'Kỳ nữ' Kim Cương và hai lý tưởng cuộc đời

'Kỳ nữ' Kim Cương được khán giả mến mộ một thời nhưng tình duyên không trọn vẹn, chấp nhận lẻ bóng ở tuổi xế chiều, tìm niềm vui khi làm thiện nguyện và bên con cháu.

Vì sân khấu và làm việc thiện

"A, hột vịt lộn, hột vịt lộn", bà cụ liệt nửa người chợt thốt lên khi nhận ra "kỳ nữ" Kim Cương, người đến căn phòng trọ chật hẹp ở TP Thủ Đức thăm mình.

Nghệ sĩ Kim Cương.

Đó là vai diễn cô bán hột vịt lộn một thời nổi danh của NSND Kim Cương trong vở "Dưới hai màu áo". Vào thập niên 80-90, vở thoại kịch này cùng với "Lá sầu riêng", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt" từng khiến các rạp hát tại Sài Gòn luôn cháy vé.

Niềm vui sáng lên trong cuộc đời buồn hiu hắt của cụ bà neo đơn khi được thần tượng thời trẻ ghé thăm.

Ở tuổi 86, nghệ sĩ Kim Cương vẫn thường xuyên có những chuyến đi "bất thình lình" để thăm những mảnh đời như thế, mặc cho con cháu ngăn cản.

Chuyến đi gần nhất trong tháng 10/2023 của bà là đến một phòng trọ nhỏ hẹp giáp ranh giữa TP Thủ Đức và Bình Dương.

"Tôi không cầm lòng được. Thương quá, một tấm lòng giống hệt tích "Lưu Bình - Dương Lễ", làm sao mà không đến với họ được. Đời tôi có hai lý tưởng: Sống chết với sân khấu và làm việc thiện cho đời", bà kể về chuyến thăm anh chàng nuôi mẹ giùm bạn suốt gần 10 năm qua.

Những ngày cuối năm, trong ngôi nhà ở đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM, NSND Kim Cương ngồi tính toán đã có được mấy chục phần quà, được bao nhiêu chi phí mạnh thường quân, rồi tính thêm bao nhiêu suất nữa cho nghệ sĩ.

Vậy là thêm một cái Tết nữa, hàng trăm phần quà sẽ lại được gửi tới các nghệ sĩ trong chương trình thiện nguyện "Nghệ sĩ tri âm" mà nghệ sĩ Kim Cương "đạo diễn" suốt nhiều năm qua.

Một thời khóc cười cùng đào kép

Danh xưng "kỳ nữ" là tên gọi mà ký giả Nguyễn An Ca dành tặng cho cô diễn viên được khán giả mến mộ trong vở "Giai nhân và ác quỷ" vào khoảng năm 1950. Kể từ đó, Kim Cương liên tục sáng tạo trong lĩnh vực sân khấu, truyền hình và điện ảnh.

Nghệ sĩ Kim Cương thời trẻ.

"Định mệnh đã chọn tôi cho sân khấu, sáng tác, diễn xuất và cho các khán giả của tôi. Tôi bước qua tất cả nhọc nhằn để đến với thoại kịch vì cái gì? Có lẽ không phải để được trở thành một ngôi sao.

Với những vai diễn, tôi chỉ mong thật sự được sống cuộc đời của đủ dạng người. Tôi đã yêu thương trong những yêu thương của kiếp người, đau khổ trong những cái đau khổ đó", bà chia sẻ.

Những năm 1980, trong vở thoại kịch "Dưới hai màu áo", Kim Cương mặc quần ống patt, hút thuốc phì phèo, trong vai cô bán hột vịt lộn bận bà ba tập đi giày cao gót khiến khán giả cười nghiêng ngả đó rồi cũng khóc xiêu khóc đổ theo.

Cũng từ vở này mà câu "một đi không trở lại" của kép hài Bảo Quốc trở thành câu cửa miệng của thị dân. Với những vở lừng lẫy một thời như tuồng "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Lá sầu riêng"… đưa bối cảnh đương đại lên sân khấu, ranh giới với khán giả bị xóa mờ. Người ta khóc theo đào kép, thấm thía cho chính mình.

"Khi đoàn Kim Cương diễn vở "Trà hoa nữ", ở dưới mấy bà, mấy chị khóc nức nở, có mấy người vẫn quen tay theo kiểu cũ, kẹp tiền vô bông, vô quạt, ném tới tấp lên sân khấu, bảo vệ phải ra nhắc nhở mấy lần mới thôi", nhà báo Trác Thúy Miêu từng kể.

"Kim chỉ nam trong đời tôi chính là lời má dặn: Nghề hát không phải là cái nghề mà là cái đạo, đạo dạy làm người", nghệ sĩ Kim Cương thổ lộ.

Sống cho người là sống cho mình

Cách đây hơn 20 năm, Kim Cương chính thức giã từ sự nghiệp sân khấu lẫy lừng. Niềm vui ở tuổi xế chiều khi đã rời xa ánh đèn sân khấu chính là việc làm thiện nguyện, chăm sóc những nghệ sĩ neo đơn.

