Ký ức về Nhật Bản - đất nước ân tình trong - cuộc đời ngoại giao

Chắc chắn, mỗi chúng ta đều mang trong lòng mối ân tình sâu sắc về những người bạn Nhật Bản thủy chung, chân tình mà chúng ta từng gặp.

Sau khi vào ngành Ngoại giao, năm 1982, tôi được giao phụ trách bộ phận Nhật Bản và sau đó, được mời đi thăm Nhật Bản theo chương trình giao lưu của Bộ Ngoại giao bạn. Trong hơn 40 năm qua, mặc dù tới Nhật Bản nhiều lần trên các cương vị khác nhau, phải đến khi được cử đi công tác nhiệm kỳ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền gần 4 năm tại đây (từ đầu 2008 đến cuối 2011), tôi mới có dịp tiếp xúc với cuộc sống thực tế và gặp gỡ thường xuyên để hiểu rõ hơn về đất nước và con người Nhật Bản.

Ngày 28/11/2020, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tiếp ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) thăm và làm việc tại Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Phú Bình cùng tham dự cuộc gặp. (Nguồn: VUFO)

Ngày 28/11/2020, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tiếp ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) thăm và làm việc tại Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Phú Bình cùng tham dự cuộc gặp. (Nguồn: VUFO)

Những kỷ niệm khó quên

Năm 2006, tôi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và năm 2007, tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp kiến Nhà Vua Akihito và dự Quốc yến của Ngài.

Tôi vinh dự được Chủ tịch nước giới thiệu là Đại sứ sắp tới tại Nhật Bản và được Nhà Vua chào đón ngay cả trước khi nhận nhiệm vụ! Tôi nhớ mãi lời Nhà Vua Akihito khi nhắc lại lịch sử xa xưa, khi người Việt đầu tiên đến Nhật Bản là Nhà sư Phật Triết đến tu tại ngôi chùa Todaiji ở cố đô Nara, truyền bá những giai điệu dân ca vùng Lâm Ấp (nay là khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam), hiện tại vẫn để lại dấu ấn trong Nhã nhạc cung đình Nhật Bản. Ngài còn nhắc đến nông nghiệp lúa nước Nhật Bản chính là học hỏi từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Đầu năm 2008, tôi bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhật Bản, với may mắn đặc biệt, được trình Quốc thư lên Nhà Vua chỉ 2 tuần sau khi đến Nhật Bản, được Nhà Vua chào đón như người đã thân quen từ trước!

Khoảng một tháng sau đó, Hoàng cung tổ chức cuộc tiếp kiến của Nhà Vua và Hoàng hậu với 5 cặp Đại sứ và phu nhân các nước mới nhận nhiệm vụ. Chúng tôi lần lượt được nói chuyện riêng với Nhà Vua và Hoàng hậu. Tôi tranh thủ nhắc lại việc Chủ tịch nước mời Nhà Vua và Hoàng hậu thăm Việt Nam. Trong khi đó, Hoàng hậu rất ân cần hỏi vợ tôi về công việc giảng dạy Đại học ở Việt Nam. Biết vợ tôi chuyên về ngôn ngữ và văn hóa Nga, Hoàng hậu cho biết bà có viết một cuốn sách với chủ đề văn hóa và giáo dục, đã được dịch sang tiếng Nga, muốn tặng phu nhân Đại sứ để tham khảo! Chúng tôi rất trân trọng cảm ơn và cuối buổi tiếp, món quà quý đó được trao riêng cho vợ chồng tôi khi các cặp Đại sứ khác đã ra về.

Bốn năm sau, khi kết thúc nhiệm kỳ, Hoàng hậu thay mặt Nhà Vua đang dưỡng bệnh tiếp chúng tôi. Bà mặc bộ váy áo có thêu bông hoa sen Việt Nam và giải thích: Do không có dịp mặc áo dài Việt Nam do phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng, bà đã tách bông hoa sen, đưa vào bộ váy áo này để mặc khi tiếp khách Việt Nam! 8 năm sau đó, vợ chồng tôi lại có dịp được đón Nhà Vua và Hoàng hậu trong chuyến thăm Việt Nam, trước khi truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Naruhito.

