Kỳ tích Tây Giang

Cách đây 20 năm, thực hiện Nghị định số 72/2003 ngày 20-6-2003 của Chính phủ về chia tách huyện Hiên (Quảng Nam) thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, ngày 5-8-2003, H.Tây Giang chính thức được tái lập… Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang H.Tây Giang ngược dòng sông A Vương về với đất mẹ Tây Giang ân tình, bắt đầu sứ mệnh lịch sử xây dựng và phát triển quê hương vững bước đi lên từ muôn vàn gian khó…

Cán bộ huyện Tây Giang đi khảo sát vị trí tái định cư cho người dân thôn Aunr, xã A Vương cách đây gần 10 năm.

Những ngày đầu gian khó

Còn nhớ, khi H.Tây Giang mới tái lập 1 tháng, tôi cùng phóng viên Văn Hiếu (giờ là Phó Trưởng Ban Thư ký Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng) lên Tây Giang. Cuốc bộ hơn một ngày trời, vật lộn với con đường rừng giữa mùa mưa bão, nửa đêm chúng tôi mới lên được nơi các cơ quan huyện trú chân. Những ngày đầu gian khó ấy, các cơ quan của huyện phải mượn trường học, trạm y tế…, nhà các hộ dân tại thôn Arớh, xã Lăng để làm nơi làm việc tạm thời trong khi chờ xây dựng trung tâm hành chính mới ở thôn Agrồng, xã Atiêng. Đến cuối năm 2005, các cơ quan lần lượt di dời về trụ sở mới tại thôn Agrồng, hoạt động ổn định từ đó đến nay.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang - BhLing Mia bồi hồi nhớ lại: Khi mới tái lập, Tây Giang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, điểm xuất phát về kinh tế- xã hội thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đời sống người dân chủ yếu tự cung tự cấp. Cơ sở hạ tầng của huyện hơn 90% là tạm bợ, không 1 mét đường giao thông, không điện, không thông tin liên lạc, không chợ, thiếu nơi làm việc, trường học, trạm y tế, chủ yếu là nhà tranh vách nứa… Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%, đời sống người dân rất khó khăn, tình trạng thiếu lương thực, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Ngân sách lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn có gần 93 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở vừa thiếu vừa yếu, đa số là cán bộ trẻ…

Song, tất cả đều xác định rõ chủ trương của Trung ương, của tỉnh, với quan điểm tách huyện để gần dân hơn, để tranh thủ các nguồn lực tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, để cán bộ và nhân dân Tây Giang cùng chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Những con số biết nói

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sau 4 kỳ đại hội Đảng, tròn 20 năm Tây Giang đã, đang đạt được những thành quả đáng mừng, đáp ứng được những kỳ vọng, mong chờ của nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình phát triển kinh tế mang hiệu quả cao, nhất là việc phát triển cây dược liệu, các hợp tác xã được hình thành, tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào cách mạng trong nhân dân và đạt được những kết quả đáng mừng với 3/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã Anông là xã đầu tiên của các huyện miền núi cao của tỉnh được công nhận đạt chuẩn vào năm 2014... Từ một huyện gần như trắng về đường giao thông, đến nay đã có 456,7km đường ô-tô, 10/10 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 62/63 thôn đã hoàn thành bê-tông hóa giao thông nông thôn đến thôn và có mạng di động phủ sóng, hơn 90% các khu sản xuất có đường ô-tô đến phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. 10/10 xã, hơn 98% thôn sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng điện sinh hoạt là 96%. Nguồn thu ngân sách tăng gấp 38,5 lần, nếu năm 2003 gần 22 tỷ đồng thì đến năm 2022 là hơn 800 tỷ đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2022 là 485 tỷ đồng, tăng 30,6 lần so với năm 2003…

Làng mới tại quần thể di sản rừng pơmu ở Tây Giang.

