Ký ức những ngày khai trường đặc biệt

Ký ức về năm tháng đi học, về mùa khai trường luôn là những kỷ niệm đặc biệt với nhiều thế hệ.

Ông Sao năm nay đã 87 tuổi vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có

Ông Sao năm nay đã 87 tuổi vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có

Ông Hồ Sĩ Sao (ở xã Gia Lương, Gia Lộc) năm nay đã 87 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có. Nhắc về mùa khai trường cách đây 75 năm, ông Sao nói: “Năm 1945, tôi học trường kiêm bị Gia Lộc. Khi cách mạng nổ ra thì người ta tập trung học sinh rồi kéo vào trong huyện biểu tình để cướp chính quyền”. Ông bảo, khai giảng năm đó không được tổ chức hoành tráng, lúc bấy giờ chỉ học thôi.

Trong những năm chiến tranh, ông Sao dạy học ở các xã Quang Khải, Quang Phục (Tứ Kỳ). Hồi đó, lớp học chỉ có mấy tấm gỗ xẻ ra làm bàn, kê thêm mấy hòn gạch. Ông bảo, buổi sáng học, buổi chiều giấu gỗ xuống ao, sáng hôm sau lại vớt lên học vì sợ Pháp về cướp. Rồi thầy trò phải đi học nhờ, dạy nhờ trong đình, trong nhà thờ... Khi máy bay địch thả bom, các em học sinh chui trong bụi chuối, cả thầy và trò đều sợ hãi.

Ông Sao nhớ lại ngày khai trường năm 1971, năm mà Hải Dương trải qua trận lụt lịch sử, khi ấy ông đang là hiệu trưởng trường cấp 2 Hoàng Diệu. “Năm lụt ấy khổ lắm. Sắp đến ngày khai giảng nước tràn về, chúng tôi đang họp, vội vàng xếp bàn ghế vào phòng cao nhất. Sách vở, đồ dùng khác cũng khiêng lên đó để. Sau đó nước nước rút đi, trường mới tổ chức khai giảng. Học sinh vẫn đến tập trung đầy đủ”, ông Sao kể.

Với ông Đoàn Đức Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Kinh Môn, mỗi mùa tựu trường đều đem lại cho ông những cảm xúc đặc biệt. Đó không chỉ là những cảm xúc tươi mới, rộn ràng của ngày toàn dân đưa trẻ đến trường mà còn là những hồi ức đẹp về một thời đã xa.

Với ông Minh, mỗi mùa tựu trường đều đem lại cho ông những cảm xúc đặc biệt

Với ông Minh, mỗi mùa tựu trường đều đem lại cho ông những cảm xúc đặc biệt

Những ngày còn bé, gần đến ngày khai trường, ông thường được bố mẹ sắm cho sách bút mới, vui và háo hức lắm. Trong ký ức của ông, khai trường những năm 60, 70 của thế kỷ trước thì thiếu thốn, không có điều kiện tổ chức hoành tráng, trang hoàng như bây giờ. Có khi trường chỉ có vài cái băng rôn với lá cờ Tổ quốc, học sinh mỗi lớp tự làm 1-2 lá cờ mang đi. Ông Minh vẫn hình dung ra ngôi trường lợp mái rạ, tường đắp bằng bùn trộn với vôi và rơm. Ông miêu tả: “Ở trước lớp học đắp các ụ đất rất cao để chắn phi pháo, còn trên trần nhà rải các lọn rơm bện dải lên trên. Đường đi đào hào, vài cái hố cá nhân, sẵn sàng cho các tình huống”.

Ông Minh kể: “Học sinh thời chúng tôi nhem nhuốc lắm, đứa nào đứa ấy đều quần đùi áo cộc đi học. Ngày tựu trường thì nhà nào cũng cố gắng để tươm tất một chút”. Mỗi thời một khác nhưng theo ông Minh, tâm trạng phấn khởi của học sinh, sự cố gắng, chuẩn bị chu đáo của giáo viên thì dường như thời nào cũng vậy. Khai giảng ngày đó cũng có phần lễ và phần hội. “Tôi ấn tượng sâu sắc với thư Bác Hồ gửi các học sinh năm 1945 hay được đọc trong lễ khai giảng. Trong đó có câu non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Đến bây giờ, dù đã rất nhiều năm trôi qua nhưng ấn tượng đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”, ông Minh bộc bạch.

Những năm 1975, 1976, ông Minh theo học trường cấp 3 Kinh Môn. Từ nhà ông ở xã Long Xuyên đi Hiệp Sơn gần 5 cây số. Sáng dậy sớm nấu cơm, sau đó đi bộ 2 tiếng mới đến trường. Về sau, trường chuyển về gần nhà hơn nên đi lại đỡ vất vả. Ông Minh cũng như thế hệ học sinh hồi đó không có cặp sách, chỉ có cái túi dùng hết năm này qua năm khác. Sách vở, bút mực, trường lớp, cái gì cũng thiếu thốn. Nhưng được đi học, được đến trường là vui lắm.

HN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/ky-uc-nhung-ngay-khai-truong-dac-biet-146136