Nghệ sĩ Kim Cương trong lần ghé thăm một cụ già neo đơn, bị liệt nửa người ở TP Thủ Đức.

Khi chứng kiến nhiều mảnh đời nghệ sĩ sau khi về già, giã từ sân khấu phải sống trong cô đơn, khốn khó, nghệ sĩ Kim Cương đã thực hiện chương trình "Nghệ sĩ tri âm", kêu gọi các nghệ sĩ trẻ, mạnh thường quân tài trợ.

Bà chia sẻ: "Đời người đã ngắn, đời nghệ sĩ trên sân khấu còn ngắn hơn. Vì vậy, sống cho người thực ra là sống cho mình. "Nghệ sĩ tri âm" không phải là "tri ân" mà nghĩa là "tri âm tri kỷ", là sự chia sẻ, cảm thông của những mạnh thường quân đã từng yêu thương người nghệ sĩ như "tri kỷ" chứ không đơn thuần chỉ là "cho đi".

Nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ, vừa nhận được điện thoại của NSND Kim Cương, bà giục sắp xếp lên gặp để làm sớm chương trình cho nghệ sĩ nghèo, già yếu neo đơn Tết năm nay. "Bà bệnh trong người từ lâu nhưng vẫn đi xin từ thiện các nơi về giúp cho nghệ sĩ, chúng tôi thực rất đồng cảm và khâm phục nhân cách của bà!", nghệ sĩ cho hay.

Dù đã ở tuổi U90 nhưng nghệ sĩ Kim Cương vẫn giữ nhiều vai trò trong các hội thiện nguyện như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo...

Cuối tháng 10/2023, sau cơn bệnh nặng, bà lại tất bật "chạy" quà cho chương trình "Nghệ sĩ tri âm" mà bà nói rằng sẽ là năm cuối. Trước đó, bà được đề nghị làm lại vở "Lá sầu riêng" để quyên góp cho nghệ sĩ. Nhưng sau đó do sức khỏe yếu và bà thấy chi phí tốn kém nên gác lại.

Nghệ sĩ Kim Cương bộc bạch: "Tiền thuê rạp, dựng sân khấu, đạo cụ… nói chung tốn kém lắm. Nên tôi muốn gom lại hết, để mỗi phần quà năm nay nhiều hơn chút đỉnh, lo cho nghệ sĩ nghèo. Tôi làm năm nay nữa thôi, giờ sức khỏe mỗi lúc một yếu nên sợ không lo xa được nữa.

Niềm vui của tôi bây giờ là nhìn con cháu an vui bên mình và giúp đời, giúp người cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi luôn muốn tìm hạnh phúc bằng cách trao niềm vui cho những mảnh đời thiếu may mắn khác. Đó cũng là cách tôi thực hiện lời má dạy để trả ơn má, trả ơn đời…".

Nghệ sĩ Kim Cương sinh năm 1937 trong một gia đình ba đời làm nghệ thuật, từ bà cố, bà nội và cha mẹ ruột đều làm bầu gánh, nổi danh đất Sài thành.

Vở diễn đầu tiên của bà khi mới được 18 ngày tuổi, đóng cùng mẹ là NSND Bảy Nam, trong vai con của Thị Màu trong vở Quan Âm Thị Kính.

Giữa thập niên 1950, Kim Cương được biết đến với danh hiệu "kỳ nữ" sau vai diễn trong vở "Giai nhân và ác quỷ". Từ những năm đầu thập niên 1960, bà mở đường cho sân khấu thoại kịch miền Nam khi sáng lập đoàn kịch nói đầu tiên ở Sài Gòn mang tên đoàn kịch Kim Cương.

Bà là tác giả và đạo diễn của 70 vở kịch nổi tiếng như: "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Tôi làm mẹ"… Trước năm 1975, bà là tác giả của những bộ phim nhựa nổi danh, phụ trách chuyên mục kịch trên truyền hình.

Sau năm 1975, sân khấu Sài Gòn chuyển sang một giai đoạn mới với sự bùng nổ các đoàn kịch mà trước đó Kim Cương chính là người tiên phong.

Thành danh trong nghệ thuật, nức tiếng giai nhân, nhưng đường tình duyên của nghệ sĩ Kim Cương lại không mấy suôn sẻ. Từng trải qua nhiều mối tình dang dở, đổ vỡ, bà tự nhận mình là người "thất bại trong hôn nhân".

Năm 35 tuổi, nữ nghệ sĩ lập gia đình lần đầu tiên. Bà và chồng có với nhau một con trai, song cuộc hôn nhân duy trì được 15 năm. Ở tuổi 50, bà bắt đầu một tình yêu mới nhưng cũng chỉ kéo dài 2 năm. Từ đó đến nay, nữ nghệ sĩ sống cảnh lẻ bóng.

Lệ Quân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-nu-kim-cuong-va-hai-ly-tuong-cuoc-doi-192240213013853149.htm