Ký ức của người lính đặc công năm xưa

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Phùng Tiến Nhung khi ấy 23 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn Yên Ninh 2, sau đó chuyển sang Đồng Hỷ (Thái Nguyên) huấn luyện tân binh 3 tháng. Nhanh nhẹn, tháo vát và có thành tích bắn súng đạt danh hiệu "Chiến sĩ giỏi”, Phùng Tiến Nhung được Bộ Tư lệnh Đặc công tuyển chọn cùng 60 chiến sĩ trong đơn vị, chuyển sang huấn luyện đặc công tại Gia Lâm (Hà Nội).

Sau cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, đơn vị ông nhận lệnh cấp tốc lên đường vào Nam chiến đấu. Sau gần một tháng bí mật hành quân vượt Trường Sơn sang đất bạn Lào, rồi vòng lại tỉnh Gia Lai (giáp tỉnh Bình Định). Tại đây, ông Nhung được điều động về Đại đội 1, Tiểu đoàn đặc công 405, Quân khu 5 (QK5).

Tháng 2/1970, ông Nhung tham ra trận đánh đầu tiên, đó là trận tập kích kho xăng Phú Hòa nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng hơn 1 km. Đây là khu tập kết xăng dầu của Mỹ, Ngụy để cung cấp cho khu vực Tây Nguyên. Sau khi theo dõi quy luật hoạt động, nắm chắc cách bố phòng, xây dựng phương án tác chiến…, mũi tiêu diệt mục tiêu của ông Nhung có 8 người, được giao nhiệm vụ tấn công vào khu kỹ thuật căn cứ.

Đúng 24h hôm đó (thời điểm địch đổi gác), mũi chủ lực dùng B40, B41 bắn phá các cụm hỏa lực và dùng thủ pháo, súng AK tiêu diệt khu chỉ huy căn cứ địch. Những tiếng bộc phá nổ long trời đã phá hủy 6 bồn chứa hàng trăm tấn xăng của địch tạo những cột lửa sáng rực trời cao 70 - 80 m.

Tổng kết trận đánh, Đại đội 1 đã thiêu hủy toàn bộ kho xăng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn một trăm tên địch và nhiều phương tiện vận tải, xăng dầu của địch. Chiến công của đơn vị được Bộ Tư lệnh QK5 điện xuống khen ngợi. Riêng với ông Nhung, đây là trận đánh đầu tiên nhưng là niềm vinh dự tự hào khi ông được kết nạp Đảng ngay sau trận đánh này.

Hồi tưởng về những năm tháng hào hùng ấy, ông Nhung vẫn nhớ như in trận đánh vào khu kho đạn hỗn hợp của Mỹ ở đèo Son phía Tây Quy Nhơn. Kho đạn Đèo Son là nơi trữ khối lượng lớn bom đạn, có tính chất chiến lược của địch và được phòng bị cẩn mật, có nhiều lớp hàng rào thép gai, cùng các loại mìn bao xung quanh, lực lượng bảo vệ của địch có chó béc-giê và lính Mỹ liên tục tuần tra.

Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 405 bằng mọi cách phải phá hủy được cụm kho Đèo Son. Nhiều đêm bí mật tiếp cận, nhưng các mũi trinh sát không thể luồn sâu vào bên trong. Ông Nhung đã dùng ống nhòm phát hiện đường cống thoát nước từ khu kho đạn chảy ra biển… và mũi trinh sát của ông quyết định đột nhập sâu vào căn cứ theo lối này để vẽ sơ đồ từng vị trí và xây dựng phương án tác chiến.

Đêm ngày 29/6/1971, Tiểu đoàn 405 được lệnh đồng loạt tấn công căn cứ địch, mũi của ông Nhung được phân công đánh vào khu kho đạn pháo và đạn bộ binh. Đúng phương án tác chiến, các chiến sĩ bí mật tiếp cận từng dãy nhà kho đặt các khối thuốc nổ, bấm hẹn giờ rồi rút nhanh ra ngoài.

Ông Nhung bồi hồi kể: "Lúc này là thời gian chờ đợi hồi hộp nhất, đó là tiếng nổ từ trong khu kho đạn địch. Đây sẽ là hiệu lệnh tấn công của cả tiểu đoàn vào căn cứ Đèo Son…”. Trận đánh cũng nhanh chóng kết thúc, những tiếng nổ lớn cùng những đám cháy khổng lồ kéo dài suốt hai ngày đêm. Theo xác minh của QK5, trận đánh này Tiểu đoàn 405 đã phá hủy 41.200 tấn bom đạn và thuốc nổ; 61 xe chở đầy đạn, 2 xe thiết giáp, 40 tấn xăng đặc, 15 tấn hàng quân sự và tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Tháng 4/1972, đánh vào căn cứ Sở Chỉ huy Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) tại xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (Bình Định), ông Nhung được chỉ định là Trung đội Trưởng. Đây là căn cứ được Mỹ xây dựng kiên cố, có hệ thống hầm ngầm rất phức tạp. Từ thực tế trinh sát báo cáo, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn quyết định dùng pháo phản lực ĐKB tập kích Sở Chỉ huy Sư đoàn Mãnh Hổ. Trận đánh chỉ bằng 6 quả đạn ĐKB nhưng có sức công phá lớn đã gây tổn thất nghiêm trọng sinh lực địch, làm tê liệt cơ quan đầu não Sư đoàn, buộc địch phải co cụm.

Ông Nhung luôn tự hào về những đồng đội "đầu trần, chân đất” đã cùng nhau vượt qua bao gian khổ, hy sinh để có những trận đánh thắng lợi vang dội, tiêu diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng chục nghìn tấn bom, đạn, vũ khí trang bị, bắn cháy hàng trăm xe quân sự và thiêu hủy hàng triệu lít xăng của địch.

Những đóng góp của Tiểu đoàn Đặc công 405 góp phần quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong Chiến dịch Mùa xuân 1975 giải phóng Bình Định và miền Nam, thống nhất nước nhà. Với những thành tích đạt được, Tiểu đoàn Đặc công 405 vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị Thành đồng quyết thắng (năm 1971). Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn Đặc công 405 nơi ông Nhung nhiều năm gắn bó được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1970).

Cuộc chiến ngày nào đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt vẫn đầy ắp trong những câu chuyện mà người lính đặc công Phùng Tiến Nhung thường kể cho con cháu, đồng nghiệp. Sự hy sinh, đóng góp của ông Nhung đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của ông đã truyền cảm hứng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho con cháu và thế hệ trẻ địa phương.

Vũ Đồng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/321908/ky-uc-cua-nguoi-linh-dac-cong-nam-xua.aspx