Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Trau dồi 'Mắt sáng, lòng trong, bút sắc'

Hằng năm, cứ đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhóm bạn đồng môn lớp đại học báo chí K5 của Trường Tuyên huấn Trung ương 1 (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang sinh sống, công tác ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận lại tổ chức họp mặt để 'ôn cố tri tân' thăm hỏi, động viên nhau trong công việc và cuộc sống...

Ngày ấy, chúng tôi đang học năm thứ ba thì công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng. Cả nước hân hoan trước luồng gió mới với những phương châm vô cùng táo bạo như: Cởi trói; Bung ra; Tự cứu mình; Cơ chế thị trường; Kinh tế tư nhân…

Là những nhà báo tương lai, chúng tôi hết sức ấn tượng với loạt bài báo “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được ví như những “đột phá” trong công tác xây dựng Đảng và là những “trái phá” tấn công trực diện vào những trì trệ, tiêu cực, hạn chế của cơ chế cũ.

 Phóng viên Đài PT&TH tỉnh phỏng vấn Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn.

Phóng viên Đài PT&TH tỉnh phỏng vấn Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn.

Điều đặc biệt là trong bài viết đầu tiên của “Những việc cần làm ngay”, đăng trên báo Nhân Dân số ra thứ Hai ngày 25/5/1987, tác giả rất đề cao vai trò của báo chí: “Các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án; phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương nghị quyết Trung ương...”. Và: “Các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ việc sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”.

Hơn một năm sau đó chúng tôi tốt nghiệp ra trường, hòa mình vào công cuộc Đổi Mới, bươn chải trong cơ chế thị trường, tiếp tục tu dưỡng và rèn luyện để vươn lên. Nhiều người sau này trở thành những cây bút có “thương hiệu”. Có người được mệnh danh là “nhà sưu tập” các loại giải thưởng báo chí. Có người trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý báo chí ở các cấp, ngành… Hầu hết đến nay mọi người đã nghỉ hưu, nhưng đa số vẫn là những nhà báo viết khỏe, viết hay, thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và trên sóng phát thanh - truyền hình… Những tin vui như thế trở thành những cái “cớ” để mỗi dịp hội ngộ là vui vẻ “khao” bạn bè…

Vậy mà cuộc hội ngộ trước ngày 21/6 năm nay, anh bạn nguyên là phóng viên kinh tế ở một tờ báo lớn ưu tư thuật lại câu chuyện anh vừa được người ta khen mà “đau như cắt”. Chuyện là, trong một hội nghị cơ sở mà anh được mời dự, khi long trọng giới thiệu anh với quan khách, vị giám đốc chủ nhà đã “đế” thêm một câu: “Anh tuy là nhà báo nhưng rất tốt!”.

Có lẽ nhìn thấy sắc mặt bạn tôi lúc ấy, nên ngay sau đó vị giám đốc đã vội gặp riêng để xin lỗi và ra sức thanh minh. Rằng là từ trước tới nay, doanh nghiệp của ông đã bị rất nhiều nhà báo đến gây phiền nhiễu, khi thì nhân danh “chống tiêu cực” nhưng lại viết với dụng ý rất... tiêu cực, khi thì viết điều tra nhưng chỉ nghe một phía, khi thì “ép” xin hợp đồng quảng cáo, khi lại dọa bóng dọa gió việc này việc nọ… Rằng ông cũng biết đó chỉ là một số nhà báo yếu kém; còn đội ngũ nhà báo vẫn là những người đại diện của công luận, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực. Rằng là…

Các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cách mạng Việt Nam tiếp tục trau dồi “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, tiếp tục cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đổi mới trong thời kỳ mới. Đó cũng là tình cảm và mong muốn, đòi hỏi của toàn Đảng, toàn dân gửi đến các nhà báo trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Vâng, những điều vị giám đốc nọ phân trần với bạn tôi đều là sự thật. Nhiều người cho rằng đó là mặt trái của báo chí trong cơ chế thị trường, rằng nhà báo cũng là con người bằng xương bằng thịt, làm báo cũng là một nghề nên những người làm báo trong thời kinh tế thị trường cũng cần phải có thu nhập để sống và tồn tại.

Đã qua rồi cái thời nhà báo chỉ lo… làm báo, còn lượng người đọc, người nghe, người xem nhiều hay ít cũng chẳng ảnh hưởng đến đồng lương và các khoản phụ cấp. Nay thì đa số cơ quan báo chí không được nhà nước bao cấp hoặc chỉ bao cấp một phần. Làm báo như thế nào để bảo đảm doanh thu, có thu nhập cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và người lao động là điều những người phụ trách các cơ quan báo chí luôn canh cánh. Và các phóng viên cũng phải năng động, xông xáo, đổi mới từ phương thức tác nghiệp đến trình bày ấn phẩm, quảng bá chương trình để “nước lên bèo lên”, nâng cao thu nhập cho cơ quan và cho bản thân…

Tuy nhiên trong sự “năng động, xông xáo” kể trên cũng đã xuất hiện những lệch pha, lệch chuẩn. Từ đó nảy sinh những tiêu cực tăng dần tới cấp độ nguy hiểm phải báo động. Nghe nói đâu đó ở một quán cà phê hoặc quán nhậu trong phố thường có những cuộc “giao ban” của những nhóm phóng viên liên kết tự phát từ các cơ quan báo chí khác nhau, để cung cấp tài liệu điều tra về một đơn vị nào đó rồi dàn trận phân vai đồng loạt “tấn công” kiểu đòn hội chợ.

Lại nghe nói có những phóng viên chỉ rình làm nhõn một việc là chuyên đếm tầng các nhà xây dựng trái phép để dọa đăng báo tống tiền.... “Nghiêm khắc với nhau mà nói vậy thôi, báo chí hiện nay vẫn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhà báo chúng ta vẫn còn có “giá” lắm!”. Anh bạn học giỏi nhất nhì lớp, từng công tác tại một cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương, cất tiếng phá tan bầu không khí của buổi gặp mặt như đang chùng xuống.

Anh kể rằng hồi còn công tác, cứ mỗi dịp đổi và cấp thẻ nhà báo là anh rất khó xử với nguyện vọng của không ít người quen. Dù không thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo nhưng họ vẫn viện đủ lý do “liên quan” đến báo chí để xin được “linh động”. Nhiều cán bộ, chuyên viên có học hàm, học vị, chức danh… rất cao, đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, thế mà vẫn tha thiết mong có được tấm Thẻ Nhà báo(!) Rõ là cái danh hiệu Nhà báo đang được xã hội rất hâm mộ, quý trọng. Thì báo chí là “quyền lực thứ tư” của xã hội mà! Báo chí, với chức năng là thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận và hướng dẫn dư luận xã hội… nên vẫn luôn tác động mạnh mẽ tới đời sống và luôn được xã hội quan tâm.

Câu chuyện vui của anh bạn khiến mọi người hào hứng trở lại. Vâng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình. Ngày nay, trước vận hội mới cùng những thách thức to lớn của công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, những người làm báo càng phải phấn đấu hơn nữa; ra sức tu dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp; gắn kết những thành tựu của khoa học công nghệ với những phẩm chất tốt đẹp của báo chí truyền thống, để xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cách mạng Việt Nam tiếp tục trau dồi “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, tiếp tục cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đổi mới trong thời kỳ mới. Đó cũng là tình cảm và mong muốn, đòi hỏi của toàn Đảng, toàn dân gửi đến các nhà báo trong Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/406837/ky-niem-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-trau-doi-mat-sang-long-trong-but-sac-.html