Ký ức về 'mùa hè đỏ lửa' Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hòa Bình ôn lại kỷ niệm một thời "hoa lửa".

Ông Bùi Mãnh Liệt, Chủ tịch Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hòa Bình xúc động nhớ lại: Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, lớp lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình tuổi mới mười tám, đôi mươi tạm biệt quê hương, gia đình, người thân lên đường đi chiến đấu tại các mặt trận phía Nam. Tháng 5/1971, tôi và nhiều thanh niên trong tỉnh tham gia huấn luyện quân sự ở huyện Yên Thủy vinh dự được tham gia Sư đoàn 308 - "quả đấm thép" lực lượng tiến công của quân đội ta. Sau chuỗi ngày hành quân đi bộ, đi tàu, lội suối, vượt sông Quảng Bình, Quảng Trị, dùng ba lô bọc nilon làm phao vượt sông Bến Hải, khi ấy ông làm nhiệm vụ trinh sát thông tin cho trung đoàn xây dựng kế hoạch đánh quân địch. Chiến trường ác liệt, địch cho máy bay quần thảo, súng đạn, khói lửa nát cả bầu trời. Cứ 15 phút địch lại dội bom 1 một lần. Khi đơn vị trinh sát vào Đông Hà - Quảng Trị, đoàn đang ở khe suối, bom, đạn pháo, thuốc súng dội xuống, nhiều chiến sỹ thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 hy sinh, cả chính ủy và trung đoàn trưởng. Ông cũng bị thương do sức ép bom ngày 12/4/1972, sau đó phải quay ra Vĩnh Linh điều trị, một tháng sau trở lại chiến trường tiếp tục làm nhiệm vụ trinh sát cho sư đoàn. Trong quá trình làm nhiệm vụ tại đài quan sát 31, bom địch dội trúng cửa hầm, ông bị đất đá vùi lấp, may mắn đồng đội kịp thời cứu ra. Đợt bom địch dội ở khe suối, nhiều chiến sỹ ở Hòa Bình hy sinh, đồng đội nhặt tìm thi thể không còn vẹn toàn chôn tạm, đến nay đã quy tập tại Nghĩa trang đường 9. Mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Nơi đây được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đang nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng...

Đến tháng 12/1972, theo chỉ đạo Sư đoàn 308 rút quân để Sư đoàn 312 tiếp quản tiếp tục chiến đấu, ông Bùi Mãnh Liệt trở về quê hương làm trong ngành y tế và nghỉ hưu đến nay. Ông tâm sự: Hàng trăm thanh niên tỉnh Hòa Bình đã vinh dự tham gia chiến trường Quảng Trị vào "mùa hè đỏ lửa" 81 ngày đêm, đó là một thời "hoa lửa" trên mảnh đất Quảng Trị.

Cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, nhất là thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Những chiến sỹ tham gia chiến trường Quảng Trị năm 1972 nhớ về cuộc chiến khốc liệt qua lời thơ của một cựu chiến binh từng tham gia trận đánh: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” .

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ một lần nữa khẳng định Mỹ - Ngụy không thể thắng ở Quảng Trị và ở Việt Nam. Đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Chúng ta có tình đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân xâm lược. Thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với thắng lợi của trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972 đã buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hòa Bình được thành lập tháng 1/2018, đến nay có hơn 560 hội viên tham gia phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; kiện toàn hệ thống tổ chức hội các cấp; tiếp tục quan tâm công tác tri ân các anh hùng liệt sỹ và đồng đội đã hy sinh, góp phần xây dựng cuộc sống mới.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/188608/ky-uc-ve-mua-he-do-lua-thanh-co-quang-tri-nam-1972.htm