Công tác sắp xếp, bố trí dân cư là một trong những bước đột phá quan trọng, xem đây là cuộc cách mạng mới, tổ chức thực hiện được nhân dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu những ngày đầu mới tái lập, hầu hết người dân sống rải rác ven sông, suối, các đồi núi dễ bị lũ quét, sạt lở, du canh, du cư là chủ yếu thì đến nay toàn huyện đã san ủi được 123 mặt bằng, với tổng diện tích 374ha, bố trí cho 5.334 hộ dân cư có đất ở ổn định lâu dài gần khu sản xuất, chăn nuôi. Với phương châm “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, người dân Cơtu coi rừng là nguồn sinh tồn bất tận, là một phần máu thịt của mình. Họ sinh ra từ rừng, sống với rừng và chết về lại với rừng, từ đó, mỗi người dân trở thành một người chiến sỹ bảo vệ rừng với trách nhiệm cao. Tây Giang hôm nay trở thành “lá phổi xanh” của núi rừng Trường Sơn hùng vỹ, rừng tự nhiên chiếm trên 75% diện tích, với nhiều cánh rừng quý: Rừng di sản Pơmu, khu rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ động, thực vật quý hiếm, với hơn 2.000 cây có tuổi đời hàng nghìn năm. Huyện đã trồng mới hơn 2.100 ha cây cao su tại 6 xã vùng thấp, với diện tích khai thác mủ hiện nay là 1.007,16 ha.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Năm 2003, toàn huyện chỉ có 12 trường học, chủ yếu là nhà tranh, vách nứa, với 3.985 HS thì đến nay toàn huyện có 23 đơn vị trường học: 2 trường THPT, 21 trường THCS, Tiểu học và Mầm non, với 5.028 HS; trong đó có 11 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Đến nay có 100% Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm Y tế huyện nay trở thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng, với 80 giường bệnh. Cùng với đó, huyện đã thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế đó là chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân các bản giáp biên của nước bạn Lào, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt Nam- Lào anh em. Các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơtu được bảo tồn và phát huy, nhiều lễ hội được khôi phục; đầu tư khôi phục được 58/63 nhà Gươl thôn và 7/10 nhà Gươl xã. Nhiều giá trị văn hóa được các Bộ, ngành trung ương công nhận là văn hóa vật thể, phi vật thể như nghề dệt thổ cẩm, múa tântung dadá và nói lý, hát lý của người Cơtu, làng Truyền thống Cơtu huyện, cụm Địa đạo Axòo, Đường Hồ Chí Minh 559. Bộ chữ viết Cơtu được khôi phục và đưa vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn huyện. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Nếu năm 2003 là gần 90% thì đến năm 2022 giảm xuống còn 58% (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 19 lần, đến năm năm 2022 đạt 26,582 triệu đồng, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 94,89%...

Phiên chợ vùng cao biên giới ở Tây Giang.

Bí thư Huyện ủy BhLing Mia phấn khởi cho biết thêm: Nét nổi bật ở Tây Giang 20 năm qua là ANCT, TTATXH, an ninh biên giới được giữ vững ổn định. Tây Giang không có tội phạm về ma túy, mại dâm, buôn bán người, không xảy ra trọng án, không xảy ra tai nạn, tệ nạn nghiêm trọng, không có khiếu kiện đông người. Chính quyền, ngành chức năng huyện thường xuyên giao ban, trao đổi với các huyện giáp biên Đắk Chưng, Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào, có cửa khẩu phụ, tạo sự giao thương với nhân dân Lào giáp biên. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới...

Những thành tựu đã đạt được sau 20 năm tái lập là đáng tự hào và trân trọng, là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề, sức bật cho Tây Giang phát triển những năm tiếp theo. Những thành tựu ấy đã minh chứng một cách sinh động và thuyết phục rằng, tái lập H.Tây Giang là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ý Đảng lòng dân đã hòa quyện thành một khối thống nhất, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước, quyết tâm xây dựng và phát triển Tây Giang ngày càng giàu đẹp, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

60 năm trước, vào ngày 10-3-1963, tỉnh Quảng Đà chia tách H. Thống Nhất thành ba huyện mới: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Đến ngày 17-11-1974, Tỉnh ủy Quảng Đà ra Nghị quyết hợp nhất H.Đông Giang và Tây Giang thành H.Hiên. Đến ngày 20-6-2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2003 chia tách H.Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang như ngày nay... 60 năm hình thành và phát triển trải qua bao thăng trầm của lịch sử, H.Tây Giang đã dần khẳng định được vị thế của mình, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu, Huân, Huy chương cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), 9/10 xã AHLLVTND, 8 AHLLVTND, 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-tich-tay-giang-post281373.html