Ký ức thời làm báo Công an nhân dân vũ trang

Đại tá Phan Trọng Bằng đã qua đời cách đây hơn 3 năm. Thời còn sống, ông thường kể về những ngày tháng lăn lộn khắp nẻo biên giới phía Bắc, sáng thấy đồn Biên phòng lấp ló trên lưng núi nhưng đi mãi, vượt qua bao ngọn núi, con suối mà đến chiều mới đi tới nơi.

Đại tá Phan Trọng Bằng. Ảnh: Văn Chương

Năm 2019, tôi thường đến nhà Đại tá, cựu chiến binh Phan Trọng Bằng ở đường số 6, nằm cạnh chợ Xanh và Trường Đại học Thủy Lợi (phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) và nghe ông kể lại những ký ức thời kỳ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đầy hào hùng. Đại tá Phan Trọng Bằng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, Tổng Biên tập Báo Biên phòng nói với tôi về những ký ức thời chiến với những cánh rừng già bạt ngàn, tưởng chừng không có dấu chân người, nhưng lại đầy vẻ đẹp mộng mị, rực sắc hồng của hoa đào rừng bên triền núi, bên bờ thác tuôn trắng xóa.

Thời điểm đó, dù tuổi đã cao, nhưng trí nhớ và cách diễn đạt của Đại tá Phan Trọng Bằng không có biểu hiện của một người đã già. Ông vẫn nhớ y nguyên từng sự kiện, gắn với ngày tháng, địa điểm, con người. Tôi đưa cho ông tập Báo Công an vũ trang đã nhuốm màu thời gian để ông dễ hồi ức những chuyện xưa cũ. Ông lướt nhanh những trang báo mỏng, nhưng chứa đầy sức nặng của sự kiện.

Đồng chí Đại tá Phan Trọng Bằng, sinh năm 1937, tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, lúc về hưu ở tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trong quá trình công tác, đồng chí đã được cấp trên tin tưởng, giao nhiều trọng trách công tác như: Đoàn phó Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang; Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật BĐBP; Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP; Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng... Đồng chí từ trần vào ngày 14/12/2020.

Trong số Báo Công an vũ trang ra kỳ 1, tháng 12/1971, ông dừng lại thật lâu với bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Đồn Công an nhân dân vũ trang Cát Hải”. Ông kể ngay chi tiết Đại tướng khi ra đảo đã đến thăm Xí nghiệp sản xuất nước mắm và dặn dò chị em công nhân. Cầm tờ báo cũ, mắt ông sáng lên và thần thái như một người trẻ. Ông kể về những phong trào thi đua của lực lượng Công an nhân dân vũ trang thời đó rất mạnh mẽ, đặc biệt là vào dịp tháng 12 hằng năm, bởi Công an nhân dân vũ trang đều tổ chức các đợt thi đua cao điểm chào mừng Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Tôi ngạc nhiên khi nghe ông chia sẻ về cách làm báo cách đây 50 năm, đó là các đơn vị, cá nhân tiên tiến được Báo Công an vũ trang đưa lên trang đầu, có lúc là hình ảnh, có lúc là danh sách. Các đồng chí được Bác Hồ thưởng huy hiệu cũng được biểu dương trên mặt báo kịp thời. Cũng vì lẽ đó, tờ Báo Công an vũ trang trở thành nơi tiếp thêm nguồn cảm hứng và lan tỏa rộng khắp trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang ở biên giới, giới tuyến.

Trong những trang báo cũ, ông thường dừng lại thật lâu bên những bài phóng sự của cố nhà báo Đào Nguyên Bảo, một cây bút tài hoa và cũng là một nhà thơ. Ông chia sẻ, thời tờ tin Công an vũ trang mới ra đời, phần lớn tin tức đều được viết khô cứng theo dạng tin thông tấn. Nhưng từ năm 1970-1971 trở đi, tờ Công an vũ trang được nhiều người yêu thích, bởi những vấn đề quân sự, chính trị đều được chuyển tải sang câu chuyện văn chương, những bài ghi chép, phóng sự gây xúc động cho người xem và rất cuốn hút.

