Ký ức 'tim đập nhanh' về gia đình của cựu chủ tịch Starbucks

Hồi còn đi học, tim tôi luôn đập nhanh hơn mỗi lần mở cửa căn hộ nhà chúng tôi.

Giằng xé

Ký ức của chúng ta về cha mẹ là cuốn lưu bút nguệch ngoạc những hình vẽ không hoàn chỉnh. Làm con, chúng ta chỉ được hé màn cho biết những lát cắt mỏng về cuộc đời cha mẹ chúng ta. Những điều diễn ra ngoài tầm tai nghe và mắt thấy cũng vô hình như không khí, thế nên thường thì con người thật sự đằng sau mỗi ông bố bà mẹ mãi luôn là một ẩn số không lời giải.

Ấy vậy mà sức ảnh hưởng trọn vẹn của họ lại hết sức lớn lao. Cha mẹ hằn in lên chúng ta các chân giá trị và lý tưởng, các khao khát và hành vi. Khi tôi nhìn lại tuổi trẻ của chính mình và xâu chuỗi các cột mốc lại với nhau giữa quá khứ với hiện tại, những hình ảnh hiện ra khiến tôi nhẹ nhàng thanh thản.

Tôi có thể thấy được bằng cách nào mà những quyết định của riêng tôi - cho chính mình, cho những người tôi thương yêu, và cho Starbucks - lại được định hình bởi hai con người mà tôi không bao giờ thực sự hiểu rõ được.

Hồi còn đi học, tim tôi luôn đập nhanh hơn mỗi lần mở cửa căn hộ nhà chúng tôi. Nếu thấy bàn ăn trải khăn và có nhiều hơn số lượng bình thường năm chiếc ghế xếp quanh, tôi sẽ biết là mái ấm vốn đã chật nêm của chúng tôi chẳng mấy chốc sẽ bị bao trùm bởi giọng nói độc đoán của Bà ngoại, mùi hăng của món súp củ dền, và tiếng cười ầm ĩ của những người lạ mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vanity Fair.

Mấy tối đó, bố tôi, Fred, sẽ trở về nhà sau khi được thuê làm một công việc bất kỳ nào đó rồi nằm dài trên ghế trong khi mẹ tôi chuẩn bị bữa tối sớm hơn bình thường cho em gái tôi, em trai tôi, và tôi. Rồi mẹ sẽ cho chúng tôi đi ngủ - ba đứa chia nhau một phòng - và nhắc chúng tôi phải giữ yên lặng và đóng kín cửa. Trong giọng nói và ánh mắt của mẹ, tôi có thể nhìn thấy sự cam chịu bình thản. Mẹ cũng như tôi, muốn đêm qua thật nhanh.

Sau khi chúng tôi đã lên giường ngủ, đôi khi tôi sẽ thức dậy và ló đầu ra khỏi cửa phòng, hoặc lén nhìn về phía nhà bếp để xem khung cảnh diễn ra. Vào khoảng 8 giờ một dàn nhân vật sẽ bắt đầu xâm chiếm căn nhà của chúng tôi.

Họ đi theo nhóm hai hoặc ba người, thảy những chiếc áo khoác sờn cũ lên mặt ghế bọc nhựa ở phòng khách nếu lúc đó là mùa đông, và loạng choạng tiến vào gian bếp của chúng tôi, rồi họ ngồi phịch lên ghế và châm điếu thuốc đầu tiên lên hút. Trong nhiều giờ liền đám người tạp nham này sẽ làu bàu, rồi bài bạc, rồi huyên náo, và có những đêm họ sẽ húp món súp gà mà Bà ngoại nấu từ một con gà mới chặt.

Mấy ván xì phé ồn ào này có thể diễn ra nhiều tối mỗi tuần. Trong suốt những mùa hè ẩm ướt của Brooklyn, đám đàn ông bận áo ba lỗ sờn cũ ngồi quây quần, những vụn trứng luộc chín vướng trên phần râu lởm chởm. Mấy bà mấy cô, vài người xuất hiện với đám lô cuốn tóc nhét dưới khăn choàng đầu, sẽ trút ngay mấy bộ đầm mặc ở nhà và nhập sòng trong bộ đồ lót và áo ngực bằng vải bông, phe phẩy quạt cho bớt nóng bằng bộ bài trên tay.

Những lời qua tiếng lại dữ dội lấp đầy căn hộ khi mấy con bạc lớn tiếng hú hét hoặc quát vào mặt nhau. Tôi cứ đứng yên trân trố nhìn, mắt thao láo tự hỏi làm sao mà gian bếp của gia đình chúng tôi lại biến thành sân khấu của hội bất hảo xứ Brooklyn như thế này.

Tiếng rầm rì của những lời bông đùa tục tĩu không chút kiêng dè của họ giờ bao trùm căn hộ của chúng tôi, thay cho hình ảnh thông thường là sự im lặng lạnh như băng đá và tiếng cãi vã của người lớn.

Điều này khiến tôi hoang mang. Rõ ràng đám người lớn này đang tận hưởng một vui thú xáo động nào đó. Với họ, đây là chuyến đi chơi đêm đầy hứng khởi, là tạm rời xa đời sống thường ngày, là đổi không khí, là cơ hội kiếm chác được chút tiền. Nhưng cái mà họ coi là vui thú lại khiến tôi khó chịu.

Nhận thấy bố mẹ không phải những chủ nhà nhiệt tình mến khách, mà chẳng qua phải dằn mình chịu trận trước thượng cấp của họ, là Bà ngoại tôi, tôi như bị coi khinh trong chính ngôi nhà của mình, thấy bất lực nên đành lui về phòng. Nhưng ngay cả vậy thì tiếng xóc bài thật nhanh lại dội vào cả bên dưới tấm chăn tôi trùm lên đầu, báo cho tôi biết rằng canh bạc thâu đêm còn lâu mới kết thúc.

“Chung tiền đi mấy thằng chó!”

Đêm càng khuya, rượu uống càng nhiều, thì âm lượng cũng lớn dần theo.

“Cù lũ ăn sam nghe con.” “Mày có theo vòng này không, Breshafski?” “Ăn vào mắt à, em gái!” “Ê, pha cho tao thêm ly rum với Coca đi.”

Ai đó thua liên tục sẽ chửi thề nguyền rủa mấy lá bài xui xẻo trên tay, và tôi có thể nghe thấy tiếng ghế sắt trượt trên lớp vải sơn lót sàn và va vào bếp lò, rồi tiếng bước chân vội vã lao về hướng nhà tắm của chúng tôi, nơi mấy con bạc nôn ọe ngay bên cạnh bồn rửa mặt, nơi tôi đánh răng mỗi ngày.

Cả đám ngồi trong gian bếp của chúng tôi như thể đó là hộp đêm của riêng họ, và ở một góc độ nào đó thì đúng là vậy. Mỗi người đều phải trả tiền mới được chơi. Khoản phí này bao gồm một chỗ trong sòng bài kèm một bữa ăn. Khi đã ấm chỗ rồi thì họ sẽ chỉ tuân theo những quy tắc và nghi thức của riêng mình.

Howard Schultz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-uc-tim-dap-nhanh-ve-gia-dinh-cua-cuu-chu-tich-starbucks-post1468687.html