Kỹ sư đam mê nghiên cứu khoa học

Với vai trò người đứng đầu, Giám đốc Đỗ Ngọc Dương đã cùng tập thể Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu (Quan Hóa) triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học hơn 28.000 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý.

Giám đốc Khu BTTN Pù Hu Đỗ Ngọc Dương (đứng giữa) kiểm tra chất lượng cây giống tại vườn ươm.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh luôn nỗ lực, cống hiến hết mình với công tác nghiên cứu khoa học. Một số đề tài, mô hình sáng kiến, dự án nghiên cứu do anh thực hiện đã được ứng dụng trong thực tế, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp cho người dân vùng đệm khu bảo tồn, như Dự án Điều tra, bảo tồn và phát triển 2 loài cây dược liệu ba kích, sa nhân tím tại Khu BTTN Pù Hu, giai đoạn 2017-2021. Với nguồn giống được thu hái, xử lý và nhân giống tại chỗ, đơn vị đã trồng thử nghiệm 7.500 cây sa nhân tím, 5.000 cây ba kích dưới tán rừng. Do nguồn giống bản địa được nhân giống tại chỗ tốt nên các loại cây dược liệu này thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Hơn 5 năm triển khai thử nghiệm, tỷ lệ sống của cây ba kích và sa nhân tím đạt trên 90%. Việc thực hiện thành công dự án giúp đơn vị đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài dược liệu quý hiếm và cũng là cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng để nhân rộng mô hình trên diện tích 5 ha cho người dân.

Ngoài ra, anh còn xây dựng đề xuất đề tài cấp cơ sở: “Trồng thử nghiệm loài cây quế có xuất xứ tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” nhằm tìm ra loài cây trồng phù hợp cho người dân tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Xây dựng đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ mang tính bảo tồn tại Khu BTTN Pù Hu như: Dự án điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn loài rùa đầu to và rùa núi viền; điều tra; đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn các loài mang; điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn loài gấu, đã minh chứng sự tồn tại quần thể gấu ngựa, mang, sơn dương, cầy giông, mèo rừng, chồn vàng... Đó là những nỗ lực định hướng phát triển chuyên môn cho tập thể cán bộ khu bảo tồn cũng như ngày càng chuyên môn hóa hoạt động nghiên cứu khoa học.

Từ hiện trạng rừng của đơn vị hơn 1.500 ha là trạng thái rừng phục hồi và nghèo kiệt có trữ lượng rừng thấp, khoảng gần 200 ha đất trống, giám đốc Đỗ Ngọc Dương đã đề xuất ý tưởng và thực hiện nhiệm vụ: Xây dựng mô hình làm giàu rừng bằng một số loài cây bản địa trên diện tích rừng 60 ha tại Khu BTTN Pù Hu và thực hiện chương trình: Trồng mới hơn 56 ha rừng đặc dụng trên diện tích đất trống, góp phần đa dạng loài trong các tiểu khu và tạo ra nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã.

Anh Đỗ Ngọc Dương tâm sự: “Qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy hiệu quả từ phát triển lâm sản ngoài gỗ đang là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị hoạt động lâm nghiệp của cộng đồng vùng đệm khu bảo tồn, từ đó đã thôi thúc tôi tiếp tục xây dựng các đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu, phát triển hai loài cây dược liệu mạch môn và bách bộ; trồng thử nghiệm loài cây chè hoa vàng, nghiên cứu trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng nhằm phát triển sinh kế bền vững cho người dân tại các xã vùng đệm Khu BTTN Pù Hu. Việc chuẩn bị triển khai tiếp các hoạt động trong thời gian tới hứa hẹn những thành công mới cho bước tiến mạnh mẽ hơn trong ứng dụng khoa học phát triển kinh tế - xã hội”.

Với sự năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác và những sáng kiến nghiên cứu khoa học, nhiều năm liên tục, Giám đốc Khu BTTN Pù Hu Đỗ Ngọc Dương đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để mọi người noi theo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: PHAN NGA

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/ky-su-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc/210515.htm