Kỹ thuật thông khí nhân tạo xâm nhập – Thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân suy hô hấpTin khácSẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10Người đi tìm hình của nước

Trước đây, bệnh nhân suy hô hấp nặng, không đáp ứng được các phương thức hỗ trợ thông thường sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Từ tháng 7/2020 đến nay, nhờ áp dụng thành công kỹ thuật thông khí nhân tạo xâm nhập (TKNTXN), Bệnh viện Phổi Lạng Sơn (BVPLS) đã cứu sống nhiều bệnh nhân.

Trước năm 2020, bệnh nhân mắc các bệnh về phổi, suy hô hấp nặng trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp thở, không đáp ứng được với các phương thức hỗ trợ TKNT không xâm nhập như: thở ôxy qua gọng kính, thở ôxy qua mặt nạ… thường được BVPLS chuyển lên tuyến trên điều trị, trong đó, phần lớn có nguy cơ tử vong cao. Bình quân mỗi năm, bệnh viện có khoảng 30 trường hợp suy hô hấp nặng, không đáp ứng được các biện pháp hỗ trợ TKNT không xâm nhập phải chỉ định chuyển lên tuyến trên điều trị hoặc có tiên lượng tử vong cao.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân suy hô hấp do phổi tắc nghẽn mãn tính

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân suy hô hấp do phổi tắc nghẽn mãn tính

Để giải quyết tình trạng này, đầu năm 2020, sau khi tiếp nhận 3 máy thở hiện đại, Ban Giám đốc BVPLS đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện chuyển giao kỹ thuật TKNTXN với tên gọi đầy đủ là đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy với áp lực dương liên tục. Đây là phương pháp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ việc hô hấp của bệnh nhân qua việc đặt ống nội khí quản (thủ thuật duy trì đường thở thông thoáng bằng cách đưa một ống nhựa vào đường thở của bệnh nhân) hoặc mở khí quản cho bệnh nhân (thủ thuật lắp ống thông vào khí quản qua một vết mổ nhỏ trước cổ để hỗ trợ hô hấp). Sau đó, bác sĩ cài đặt chế độ thông khí nhân tạo với áp lực dương liên tục, hỗ trợ thở hoàn toàn nên bệnh nhân hôn mê, không có nhịp tự thở vẫn duy trì được lượng ô xy trong phổi.

Bác sĩ Ma Thị Thơm, Phó Giám đốc BVPLS cho biết: Để chuyển giao được kỹ thuật này, ban giám đốc đã chủ động phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và cử 8 cán bộ (4 bác sĩ, 4 điều dưỡng) theo học lớp đào tạo “Chuyển giao kỹ thuật đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy với áp lực dương liên tục” 3 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (từ tháng 5 đến tháng 8/2020). Sau khi kết thúc khóa học, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn trực tiếp đến Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu (KB-HSCC) của bệnh viện để hướng dẫn, hỗ trợ các bác sĩ thực hiện thành thạo kỹ thuật mới với các máy móc được trang bị.

Bác sĩ Nông Trọng Hòa, Phó Trưởng Khoa KB-HSCC cho biết: Sau khi được đào tạo, từ tháng 9/2020 đến nay, tôi đã thực hiện thành thạo kỹ thuật mới, điều trị thành công hơn 20 ca bệnh. Vừa áp dụng kỹ thuật mới để hỗ trợ, cứu sống bệnh nhân, tôi vừa hướng dẫn các bác sĩ trong khoa. Đến nay, 100% ca trực đều có bác sĩ thực hiện thành thạo kỹ thuật này, đảm bảo 100% bệnh nhân suy hô hấp được tiếp nhận đều được cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nhân tử vong do suy hô hấp.

Nhờ đó, đến nay, Khoa KB-HSCC có 5/6 bác sĩ đã thực hiện thành thạo kỹ thuật này; 19/19 điều dưỡng biết phụ giúp bác sĩ làm thủ thuật và theo dõi, chăm sóc bệnh nhân thở máy. Ngoài Khoa KB-HSCC, bệnh viện còn có thêm 3 bác sĩ của các khoa lâm sàng khác thực hiện thành thạo kỹ thuật TKNTXN. Giám đốc bệnh viện cũng trực tiếp tham gia thực hiện kỹ thuật mới để cấp cứu, cứu sống bệnh nhân. Từ tháng 9/2020 đến nay, BVPLS đã thực hiện 42 ca đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy với áp lực dương liên tục. Trong đó, số lượng bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật thủ thuật này tăng dần qua các năm. Năm 2020 có 10 ca, năm 2021 có 18 ca, riêng từ đầu năm 2022 đến nay là 14 ca. Nhờ đó mà có nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong cao đã được cứu sống.

Bà Hà Thị Thương, khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Chồng tôi bị tiểu đường, lao phổi nặng, vừa rồi lại nhiễm COVID-19 nên khó thở, hôn mê, đi bệnh viện tuyến trên điều trị không đỡ. Ngày 26/5/2022, chồng tôi được các bác sĩ tiên lượng tử vong cao (tai co, mạch máu không lưu thông nữa), rút ống thở, trả về nhà. Tôi nghe nói BVPLS có kỹ thuật mới nên đã đưa chồng vào điều trị. Từ ngày 28/5/2022 đến nay, chồng tôi đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch. Gia đình tôi thực sự rất vui mừng, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều.

Thực tế trên cho thấy, nhờ áp dụng thành công kỹ thuật đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy với áp lực dương liên tục, BVPLS đã cấp cứu kịp thời, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân và niềm vui cho các gia đình. Đây là một trong những phương pháp kỹ thuật mới trong hồi sức cấp cứu, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín của bệnh viện, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, chuyển tuyến, giảm áp lực cho y tế tuyến trên, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.

NGỌC HIẾU

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/503426-ky-thuat-thong-khi-nhan-tao-xam-nhap-them-co-hoi-cuu-song-benh-nhan-suy-ho-hap.html