Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 / 3-3-2024) và 35 năm Ngày biên phòng toàn dân (3-3-1989 / 3-3-2024): Mặt trận thầm lặng của những người lính mang quân hàm xanh

Lịch sử 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội biên phòng (BĐBP) Việt Nam đã ghi dấu bằng hàng nghìn chiến công trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến biên giới. Tiêu biểu trong số ấy là các chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, thể hiện bản lĩnh, sự mưu trí, dũng cảm của người chiến sỹ mang quân hàm xanh.

Bộ đội biên phòng Lạng Sơn tuần tra trong thời tiết băng giá

Chặt đứt đường dây ma túy xuyên quốc gia

Chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy của BĐBP Quảng Trị gần 14 năm trước chưa hẳn đã là một chuyên án tiêu biểu nhất trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Nó không lớn về số lượng tang vật, song lại diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian dài, đòi hỏi những người tham gia chuyên án phải mưu trí, sáng tạo, kiên trì, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nước bạn.

Đầu tháng 11-2010, nguồn tin trinh sát nhận định, thời gian gần đây có 1 đối tượng người Lào ráo riết tìm mối để bán ma túy và dành sự ưu tiên cho người Việt Nam. Nhận được nguồn tin, các trinh sát của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Quảng Trị) đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận đối tượng và các mắt xích quan trọng nhằm lên sơ đồ đường dây buôn bán ma túy này.

Qua các nguồn tin, trinh sát xác định đối tượng là một “ông trùm” quê gốc ở Xay Phu Thoong, tỉnh Sa Vẳn Nà Khẹt (Lào). Tên này chuyên buôn bán ma túy tổng hợp và trong nhà đang tồn đọng một lượng hàng lớn. Vì thế, đối tượng ráo riết tìm mối để giải phóng hàng. Thời điểm ấy, giá đối tượng đưa ra đối với 1 “mắt” (tức 2.000 viên ma túy tổng hợp) là 53.000 bạt Thái Lan (khoảng 32,8 triệu đồng).

Sau một thời gian dài theo dõi, nắm tình hình, các trinh sát xác định đây là đường dây buôn bán ma túy tổng hợp thẩm lậu qua huyện Sê Pôn thuộc tỉnh Sa Vẳn Nà Khẹt (giáp với huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Sau đó, bằng các đường mòn, lối mở vượt qua biên giới thuộc địa bàn thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị), đường dây này sẽ đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Đường dây ngoài 4 đối tượng chính còn có đông đảo đội ngũ chân rết làm nhiệm vụ dò đường, nghe ngóng thông tin, tình hình hoạt động của các lực lượng phòng chống ma túy để bảo vệ, để đánh lạc hướng lực lượng chức năng và sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết.

Ngày 18-11-2010, lãnh đạo BĐBP Quảng Trị, chỉ huy Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm đã cùng lãnh đạo Ty An ninh tỉnh Sa Vẳn Nà Khẹt tiến hành xác lập chuyên án, kế hoạch triệt phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia này. Tuy nhiên, với bản chất ranh ma, xảo quyệt, các đối tượng đã liên tục thay đổi phương thức hoạt động, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng đánh án. Lần thứ nhất, chúng không đến địa điểm giao dịch. Lần thứ hai, chúng yêu cầu sử dụng tiền bạt Thái Lan thay vì USD, nhưng rồi cũng không đến, cắt hẳn mọi liên lạc với người mua trong thời gian tương đối dài…

Trước những mưu mô xảo quyệt của các đối tượng, trinh sát vẫn kiên trì theo dõi mọi di biến động. Đáng chú ý, trong số các đối tượng có So Ca, là người dân tộc Mông di cư từ Việt Nam sang Lào sinh sống hơn chục năm, rất liều lĩnh. Đầu tháng 2-2011, tức là 3 tháng sau, các đối tượng bất ngờ tìm lại “đối tác” bằng thái độ rất mong muốn được… phối hợp làm ăn.

Trước cuộc hẹn, Ban chuyên án nắm được thông tin trên xe những kẻ trực tiếp giao dịch có nhiều hung khí và gấp rút bàn bạc để tìm phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng đánh án, tạo bất ngờ, không cho chúng có cơ hội phản kháng. 14h ngày 17-2-2011, khi xe của các đối tượng chở ma túy vừa dừng lại để giao hàng thì trinh sát bất ngờ ập đến quật ngã 4 đối tượng gồm: Thảo Chia, Ca Nin (cùng trú tại bản Lạc Sao, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay), Thảo Khăm (trú tại bản Nang Bu Thoong, huyện Xi Khỏn, Viêng Chăn) và So Ca (trú tại bản Xay Tha Ny, huyện Na Khon Luông, Viêng Chăn) khi chúng mới vừa mở cửa xe. Do quá bất ngờ nên nhóm đối tượng không kịp chống trả. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 30.000 viên ma túy tổng hợp, 1 dao tự chế, 3 mã tấu, 1 ô tô hiệu Hyundai mang biển kiểm soát Lào.

Các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy của Bộ đội biên phòng Quảng Trị

Tóm gọn những kẻ buôn người

Trong câu chuyện của Đại tá Bùi Đức Trung - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng về bé gái 12 tuổi bị chính bà ngoại và mẹ ruột bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ, anh luôn xót xa vì những kẻ buôn người đã sa lưới pháp luật, song nỗi đau bị người thân chà đạp nhân phẩm sẽ rất lâu sau mới có thể nguôi ngoai trong tâm thức cô bé.