Đầu tháng 3/2019, trời Hà Nội vẫn se lạnh, tôi lại tìm đến khu chợ Xanh và gặp Đại tá Phan Trọng Bằng. Ông hỏi thăm về tình hình, nhắc đến những thế hệ phóng viên của Báo Biên phòng và Điện ảnh Biên phòng, kể về những bộ phim mà mình từng tham gia sản xuất. Nhưng ông nói nhiều nhất là đến những năm tháng làm phóng viên Báo Công an vũ trang thời chiến tranh.

Cầm tập Báo Công an vũ trang, ông nhắc: “Thời đó, phóng viên đi công tác thì gọi là 3 mang, 4 mang, có nghĩa là mang ba lô, bi đông nước, túi gạo, máy ảnh, thế là lên xe đạp đi hết ngày này sang ngày khác đến địa phương”. Nhắc đến những chuyến đi, ông kể câu chuyện nghe khá kinh khủng, đó là có thời điểm vào biên giới Nghệ An phải gửi xe ở bản, sau đó bắt đầu đi bộ, đi hết 32 con suối mới tới được đồn. Ông nhắc đi nhắc lại từ “32 con suối” khiến tôi cảm giác toát mồ hôi.

Để dẫn chứng về vai trò của Báo Công an vũ trang thời đó đã giữ vai trò động viên, lan tỏa ra sao, ông dừng ở trang báo ra kỳ 11, tháng 11/1971, là số báo có in kín trên trang nhất danh sách 8 đơn vị được Bộ Công an tặng Cờ thi đua, 5 đơn vị được tặng Bằng khen, 45 đơn vị được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Trang nhất số báo Xuân, Báo Công an vũ trang năm 1971 đăng lời chúc ngắn gọn của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng: “Tăng cường đoàn kết/ Giành thắng lợi mới trong chiến đấu, sản xuất và công tác”. Góc bên dưới là Thư chúc Tết của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Ảnh Bác Hồ được in trang trọng ở trang nhất. Đại tá Phan Trọng Bằng kể về những mùa Xuân lặn lội trong rừng núi để đến chốt, lên các đồn Biên phòng, giữa lúc sương giăng, mây phủ, nhưng vẻ đẹp của núi rừng đã làm cho nỗi gian khổ của người làm báo phần nào nguôi ngoai.

Ngồi bên ngăn tủ đặt kỷ vật đời binh nghiệp như bộ cầu vai, quân hàm, thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, ông kể về cách thức phê bình của báo thời đó khá dí dỏm, nhưng mang tính thuyết phục, giúp anh em lan tỏa những hành động đẹp, rút kinh nghiệm và khắc phục khuyết điểm. Ông nhấn mạnh đến vai trò của tờ tin Công an vũ trang ngay sau ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (3/3/1959), đó là do điều kiện thông tin, đường sá cách trở, phương tiện đi lại khó khăn nên các đơn vị có sáng kiến mới, có cá nhân nào tiêu biểu thì cần được phản ánh kịp thời. Cũng nhờ cách làm đó mà ngay từ đầu, tờ tin Công an vũ trang đã giữ vai trò hết sức quan trọng.

Giai đoạn chuyển đổi nội dung của Báo Công an vũ trang cũng là giai đoạn phát triển chung của báo chí ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ, đó là mở rộng biên độ phản ánh sang thể loại bút ký, thơ ca, phóng sự, những câu chuyện cảnh giác, mục trinh sát kể chuyện, nội dung các bài cổ động nhưng sâu sắc, chạm vào lòng bạn đọc. Mục phê bình theo chủ trương “phê bình trên báo chí” cũng được thực hiện rất khéo léo, giúp các đồng chí bị mắc khuyết điểm sửa đổi kịp thời.

Nhìn thấy ông khỏe, tôi nghĩ sẽ còn nhiều lần gặp lại, vì ông hứa sẽ lấy cuốn thơ Xuân Diệu mà ông đặt trang trọng trong tủ cá nhân ra đọc vài câu. Nhưng rồi mọi việc đã không còn kịp và tôi không còn được gặp lại ông. Xin được mượn 4 câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu để nói lời tạ từ: “Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian/ Nói làm chi rằng Xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại...”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-thoi-lam-bao-cong-an-nhan-dan-vu-trang-post474915.html