Ký ức 30-4: Tự hào về lịch sử để xây đắp tương lai

48 năm trước, nhiều người đã đón nhận tin chiến thắng trưa 30-4-1975, đất nước thống nhất, non sông liền một dải ở các vị trí, góc độ khác nhau. Nhưng họ cùng chung niềm tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc và tin tưởng vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của non sông, đất nước.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến và cuốn truyện - ký "Tôi được sống" của ông vừa được xuất bản.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến và cuốn truyện - ký "Tôi được sống" của ông vừa được xuất bản.

Ngày 30-4-1975, tôi đang điều trị vết thương tại Hà Nội. Tôi bị viên đạn chém mất 1/4 khuôn mặt khi đang chiến đấu cùng Đội Du kích xã An Tịnh (Phân khu 1 - Tam giác sắt Củ Chi - Bình Dương - Tây Ninh) từ năm 1970 và được đưa ra Bắc lần thứ 2 từ năm 1971. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi nghe tin chiến thắng là “phải nhanh chóng trở về miền Nam”.

Tháng 10-1954, khi 12 tuổi, tôi được tập kết ra Bắc trong lứa học sinh miền Nam đầu tiên. Lớn lên trong sự đùm bọc của bà con Hà Nội, tôi học hết cấp 3 tại Trường Nguyễn Trãi rồi tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964. Ngay sau đó, tôi tình nguyện vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu tại một trong những chiến trường khốc liệt sát Sài Gòn.

Trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau thống nhất, tôi tham gia làm phim tài liệu, phim truyện và làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. 48 năm qua, tôi chứng kiến thành phố đổi thay từng ngày. Bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên…

Nhưng điều tôi trăn trở nhất là nhiều người từng đổ xương máu chiến đấu cho độc lập, tự do ngày trước, nay chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Nguyên nhân do giấy tờ thất lạc, nhân chứng không còn. Như nhiều đội du kích xã vùng Chủ Chi, Bến Cát tôi từng được tham gia chiến đấu trước đây, các anh, các chị hy sinh hết. Giờ lấy ai xác nhận công lao cho các anh, các chị đây? Nguyện ước của tôi là những người đó được ghi nhận, tôn vinh. Tôi mong lắm!...

Bà Trần Thị Triệu (doanh nhân, nhà sáng chế)

Năm 1975, tôi đang là sinh viên, ba mẹ tôi là chiến sĩ biệt động. Trưa ngày 30-4, đường phố rực cờ hoa. Nhiều người ôm nhau cười nói trong niềm vui và nước mắt. Không khí hân hoan, xúc động.

Tôi cảm nhận rõ một trang sử mới mở ra với gia đình mình, với thành phố và đất nước, nhưng lớn hơn tất cả, vào thời khắc ấy, là niềm vui vô bờ bến vì non sông liền một dải.

Bà Trần Thị Triệu.

Bà Trần Thị Triệu.

Suốt thời gian qua, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên; doanh nghiệp có môi trường hoạt động tốt. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thành phố nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tôi mong các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn nữa, như giảm thuế, hỗ trợ vay vốn… để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển, đóng góp cho thành phố, đất nước.

Anh Trần Kiến Xương, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Trưởng đại diện Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trưa 30-4-1975, lúc đó tôi 6 tuổi. Tôi nhớ mãi thời khắc đó, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy hai cánh cửa nhà mình mở toang, không còn phải đóng im ỉm như trước. Lá cờ đỏ sao vàng cắm công khai trên tầng thượng nhà tôi và trước cửa nhiều ngôi nhà khác. Lần đầu tiên, tôi được biết cha mình...

Anh Trần Kiến Xương.

Anh Trần Kiến Xương.

Cha tôi là chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Ngôi nhà tôi ở là một trong những căn cứ bí mật của chiến sĩ biệt động. Điều này mãi sau thống nhất tôi mới biết. Vì thế, ngôi nhà luôn đóng cửa. Sau Mậu Thân 1968, cha tôi phải rút vào hoạt động bí mật, càng ít người biết càng tốt, kể cả chúng tôi.

Thời khắc 30-4-1975 cũng là thời khắc lịch sử gia đình tôi được đoàn tụ. Đó cũng là động lực mạnh mẽ để tôi thấy mình cần tìm hiểu, cần tuyên truyền về những gì mà cha tôi và hàng chục nghìn người trong lực lượng Biệt động Sài Gòn đã làm trong suốt cuộc chiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp thống nhất đất nước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Từ những ký ức thơ bé ấy, qua 30 năm nỗ lực, giờ tôi đã khôi phục được 8 cơ sở trong hệ thống di tích ghi dấu những hoạt động của biệt động trước đây.

Giờ đây, những cơ sở này đang là điểm du lịch, giáo dục lịch sử, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Thành phố đã tạo điều kiện để các cơ sở này hoạt động. Tôi mong tất cả cùng chung tay gìn giữ, phát triển hệ thống này, để các thế hệ hôm nay, và cả mãi về sau luôn được biết, trân trọng quá khứ vinh quang của cha ông để nỗ lực xây dựng đất nước. Biết bao người con của dân tộc Việt Nam đã đổ xương máu để có hòa bình hôm nay. Đừng để quá khứ bị lãng quên!

Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1062939/ky-uc-30-4-tu-hao-ve-lich-su-de-xay-dap-tuong-lai