KỶ NIỆM 83 NĂM NAM KỲ KHỞI NGHĨA: Bài học về bảo đảm bí mật

Đến nay, Đảng ta đã đúc kết nhiều bài học về khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó bài học về bảo đảm bí mật có tính sống còn của Đảng đã được đề cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong bối cảnh hiện nay.

Tháng 7-1940, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng, có sự tham dự của đồng chí Phan Đăng Lưu, đại diện Trung ương Đảng. Hội nghị đã thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 để bàn về kế hoạch khởi nghĩa.

Ngày 20-11-1940, Thường vụ Xứ ủy phát lệnh thông báo cho các cấp cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 0 giờ ngày 23-11-1940. Như vậy, xét về nhiều mặt, Xứ ủy đã cố gắng bảo mật quyết định khởi nghĩa đến sát ngày nổ ra khởi nghĩa.

Nhưng quyết định này đã không được bảo đảm bí mật tuyệt đối. Do đó, TP Sài Gòn - Chợ Lớn được chọn là nơi trọng điểm của cuộc khởi nghĩa toàn Nam Kỳ, trên thực tế đã tích cực chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng do không giữ được bí mật về thời điểm, cuộc khởi nghĩa không nổ ra như dự kiến.

Bên cạnh đó, trong những ngày gần diễn ra khởi nghĩa, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như: Phan Đăng Lưu, Tạ Uyên, Nguyễn Như Hạnh… bị mật thám bắt. Dù không khai thác nhanh được các đồng chí cán bộ lãnh đạo trung kiên của ta, và thực tế là thực dân Pháp cũng không tra hỏi được gì đáng kể, nhưng chúng đã lấy được các tài liệu mang trong người của các đồng chí, kết hợp với những thông tin khác nên chúng đã nắm được cách thức tổ chức khởi nghĩa của Xứ ủy và các Tỉnh ủy, Thành ủy. Có thể ngay trong một lúc chúng chưa có cách khiến tất cả các nơi không nổ ra được khởi nghĩa, nhưng rõ ràng là chúng nhanh chóng có phương án đối phó.

Tại Sài Gòn, do lệnh khởi nghĩa đã được phát đi, mọi người đều sẵn sàng nổi dậy, không thể hoãn lại và cũng không nhiều người biết các đồng chí lãnh đạo đã bị bắt nên cán bộ, đảng viên và quần chúng cơ bản vẫn chờ đến hẹn để tiến hành khởi nghĩa. Trong khi đó, địch đã biết trước khởi nghĩa nên ráo riết đề phòng. Do đó, ở toàn miền Nam, theo kế hoạch ban đầu, tiếng súng đánh chiếm thủ phủ Nam Kỳ ở Sài Gòn sẽ là tiếng súng lệnh nhưng đã không thực hiện được.

Mặt khác, ta đã sơ hở để kẻ địch chui sâu vào lực lượng của ta. Một trong những trường hợp đáng kể nhất là tên Nguyễn Văn Cự, bí danh Tư Chà, Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên. Tên Tư Chà là lính kín chui vào hàng ngũ ta. Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, hắn ém lại để báo cho địch có thời gian đối phó, cho nên lệnh khởi nghĩa ở tỉnh Long Xuyên đến được các cán bộ chủ chốt trễ 7 ngày…

Có thể nói, việc không giữ được bí mật hoàn toàn cuộc khởi nghĩa có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Yếu tố khách quan là một số đồng chí lãnh đạo bị bắt quá bất ngờ khi chưa kịp thủ tiêu tài liệu hoặc chưa kịp triển khai những phương án dự phòng, đối phó. Yếu tố chủ quan là để kẻ thù chui vào trong hàng ngũ, đồng thời làm lộ các tin tức về hành tung của các đồng chí lãnh đạo, dẫn đến việc nhiều đồng chí bị bắt đột ngột.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề bảo vệ bí mật Đảng, Nhà nước đã được Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng. Bởi lẽ, việc để lộ thông tin mật của Đảng và Nhà nước có thể bị phát tán nhanh chóng, bị lợi dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Vì vậy, bài học về bảo đảm bí mật trong những hoạt động quan trọng, có ý nghĩa sống còn của Đảng phải được vận dụng và thực hiện đầy đủ. Hiện nay, điều đó còn thể hiện tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tính nghiêm minh của pháp luật.

Trịnh Minh Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ky-niem-83-nam-nam-ky-khoi-nghia-bai-hoc-ve-bao-dam-bi-mat-20231122194929969.htm