Ký ức về khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú

Ngày 6-1, Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận. Đây là việc làm đầy ý nghĩa với thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, quê hương.

Cách đây hơn 60 năm, mảnh đất Vĩnh Thuận - căn cứ U Minh Thượng chứng kiến sự kiện đầy đau thương, mất mát. Những trận đòn roi tra tấn, hủy hoại về thể xác, khủng bố về tinh thần của con người do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng nên giết hại hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân yêu nước.

Chúng đặt ra luật lệ man rợ như ai cho Việt cộng ăn, ở, ai tiếp tế cho Việt cộng, ai thấy Việt cộng mà không báo, chúng đều giết. Các đội bảo vệ hương thôn canh gác ngày đêm ở thôn xóm. Khi phát hiện có Việt cộng hoặc tình nghi người hoạt động cách mạng là phải đánh mõ báo động để toàn xóm, ấp, xã rượt đuổi và vây bắt người mà chúng nói là Việt cộng.

Mọi người dẫu muốn dẫu không, dẫu là bà con, anh em ruột thịt, họ hàng đều phải đánh đập đến khi vỡ sọ mới thôi. Hoặc chúng bắt mang về trại giam An Phước do những tên ác ôn Lâm Quang Phòng, Cái Văn Ngà, Phạm Dữ đứng đầu để xét hỏi, tra tấn. Trong thời gian ngắn từ năm 1955-1957 nhưng khu rừng tràm Bang Biện Phú trở thành lò sát sinh tàn bạo nhất của miền Tây Nam bộ nhằm thực hiện chính sách “dĩ cộng Việt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm..

Bà Trần Thị Bàng (thứ ba, từ phải qua), ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) kể chuyện về khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú.

Bà Trần Thị Bàng (thứ ba, từ phải qua), ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) kể chuyện về khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú.

Ông Thái Công Bình (74 tuổi) là đảng viên 55 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang nhớ lại: “Tôi không thể nào quên ngày nhận được hung tin ba mình bị Lâm Quang Phòng sát hại. Đó là buổi sáng ngày 12-10-1957, má chèo xuồng chở anh em tôi đến trại giam chi khu An Phước để thăm ba. Xuồng vừa cặp bến thì một người quen là vợ lính cho má tôi biết sau khi đánh đập, tra tấn không khai thác được thông tin gì từ ba tôi, Lâm Quang Phòng ra lệnh đưa ông Thái Trường Thông ra rừng tràm Bang Biện Phú chặt đầu tối hôm qua”. Mẹ con ông Bình đau đớn chèo xuồng quay về lại quê nhà. Rất nhiều đêm sau đó, mẹ ông thức trắng, khóc không thành tiếng.

Còn ông Trần Minh Tỷ (74 tuổi), ngụ ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết cha ông là ông Trần Văn Nghĩa (sinh năm 1908) lúc hy sinh là trưởng ấp. Lâm Quang Phòng bắt cha ông đưa vào chi khu An Phước sau thời gian tra tấn với nhiều nhục hình tàn bạo, bọn chúng “chuyển trại”. Bọn chúng đào sẵn những cái hố sâu phía sau trại giam. Khi đêm đến, ông Nghĩa cùng 5 người khác bị đưa đến hố rồi đẩy xuống chôn sống trong khu rừng tràm Bang Biện Phú.

Bà Trần Thị Bàng (94 tuổi), ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận sống gần trại giam chi khu An Phước từ nhỏ. Bà Bàng chia sẻ bà không quên được tiếng la hét của những người bị hành hình trong khu rừng tràm Bang Biện Phú. Hàng đêm từ 22-24 giờ, lính ngụy dẫn tù nhân thành một hàng ra khu rừng tràm để hành hình.

Theo ông Đoàn Hùng Hải (78 tuổi), ngụ khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, những năm 1955-1957 bọn Lâm Quang Phòng và tên Cái Văn Ngà áp dụng các hình thức tra tấn tàn bạo để hành hạ tù nhân và người dân yêu nước. Hàng đêm tên Cái Văn Ngà nhậu đến khoảng 23 giờ rồi cầm mã tấu xuống trại lôi tù nhân ra chặt đầu để thị uy.

Dù chịu mọi cực hình, nhưng với tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân, kiên quyết không đầu hàng, không khai báo. Họ vẫn hiên ngang trước kẻ thù, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và cách mạng nhất định thắng lợi, hai miền Nam Bắc thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công được xây dựng tại chính nơi mà hàng ngàn anh hùng, liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bị tra tấn, chôn sống, hy sinh mang một ý nghĩa to lớn, thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng, liệt sĩ. Đây là công trình lịch sử có ý nghĩa to lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất, ý chí vươn lên, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông, đất nước.

VÕ THANH XUÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/ky-uc-ve-khu-chung-tich-chien-tranh-rung-tram-bang-bien-phu-18414.html