Ký ức đoàn văn công sơ tán xa Hà Nội

Hà Nội năm 1972 không khí chiến tranh bao trùm. Các khu phố, nhà máy, xí nghiệp khẩn trương đào hầm trú ẩn, những nơi công cộng, vỉa hè đều có hầm cá nhân tránh bom. Thành phố hô hào người dân đi sơ tán triệt để, các trường học, cơ quan khẩn trương di rời ra khỏi Hà Nội trong đó có cả ngành văn hóa nghệ thuật. Khu văn công Mai Dịch ngày ấy là tập trung đông nhất các đoàn nghệ thuật như: Ca múa nhạc Trung ương, Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị, các đoàn kịch, cải lương, chèo, xiếc…

Những ngày gian khó

Đoàn văn nghệ chúng tôi được lệnh sơ tán lên vùng trung du cách Hà Nội gần 100km. Trước ngày lên đường, chị em trong đoàn tìm mua vật dụng sinh hoạt như xà phòng, khăn mặt, vải xô, kem đánh răng… còn cánh nam giới chúng tôi tìm kiếm những đôi giầy vải, mũ cối, áo rét, bởi nghe nói trên miền bán sơn địa rất lạnh.

Anh chị em văn công luôn nhiệt tình, xông xáo, không ngại hiểm nguy sẵn sàng biểu diễn phục vụ bộ đội bất cứ lúc nào

Anh chị em văn công luôn nhiệt tình, xông xáo, không ngại hiểm nguy sẵn sàng biểu diễn phục vụ bộ đội bất cứ lúc nào

Đoàn được bố trí sơ tán ở một ngôi làng có rừng bạch đàn bao phủ xanh rì, núi đồi san sát. Tôi thầm nghĩ, các vị lãnh đạo thật có con mắt quan sát địa thế, nơi đây rất an toàn để tránh bom nếu bị oanh tạc. Anh em văn nghệ sĩ chúng tôi đã có nhiều chuyến đi phục vụ bà con ở khắp các tỉnh miền Bắc, thậm chí cả vùng Tây Bắc, nhưng ở lâu nhất cũng không quá 1 tuần. Dịp sơ tán lần này chúng tôi sẽ ở lâu dài tại một địa phương, cảnh quan nhìn trước nhìn sau toàn thấy rừng núi, đêm nằm nghe tiếng côn trùng rên rỉ. Chính quyền địa phương được cấp trên thông báo có đoàn văn công Trung ương về sơ tán thì rất nhiệt tình thu xếp nơi ăn, chốn ở.

Theo kinh nghiệm đã từng đi biểu diễn nhiều nơi, đến địa phương nào chúng tôi cũng chia nhỏ các bộ môn ở từng khu vực, ví dụ: Ca múa một khu, kịch ở một khu để tiện tập dượt. Riêng nhóm nhạc phải chia thành 2 bộ phận, đàn dây ở một khu, kèn hơi một khu. Bác trưởng thôn ngoài 50 tuổi, là bộ đội phục viên nên rất hăng hái vận động các gia đình có nhà cửa rộng rãi cho thành viên đoàn đến ở. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, người dân nông thôn chân chất, thật thà, vui vẻ, dành những chỗ tốt nhất cho chúng tôi. Nhưng riêng có bộ môn kèn hơi thì gia đình nào cũng chối đây đẩy với lý do: Nhà có trẻ nhỏ hiếu động, khi nhạc công tập tiếng kèn sẽ thu hút chúng đến xem, không tập trung học tập được và cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Cuối cùng bác trưởng thôn xung phong nhận toàn bộ nhóm kèn hơi về nhà mình.

Những đoàn văn công của một thời khói lửa

Những đoàn văn công của một thời khói lửa

Trước khi đoàn đi sơ tán, chúng tôi đã được đồng chí Đoàn trưởng thông báo nội quy sinh hoạt với nhân dân địa phương. Cụ thể là phải dân vận tốt, tôn trọng quần chúng, tôn trọng tập quán địa phương, cùng ăn, cùng ở với dân, hòa đồng, giúp đỡ bà con trong mọi hoàn cảnh… Thời gian đầu bỡ ngỡ rồi mọi việc cũng quen dần. Ngoài những buổi tập dượt chuyên môn, anh em nghệ sĩ cùng người dân đào hầm tránh bom, lao động công ích, còn chị em thì giúp các cháu học văn hóa, dạy múa, hát… Đoàn đã tổ chức phục vụ văn nghệ các đơn vị bộ đội phòng không đóng trên địa bàn nhiều tối.

