Kỳ quặc: Tự nguyện trả tiền để 'được' sống thử cảnh tù tội

Trong khi chúng ta thường cố tránh xa hoặc thoát khỏi nhà tù càng sớm càng tốt thì nhiều người Hàn Quốc tự nguyện trả tiền để được sống thử cảnh tù tội. Có điều gì đặc biệt ở 'trại giam' kỳ lạ này?

“Ngục tù trong tôi” ở Hongcheon, Hàn Quốc là một mô hình trung tâm cải tạo mà đến đó, mọi người giao nộp đồ đạc của mình, tuân theo các quy định nghiêm ngặt và bị nhốt trong phòng giam một cách tự nguyện.

Được xây dựng vào năm 2013, nhà tù giả này đã giam giữ hơn 2.000 người, từ nhân viên văn phòng, ông chủ công ty, đến sinh viên và các bà mẹ nội trợ. Người ta phải trả 90 USD mỗi ngày để bị nhốt trong phòng giam rộng 5m2.

Nội quy nghiêm ngặt của nơi này là “tù nhân” không được phép nói chuyện với nhau, đảm bảo rằng mọi người được hưởng không khí trọn vẹn trong thời gian bị giam giữ.

“Phạm nhân” phải giao lại điện thoại di động khi vào cổng và thậm chí không được phép sử dụng đồng hồ.

Đăng ký xong, khách hàng sẽ thay quần áo bằng bộ đồng phục màu xanh lam. Họ ngủ trên sàn gần nhà vệ sinh, trong căn phòng chật chội không có gương.

Họ cũng nhận được một tấm thảm tập yoga, một cây bút và một cuốn sổ để suy ngẫm và ghi nhật ký.

Đặc cách của họ là một bộ ấm trà, bởi suy cho cùng, họ là khách hàng trả tiền cho dịch vụ này

Các “tù nhân” phải tuân theo một chế độ ăn nghiêm ngặt, trong đó có cháo cho bữa sáng, khoai lang và chuối cho bữa tối.

Khi kết thúc “bản án”, những người tham gia sẽ nhận được giấy chứng nhận tạm tha.

Mô hình nhà tù giả này rất thành công vì có rất nhiều người đang tìm kiếm sự giải thoát khỏi áp lực từ công việc, học hành hay căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày

Theo Reuters, người đồng sáng lập Noh Ji-Hyang có ý tưởng tạo ra nhà tù giả khi chồng cô, người làm việc 100 giờ mỗi tuần nói rằng, ông chỉ ước có lúc bị biệt giam trong một tuần để nghỉ ngơi và cảm thấy tốt hơn.

Một thực tế đáng lo ngại là giờ làm việc trung bình của người Hàn Quốc nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác. Môi trường học tập và làm việc siêu cạnh tranh cũng khiến tỷ lệ người bị căng thẳng và tự tử cao.

Một khi “tù nhân” tự tách mình ra khỏi cuộc sống hàng ngày, họ sẽ tìm thấy cơ hội hiếm có để thoát ra áp lực như vậy.

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp để giúp người dân làm việc ít hơn và kiếm được nhiều tiền hơn, bằng cách tăng mức lương tối thiểu và giảm giới hạn pháp lý về giờ làm việc mỗi tuần

Du khách thường chỉ dành 24-48 giờ tại cơ sở, mặc dù có thể ở lại tới một tuần. Thời gian đủ ngắn và đủ tập trung để đạt được mức “làm mới lại mình” mà không bị tụt lại phía sau.

Ông Kwon Yong-seok, người đồng sáng lập mô hình “Ngục tù trong tôi” cho biết, ông không nghĩ việc ở lại 48 giờ sẽ thay đổi cuộc đời của một ai đó, nhưng nó mang lại cơ hội khơi dậy một sự thay đổi lâu dài.

“Đó là giá trị của việc dành thời gian ở một mình. Một số người thậm chí còn mô tả đó là món quà tuyệt vời nhất mà họ tự tặng cho mình”, ông Kwon Yong-seok nói.

Nó cũng là một sự phản ánh của xã hội khi có cựu “tù nhân” chia sẻ: “Đây không phải là một nhà tù. Nhà tù thực sự chính là nơi chúng tôi quay về với cuộc sống thực tại”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-quac-tu-nguyen-tra-tien-de-duoc-song-thu-canh-tu-toi-post567828.antd