Hoàng gia Nhật Bản không chỉ rất gần gũi, thân thiết với người dân của mình, mà cũng rất gần gũi với Đoàn ngoại giao. Hàng năm, ngoài các dịp được tiếp kiến Nhà Vua khi tháp tùng lãnh đạo cấp cao thăm Nhật Bản, Đoàn ngoại giao được tiếp xúc với Nhà Vua, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia 3 lần - ngắm hoa Anh Đào ở Vườn Thượng uyển, chúc mừng sinh nhật của Nhà Vua và đón mừng Năm mới.

Những chính khách gắn bó với Việt Nam

Trong nhiệm kỳ của tôi, chính trường Nhật Bản diễn biến hết sức phức tạp. Trong 4 năm đã có 5 Thủ tướng của Đảng Dân chủ tự do và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Tuy nhiên, quan hệ với Việt Nam không những rất ổn định mà còn có bước phát triển vượt bậc, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (có hiệu lực từ 1/10/2009) và thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược (4/2009).

Song song quá trình này, vai trò của Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt, bao gồm đại diện tất cả Đảng phái chính trị trong Quốc hội, hết sức quan trọng! Trong hoàn cảnh đấu tranh chính trường quyết liệt như vậy, các thành viên trong Liên minh dù có bất đồng về quan điểm Đảng phái nhưng vẫn thống nhất trong lập trường phát triển quan hệ với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Anh đào tại Hoàng Thành Thăng Long, tháng 4/2016. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Nguyễn Phú Bình tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Anh đào tại Hoàng Thành Thăng Long, tháng 4/2016. (Ảnh: NVCC)

Trong vai trò Chủ tịch Liên minh, Nghị sỹ Takebe Tsutomu đã đóng vai trò tập hợp và điều phối các hoạt động vận động trong Quốc hội tăng cường quan hệ với Việt Nam. Nghị sỹ lão thành Nikai Toshihiro, khi đó là Bộ trưởng Công Thương, cùng với ông Takebe luôn dành mọi cố gắng để thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam. Chính ông Nikai đã truyền bá phong trào “mỗi xã một sản phẩm” đã thành công ở Nhật Bản cho Việt Nam, và hiện tại là Chủ tịch Liên minh, thay cho Nghị sỹ Takebe, nay là Cố vấn đặc biệt của Liên minh.

Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio cũng là nhân vật rất đặc biệt đối với Việt Nam, đã tham gia Liên minh từ hơn 25 năm trước. Tôi có vinh hạnh lớn khi ông, với vai trò thành viên nội các, tham dự Lễ trình Quốc thư lên Nhà Vua đầu năm 2008. Khi đó, ông là Tổng thư ký Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam và vẫn giữ vai trò này cả khi đã là Thủ tướng. Thật cảm động khi trong Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 1/5/2023), ông tuyên bố: “Không có bất kỳ giới hạn nào trong hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam”! Một điều đặc biệt nữa là Thủ tướng Phạm Minh Chính, trước khi nhận trọng trách này, đã là Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Vào dịp kỷ niệm trọng đại này, tôi rất xúc động tưởng nhớ cố Nghị sỹ Matsuda Iwao, nguyên Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt, đã hết lòng dành ưu tiên cho hợp tác khoa học - công nghệ với Việt Nam. Tiếp đó, với vai trò đồng trưởng ban tổ chức, đã dành mọi tâm huyết và nhiệt tình, đồng hành cùng tôi và các Đại sứ nhiệm kỳ tiếp theo, sáng lập Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, từ lần đầu tiên (năm 2008) cho đến khi ông qua đời đầu năm 2022.

Chính những vị chính khách đáng kính nói trên, cùng nhiều vị khác trong suốt 50 năm qua, đã bền bỉ cùng Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, tạo dựng nên mối quan hệ mẫu mực mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát lại là “chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất, hiệu quả!”.

Chắc chắn, mỗi chúng ta đều mang trong lòng mối ân tình sâu sắc về những người bạn Nhật thủy chung, chân tình mà chúng ta từng gặp.

Nguyễn Phú Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-uc-ve-nhat-ban-dat-nuoc-an-tinh-trong-cuoc-doi-ngoai-giao-251895.html