Kỳ tích tuổi 20

Hành trình 20 năm của huyện Ngọc Hiển, từ thời điểm chia tách, nói như ông Phạm Chí Hải, Bí thư Huyện ủy, có thể cô đọng bằng cụm từ 'kỳ tích'. Tựa vào truyền thống cách mạng hào hùng, mũi thuyền thiêng liêng ở cực Nam Tổ quốc với 3 mặt giáp biển, với sắc xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn, lớp lớp những thế hệ con người thủy chung máu thịt đã vun đắp thành cốt cách, khí phách và dáng vóc Ngọc Hiển giàu đẹp hôm nay.

Thành tựu tự hào

Ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển, vẫn nhớ: “Lúc chia tách, Ngọc Hiển đi lên từ gian khó. Khó về hạ tầng cơ sở, kể cả trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND cũng phải trưng dụng Lâm Ngư trường Kiến Vàng. Khó của huyện địa đầu cực Nam còn bị cô lập về đường bộ, cách trở đò giang. Các công trình văn hóa - xã hội vừa thiếu, vừa xuống cấp. Ðời sống Nhân dân muôn vàn khó khăn, cơ cấu và quy mô kinh tế vừa nhỏ, vừa dễ tổn thương”.

Xóa thế cách trở là mấu chốt để phát triển, là ước vọng bao đời của đất và người xứ rừng biển này. Ngày vui ấy đã đến, cầu Năm Căn được khánh thành tháng 2/2015, mở ra tương lai mới cho xứ sở, như lời gởi gắm của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ấy: “Nơi nào đường lớn, cầu lớn thì sẽ phát triển, nếu không có thì đó là thiệt thòi không cách gì khắc phục được”. Vậy là mảnh ghép cuối cùng nối liền vùng đất địa đầu cực Nam đã hiện hữu, trở thành sự kiện chấn động lòng người, được bà con Ngọc Hiển có mặt chứng kiến mô tả: “Vậy là gần cuối đời người, tôi đã thỏa nguyện khi đi trên cây cầu nối liền 2 bờ sông Cửa Lớn”.

20 năm, từ huyện khó khăn, Ngọc Hiển bứt phá, phát triển toàn diện với thành tựu tự hào. Hạ tầng kinh tế - xã hội lột xác mạnh mẽ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện - đường - trường - trạm, thiết chế văn hóa được tập trung đầu tư.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, tổng kết: “Từ khi chia tách đến nay, huyện đầu tư hơn 1 ngàn dự án, công trình hạ tầng, tổng vốn hơn 2.900 tỷ đồng”.

Hãy cảm nhận sự vươn lên của huyện qua tâm tình của ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), cán bộ lão thành cách mạng của Tân Ân - Rạch Gốc: “Thay đổi to lớn lắm, mừng vui lắm. Ðiều tâm đắc nhất của tôi chính là thấy quê hương đổi thay từng ngày, Nhân dân ngày càng có cuộc sống sung túc”.

Trong tương lai không xa, Mũi Cà Mau sẽ là 1 trong 3 cực trọng điểm của du lịch Cà Mau: U Minh hạ - TP Cà Mau - Mũi Cà Mau . Ảnh: HUỲNH LÂM

Trong tương lai không xa, Mũi Cà Mau sẽ là 1 trong 3 cực trọng điểm của du lịch Cà Mau: U Minh hạ - TP Cà Mau - Mũi Cà Mau . Ảnh: HUỲNH LÂM

Tốc độ phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, Ngọc Hiển tập trung vào những thế mạnh chiến lược để bứt phá. Kinh tế biển, hướng biển và làm giàu từ biển được định hình rõ nét. Nuôi thủy sản tiếp tục là trụ cột kinh tế với sản lượng tăng bình quân hơn 5%/năm. Huyện tập trung phát triển nuôi thủy sản theo hướng đa canh. Chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm sinh thái, với trên 21.500 ha đạt chứng nhận quốc tế. Ðây được xem là mô hình giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Ðoàn tàu đánh bắt vươn khơi với hơn 400 tàu cá, mang về sản lượng khai thác hơn 31 ngàn tấn/năm.

