Ký ức 30.4 qua lời kể nhân chứng lịch sử

49 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024), những người lính Cụ Hồ năm xưa giờ vẫn còn nhớ như in những trận đánh sinh tử giữa ta và địch. Họ là những nhân chứng sống, chứng kiến thời khắc lịch sử chiến thắng của dân tộc, niềm vui khi Nam Bắc một nhà.

Ông Sáu Lệ trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Phước Vinh

Người chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn

Cùng với Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, chúng tôi đến thăm ông Đinh Công Xã, tên thường gọi là Sáu Lệ (sinh năm 1931), ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, một cán bộ trong Ban chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn năm xưa.

Năm 1949, chàng trai Đinh Công Xã tham gia kháng chiến khi 17 tuổi và được phân công làm Tổ trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Tam Long (gồm xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh). Năm 1949 - 1951, ông là Trung đội trưởng Dân quân tự vệ xã; từ đó đến khi nghỉ hưu ông giữ nhiều vị trí và chức vụ quan trọng như Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Phó Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy, Giám đốc Nông trường cao su Huyện ủy Châu Thành…

49 năm trôi qua, hồi ức về những ngày chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông. Ông Đinh Công Xã không giấu được niềm tự hào khi là thành viên trong Ban chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.

Trảng Lớn– một vùng đất thuộc xã Thái Bình B, huyện Châu Thành. Năm 1965, quân Mỹ đã hoàn thành việc thiết lập căn cứ quân sự ở Trảng Lớn, có sức chứa 5.000 quân với hàng chục máy bay, hàng trăm khẩu pháo, xe tăng và các kho trang thiết bị phục vụ chiến tranh.

Ông Ba Nỉa chăm sóc vườn măng bát độ của gia đình.

Trước ngày Mỹ đổ quân, tháng 7.1965, đồng chí Nguyễn Thanh Dương- Tham mưu phó tác chiến của Tỉnh đội đến làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành. Đảng bộ, quân và dân Châu Thành xác định trách nhiệm, chủ động tinh thần, lực lượng đương đầu với quân viễn chinh Mỹ.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và quyết tâm chiến đấu của Tỉnh đội Tây Ninh, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành triệu tập cuộc họp, công bố quyết định thành lập Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn gồm các đồng chí Năm Liêm, Lê Văn Thành, Năm Hoàng và Đinh Công Xã.

Trận đánh Mỹ đầu tiên diễn ra tại Trảng Trai vào ngày 23.3.1966. Vì là lần đầu tiên trực tiếp đánh với lính viễn chinh Mỹ nên Ban Chỉ huy Cụm 1 động viên anh em quyết tâm đánh thắng trận đầu. Trong trận này, địch hoàn toàn bị bất ngờ; sau 30 phút, ta loại khỏi vòng chiến đấu 50 tên địch, thu 7 súng và nhanh chóng rời khỏi trận địa trước khi Mỹ cho máy bay hủy diệt.

Trận thứ 2 là trận đánh Bàu Rao-Bàu Đưng kéo dài từ 11 giờ đến 13 giờ cùng ngày. Địch tổ chức 6 đợt xung phong nhưng không tiếp cận được công sự của ta. Kết quả, Lữ đoàn 196 của địch lần đầu xuất quân bị quân ta đánh tiêu hao nặng.

Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn nổi lên là trận Bắc Rù và Gò Nổi, xã Ninh Điền. Ngày 24.6.1966, Mỹ đổ xuống đây 1 tiểu đoàn, lực lượng tại chỗ của ta là Cụm 3, Ban Chỉ huy có Đinh Công Xã (Sáu Lệ) và Năm Bên. Sau nhiều giờ dùng pháo dọn bãi, địch dùng máy bay F105 thả hàng trăm quả bom, cả vùng đất rung chuyển dữ dội, cây cối gãy đổ, lúc đó bộ binh Mỹ mới xông vào.

Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, chiến sĩ ta kiên nhẫn chờ quân Mỹ đến thật gần, khoảng hơn chục mét, chỉ huy mới ra lệnh nổ súng, khiến nhiều lính Mỹ bị thương… Quân Mỹ lùi ra xa và dùng pháo màu ngụy trang để lấy thương binh và xác lính. Đồng chí Sáu Lệ ra lệnh cho đơn vị nhanh chóng rút ra bìa trảng. Khoảng 20 phút sau, pháo địch bắt đầu hủy diệt, nhưng khi đó lực lượng của ta đã rút hết.