Có lần trận địa pháo phòng không vừa trải qua trận đánh với máy bay Mỹ, mặt đất đầy hố bom, mảnh đạn, nhưng nhóm văn nghệ xung kích chúng tôi đã có mặt với cây đàn guitar, accordeon, cùng 2 giọng ca nữ phục vụ những bài hát khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Khi máy bay đánh bom trường học, kho tàng, cầu cống trên khu vực nơi sơ tán, anh em trong đoàn đã cùng người dân, bộ đội chữa cháy, đưa người bị nạn đi cấp cứu. Nhờ những thành tích dân vận, hoạt động chính trị tích cực nơi sơ tán gây được ấn tượng với nhân dân địa phương nên đoàn chúng tôi được các cấp chính quyền sở tại tặng bằng khen, giấy khen.

Những chiến sĩ văn công đem lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào vượt qua mọi khó khăn gian khổ

Những chiến sĩ văn công đem lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào vượt qua mọi khó khăn gian khổ

Kỷ niệm một thời

Địa điểm nơi sơ tán cách xa Hà Nội, đi lại khó khăn, giao thông bị chia cắt, máy bay Mỹ ngày đêm đánh phá nên khâu vận chuyển, tiếp tế lương thực rất khó khăn. Có những lúc bếp ăn tập thể thiếu lương thực trầm trọng, chúng tôi phải ăn độn hạt bo bo, bột mỳ, khoai sắn dài ngày. Thức ăn thì bữa nào cũng là bí đỏ, hết xào, nấu thì đến luộc. Do thiếu thốn vật chất cùng khí hậu rừng núi lạnh giá, đa số sức khỏe anh chị em trong đoàn bị giảm sút, nhưng mọi người vẫn lạc quan, yêu đời, sinh hoạt hòa đồng cùng người dân nên được địa phương rất quý mến.

DUY NGỌC

DUY NGỌC

Nhóm nhạc công kèn hơi 4 người chúng tôi được bố trí ở nhà ông trưởng thôn có tên là Trương Văn Quang. Ông Quang là bộ đội từ thời kỳ chống Pháp, nhưng đã phục viên và rất yêu văn nghệ. Ông kể, thời còn trong quân ngũ, mỗi khi nghe tin có đoàn văn công về phục vụ văn nghệ thì ngay từ chiều nhà bếp đã cho bộ đội ăn cơm sớm. Đến sẩm tối thì đơn vị yêu cầu chiến sĩ xếp hàng trật tự ra bãi bóng, nơi có sân khấu biểu diễn và chương trình kéo dài đến tận đêm khuya trong tiếng vỗ tay không ngớt. Kỷ niệm ông Quang kể càng làm chính bọn tôi xúc động.

Chúng tôi ở biệt lập tận cuối thôn, xa hẳn các nhà dân, cũng là để tránh tiếng ồn mỗi khi tập dượt khỏi ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của các cháu nhỏ, ấy vậy mà vẫn không tránh khỏi rắc rối. Chuyện là thế này, sáng hôm đó bộ môn kèn hơi duyệt lại một tiết mục cho múa, tiếng kèn Trompet của anh Trọng vừa rúc lên thì gần như ngay lập tức bà hàng xóm nhà gần đó tóc tai bù xù chạy đến la lối: “Ông trưởng thôn đâu rồi! Tôi ru con mãi mới được, thế mà ông đưa các ông thợ kèn về rúc toe toe khiến nó khóc thét, dỗ thế nào cũng không được đây này...”. Cũng may chúng tôi đang ở nhà ông trưởng thôn nên mọi việc sau đó được giải quyết êm thấm. Ký ức đã qua đi gần 50 năm, giờ nghĩ lại những ngày nơi sơ tán vui buồn vẫn còn đọng mãi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-doan-van-cong-so-tan-xa-ha-noi-post552609.antd