Ký ức chợ quê Cà Đó

Đã đi nhiều đó đây, cũng đã thăm thú nhiều phiên chợ các vùng quê của đất nước mến yêu, nhưng không có một chợ quê nào để lại trong tôi ký ức khó phai mờ như chợ quê Cà Đó.

Tiểu thương hàng xén tại chợ Cà Đó ngày nay vẫn giữ những nét mộc mạc, thuần nông của chợ quê xưa.

Đó là phiên chợ thuần nông, thuần Việt của bà con xã miền núi Tam Mỹ Tây (Núi Thành, Quảng Nam) tụ họp chợ ở thôn Trung Thành, nơi có con sông Trầu thượng nguồn của dòng sông Bến Ván chảy qua.

Ngày ấy - những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX trở về trước, khi hòa vào chợ, tôi bắt gặp những bà lão mộc mạc, những cô gái vùng quê trong chiếc áo bà ba, quần đen dịu dàng, vài người đàn ông bụi bặm bán thúng, rổ, ví, cót…, những cô cậu thiếu nhi với bộ quần áo mục đồng hồn nhiên, ngộ nghĩnh theo mẹ, theo bà đến chợ. Những quán bán hàng mái lợp bằng tranh với tất cả các loại bàn ghế, sạp ngồi trong chợ đều được đan kết bằng tre, nứa hoặc vài tấm ván gỗ ghép lại. Trên những sạp hàng ấy ngoài các thứ gia vị nhà quê: tiêu, hành, ớt, tỏi, gừng, nén còn bày bán các thứ đồ dùng sinh hoạt như: vải nhựa đi mưa, khăn bàn, đèn cầy, tim đèn dầu hỏa, đá lửa, bộ ấm chén, chai đựng rượu, bát, thìa, đũa...

Ở chợ quê này, hầu hết các mặt hàng đều là sản phẩm từ ruộng lúa, bờ tre của người nông dân ở vùng trung du, bán sơn địa: gạo, nếp, đậu, sắn, khoai và có cả mít non, mít chín, rau ranh, ốc đá của nậu nguồn (phương ngữ vùng, chỉ những người ở vùng cao. “Nậu” còn hàm nghĩa để chỉ dân buôn bán) mang xuống với tôm cá của bà con ngư dân vùng biển Kỳ Hòa (Tam Hải), Kỳ Hà (Tam Quang) từ cửa biển An Hòa theo đường sông mang lên tận chợ để trao đổi. Ở hàng tạp hóa còn có những chiếc quạt tre mềm mỏng, những chiếc quạt xếp bằng giấy đủ màu, những con dao, cái rựa cùng bao nhiêu thứ là sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân được mang ra bày bán. Có cả quầy bán hàng chín ăn liền như cháo vịt, mì Quảng, ốc luộc, khoai nướng, sắn luộc, kẹo đậu phộng…

Dưới gốc cây bàng già, tán rộng một bà cụ ngồi trên chiếc sạp đơn sơ phe phẩy chiếc quạt nan bày bán mấy mặt hàng kẹo bánh lặt vặt. Một ông lão say sưa mài dao, sửa kéo cho khách. Một chị phụ nữ với đôi tay tỉ mỉ xếp hàng đồ hàng mã. Mấy đứa trẻ nhà gần đó ra túm tụm bên nhau đánh đáo, nhảy dây ở góc chợ...

Từ các mặt hàng, sản phẩm đến hình thức bày bán, cung cách và không khí mua bán đều thể hiện sinh động một hình ảnh đặc trưng của phiên chợ quê thuần túy. Ngày ấy, chợ quê Cà Đó không chỉ là nơi trao đổi, mua bán các sản vật làng quê mà còn là nơi giao lưu sâu lắng hồn quê, chứa chan tình người. Đi chợ quê, người già được sống lại những tháng ngày truân chuyên mà chan chứa, ấm áp tình đồng bào hòa hiếu, thân thiện; người trẻ có dịp hiểu được không khí, khung cảnh mua bán thuở xưa của ông cha. Những người tuổi ấu thơ ở quê, lớn lên đi công tác và nay sinh sống ở phố phường, trở về chợ quê để tìm thấy những sản vật thân thương đã từng nuôi dưỡng mình trong những tháng ngày gian khó. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước, chợ Cà Đó còn là nơi gặp gỡ, trao đổi công tác của cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Là một trong những vị trí diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên của du kích xã Kỳ Sanh. Khi Tết đến Xuân về là nơi diễn ra bài Chòi và các trò chơi vui Tết.

Cảnh mua bán ở đây thường diễn ra vui vẻ, nhộn nhịp. Nơi đây không thấy hiện tượng tranh mua, tranh bán hay cãi cọ với nhau. Ai đến chợ để bán hoặc mua đều hớn hở, vui tươi. Từ bà cụ móm mém đến cô gái thanh tân chào hàng một cách nhún nhường, nhã nhặn…

Thuở ấy, mỗi lần về thăm thú một chuyến chợ quê, tôi hiểu thêm hơn về làng quê, tình quê, thấm thía được cái tình, cái nghĩa ứng xử nơi công cộng của ông cha mình thật mộc mạc, chan hòa, tao nhã...

Lê Văn Huân

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-uc-cho-que-ca-do-post291291.html