Đến 14 giờ cùng ngày, quân Mỹ còn tiếp tục 2 đợt tấn công nữa nhưng đều bị quân ta đánh bật trở lại. So với các trận đánh trước, trận Gò Nổi dữ dội, ác liệt hơn nhưng với tinh thần quyết tâm thắng Mỹ cùng với tài chỉ huy của Ban chỉ huy Cụm 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục lính Mỹ. Từ sau trận Gò Nổi, Mỹ co lại, hành động dè dặt hơn. Âm mưu đẩy lực lượng ta ra xa không đạt được, quân ta có điều kiện siết chặt hơn vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn bằng thế trận chiến tranh Nhân dân rộng khắp trong toàn huyện Châu Thành.

Ông Ba Nỉa chăm sóc bò.

Người treo cờ giải phóng tại Chi khu Phước Ninh

Vào lúc 10 giờ ngày 30.4.1975, cờ giải phóng tung bay ở Chi khu Phước Ninh, quận lỵ Phước Ninh, Châu Thành, nay là cơ quan Công an huyện Châu Thành. Người lãnh nhiệm vụ kéo lá cờ cách mạng lên cách đây 49 năm là cựu chiến binh Nguyễn Văn Nỉa (Ba Nỉa) hiện ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, Châu Thành.

Khi ấy, ông Ba Nỉa mới 22 tuổi, là Trung đội trưởng Trung đội Bảo vệ của Huyện đội Châu Thành. Đầu tháng 4.1975, ông được phân công về làm bảo vệ cho Tiểu đoàn 3 do ông Dương Văn Ưa (Ba Ưa)- Huyện đội phó làm Tiểu đoàn trưởng, ông Trần Cao Vân (Tám Vân) làm Chính trị viên.

Tiểu đoàn 3 đóng tại Tam Hạp có nhiệm vụ cắt đứt lộ 13 và tấn công Chi khu Phước Ninh. Vào lúc 10 giờ ngày 30.4.1975, qua điện báo của tỉnh, Tiểu khu Tây Ninh cử người liên lạc với quân giải phóng xin đầu hàng. Tại Châu Thành, khi Tiểu đoàn 3 đang làm nhiệm vụ thì xuất hiện một chiếc xe Jeep quân sự treo cờ trắng do Chi khu trưởng Chi khu Phước Ninh lái đến xin đầu hàng và mời bộ đội giải phóng về Chi khu bàn giao chính quyền. Ông Nỉa và cán bộ Tiểu đoàn 3 mang theo vũ khí, lá cờ giải phóng lên xe Jeep về Chi khu.

Tới Chi khu, ông Ba Ưa ra lệnh giữ Chi khu trưởng, ông Tư Chỉ đưa cho ông Ba Nỉa lá cờ giải phóng để ra cột cờ hạ cờ của ngụy xuống và kéo cờ giải phóng lên. "Cột cờ bằng sắt, cao khoảng 10m, trụ xi măng. Nhìn xung quanh, đám lính ngụy đã cởi bỏ quần áo lính, chỉ mặc mỗi quần xà lỏn, gương mặt hoang mang, sợ hãi. Vừa mừng lại vừa lo không biết cách nào để hạ cờ “3 que” xuống, tôi cố gắng bình tĩnh lại rồi hạ được cờ của địch vứt xuống đất, treo và kéo cờ giải phóng lên. Lá cờ chiều dài hơn 1m, rộng 80cm no gió cuồn cuộn bay trên bầu trời. Lúc đó, tôi chỉ lo buộc cờ sao cho chắc mà chẳng nghĩ gì đến chuyện mình có thể trúng đạn hy sinh”- ông Nỉa tâm sự.

Sau 30.4.1975, ông Nỉa được điều về phụ trách Trung đội Bảo vệ cho huyện đội Châu Thành. Năm 1976, ông nghỉ chế độ về sống tại ấp Phước lập, xã Phước Vinh cho đến nay.

Về với đời thường, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Ba Nỉa chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình từ trồng măng tre bát độ và nuôi 4 con bò cái sinh sản. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Ba Nỉa không chỉ thoát nghèo mà kinh tế gia đình ngày càng khá hơn.

Tố Tuấn-Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-uc-30-4-qua-lo-i-ke-nhan-chung-li-ch-su-a172036.html