Một ngày cuối tháng 10-2023, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh (BĐBP Cao Bằng) khi tiếp nhận công dân Việt Nam do Đại đội Quản lý biên giới Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trao trả đã phát hiện cháu K (SN 2011) không có người lớn đi cùng. Qua xác minh thông tin ban đầu, các chiến sĩ được biết cha mẹ cháu K ly hôn nên cháu ở với bà ngoại. Tháng 8-2023, khi đang nghỉ hè chuẩn bị vào học lớp 8 thì người chị họ tên Lài đưa 2 người đàn ông Trung Quốc (tên Mập và Gồm) đến nhà đặt vấn đề muốn cưới cháu K làm vợ.

Cô bé không đồng ý thì bị bà ngoại dọa nếu không chịu lấy chồng thì bà sẽ tự tử. Ngay cả mẹ cô bé cũng phụ họa: “Bà ngoại mà tự tử thì mẹ cũng chết theo”. Trước áp lực tâm lý ấy, cháu K phải gật đầu đồng ý cuộc hôn nhân cưỡng bức. Ngày 20-8-2023, Lài đưa Mập, Gồm và cháu K ra TP Cao Bằng và hướng dẫn cháu gọi xe taxi cùng 2 người đàn ông Trung Quốc đi vào thị trấn Trùng Khánh để sang Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ. Vì có giấy tờ hợp lệ nên sau 1 tuần, Lài, Mập, Gồm được thả, còn cháu K bị phạt giam đến ngày 26-10 mới được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh.

Từ những thông tin do cháu K cung cấp, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng nhận định đây là vụ mua bán người dưới 16 tuổi qua khu vực biên giới nên báo cáo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) xác lập chuyên án đấu tranh. Ban chuyên án xác định chị họ của cháu K là Nguyễn Thị Lài (SN 1997, trú tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Bà ngoại của cháu K là Trần Thị Lợi (SN 1957, trú tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Khi bị cơ quan chức năng triệu tập, Lài khai nhận từ năm 17 tuổi đã sang Trung Quốc lấy chồng, sinh con và cư trú bất hợp pháp. Quá trình sinh sống, biết nhiều người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam nên Lài nghĩ cách để kiếm tiền từ việc môi giới hôn nhân. Tháng 5-2023, trong lần gặp cháu K tại Cần Thơ, Lài gọi video cho Triệu Thành Long (tức Mập, SN 1994, trú tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) xem mặt. Đến tháng 8-2023, Long nhập cảnh vào Việt Nam rồi xuống nhà cháu K để xem mặt trực tiếp. Tại đây, Long đưa cho Lài 130.900 Nhân dân tệ (tương đương hơn 400 triệu đồng) để lo “chi phí” cho nhà gái và đưa cháu K về nhà mình. Lài đã đưa cho bà Lợi 100 triệu đồng, 1 cây vàng 9999, 1 nhẫn đeo tay, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tay loại vàng 24K và hứa hẹn sau khi cháu K. sang đến Trung Quốc sẽ đưa thêm 50 triệu đồng. Gia đình cháu K cũng viết giấy thỏa thuận đồng ý để cháu K sang Trung Quốc… làm dâu. Do việc mua bán “cô dâu nhí” bất thành nên Long bắt đền, buộc Lài phải quay về Việt Nam tìm “vợ” khác cho mình.

Qua công tác nghiệp vụ, Ban chuyên án nắm được thông tin Long đang lưu trú tại nhà mẹ đẻ của Lài ở Kiên Giang nên ngày 1-11-2023, BĐBP Cao Bằng đã phối hợp với BĐBP Kiên Giang và lực lượng chức năng khám nhà Lài, thu giữ nhiều tang vật, trong đó có 1 tập tài liệu liên quan đến việc kết hôn giữa cháu K và Triệu Thành Long. Sau đó, Ban chuyên án triệu tập, di lý các đối tượng: Nguyễn Thị Lài, Trần Thị Lợi, Triệu Thành Long và Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, mẹ ruột cháu K) về Cao Bằng để điều tra, xác minh. Sau khi củng cố căn cứ xác định hành vi phạm tội, ngày 3-11, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đã bắt Triệu Thành Long và Lê Thị Mỹ Hạnh.

Đại tá Bùi Đức Trung cho biết, đây là chuyên án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng người nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình xác minh nhân thân, lai lịch cũng như hành vi. Bên cạnh đó, các đối tượng có sự bàn bạc, thống nhất, lợi dụng việc môi giới hôn nhân để thực hiện hành vi mua bán người. Tuy nhiên, bằng việc áp dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã phá án thành công, bắt giữ các đối tượng liên quan trong đường dây, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật. Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn chiến công xuất sắc của BĐBP Việt Nam trong hành trình 65 năm bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Từ những năm tháng gian nan tiễu phỉ, chống Fulro trong rừng sâu, các thế hệ BĐBP đã nối tiếp nhau lập nên những chiến công hào hùng, giữ gìn biên cương Tổ quốc, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-niem-65-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-3-3-1959-3-3-2024-va-35-nam-ngay-bien-phong-toan-dan-3-3-1989-3-3-2024-mat-tran-tham-lang-cua-nhung-nguoi-linh-mang-quan-ham-xanh-post568692.antd