong tương lai dù đây là một khái niệm mới nổi, vẫn cần sự đồng thuận nhiều hơn.

Nhất là vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Đầu tiên là thời gian, vì chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh cần nhiều thời gian. Khi thay đổi thiên nhiên, sẽ cần nhiều thời gian để thấy được kết quả. Đó là điều khó khăn nhất, vì nếu chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, người nông dân sẽ thấy trong ngắn hạn, lợi nhuận hoặc năng suất trang trại của họ có sự giảm đi tạm thời.

Những lợi ích lâu dài không dễ thấy được ở lúc ban đầu. Chính vì vậy, làm thế nào để giúp nông dân Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh và có niềm tin vào nó vẫn còn chờ đợi về mặt thời gian và những dấu hỏi ở phía trước.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ky-vong-cach-mang-xanh-lan-2-voi-nong-nghiep-tai-sinh-1090185.html