Tài nguyên rừng của Ngọc Hiển trở thành thứ “vàng mười” quý giá. Tháng 4/2013, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chính thức trở thành khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới. Trước đó, Vườn được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Cùng với niềm tự hào là cơ hội phát triển, đặc biệt với lĩnh vực du lịch. Với quan điểm nhất quán “phát triển phải bền vững, bền vững để phát triển”, thương hiệu du lịch Mũi Cà Mau chính thức khẳng định vị trí không thể thay thế trên bản đồ du lịch. Tính riêng năm 2023, huyện thu hút 800 ngàn lượt khách, tăng bình quân 6%/năm, doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Kỳ vọng lớn lao

Biển - rừng - con người là những hằng số phát triển bất biến của Ngọc Hiển. Ông Phạm Chí Hải khẳng định: “Ngọc Hiển có điểm tựa vững chắc từ truyền thống cách mạng hào hùng, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người. Trong đó, địa phương quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm”. Tất cả nhằm chăm lo toàn diện cho Nhân dân có đời sống ngày càng phát triển hơn”.

Ông Trần Hoàng Lạc đúc kết: “Ðổi mới trong tư duy, nhận thức, cụ thể hóa bằng giải pháp, hành động, huy động sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện đạt thành tựu toàn diện, quan trọng trong hành trình phát triển”.

Lần về thăm Cà Mau mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Ðường cao tốc Bắc - Nam phải về tận Mũi Cà Mau”. Vậy là Cà Mau không còn xa nữa và Ngọc Hiển càng gần hơn, có thêm xung lực mạnh mẽ cho đà vươn tới.

Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XII xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025 là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của địa phương, quyết tâm xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Theo đó, kinh tế biển, hướng biển và làm giàu từ biển tiếp tục là ưu tiên bứt phá trọng tâm. Không chỉ khai thác, nuôi thủy sản mà còn là điểm nhấn từ năng lượng tái tạo, dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai mang tầm vóc lớn lao có khả năng làm “bừng sáng” tương lai quê hương và tài nguyên rừng gắn với chiến lược phát triển du lịch trở thành lĩnh vực mũi nhọn, khao khát đưa Ðất Mũi trở thành đô thị du lịch sinh thái. Song hành với phát triển là gìn giữ, trân trọng thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu trong tâm thế “tri hành” hài hòa, bền vững.

Theo tinh thần Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ trong chuyến thăm và làm việc năm 2022; Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Cà Mau, Ðảng bộ, dân và quân Ngọc Hiển phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2025; đến năm 2030 đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Hành trình kỳ diệu tuổi 20, Ngọc Hiển đã, đang và sẽ hiện thực hóa những mục tiêu ấy bằng tất cả sức mạnh và trọn vẹn niềm tin. Dấu thiêng ở phía địa đầu cực Nam Tổ quốc đang viết tiếp những kỳ tích trong chặng đường khát vọng tương lai.

Ngọc Hiển tuổi 20 qua những con số:

Ðảng bộ Ngọc Hiển hiện có 50 tổ chức cơ sở đảng (11 đảng ủy, 39 chi bộ trực thuộc). 20 năm qua, kết nạp mới 2.817 đảng viên, toàn huyện hiện nay có tổng số 2.686 đảng viên, tăng 1.718 đảng viên so với năm 2004.

So với năm 2004, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.947 tỷ đồng, tăng gấp 21,3 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,7 triệu đồng, tăng gấp 8,2 lần.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi thủy sản hơn 53.000 ha; tổng sản lượng thủy sản đến năm 2023 đạt 73.800 tấn, tăng hơn 45.600 tấn so với năm 2004; diện tích rừng tập trung ổn định và đạt tỷ lệ che phủ 50,26% (tăng 2,3% so với năm 2004).

100% đường ô tô đến trung tâm xã, tổng chiều dài 91,3 km; gần 500 km lộ nông thôn. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn đến Mũi Cà Mau được Trung ương đầu tư dài gần 50 km, đưa vào khai thác, thông toàn tuyến từ năm 2017.

Thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo... thu hút 11 doanh nghiệp đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 13 ngàn tỷ đồng; quy hoạch 2 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc với diện tích 93 ha.

Toàn huyện có 38 hợp tác xã và 121 tổ hợp tác, gần 2.400 thành viên, thu nhập bình quân 53 triệu đồng/người/năm; 25 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao.

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 3,01%, hộ cận nghèo 2,45%, bình quân giảm hộ nghèo từ 1,5-2%/năm. Qua 20 năm, tổng số lao động được đào tạo nghề trên 42 ngàn người.

25/28 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đã đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ky-tich-tuoi-20-a30596.html