Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024):Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Hôm nay (13-5), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024). Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng cũng luôn là một người cộng sản hết mực kiên trung, nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng...

Triển lãm ảnh cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Đào Duy Tùng tại Trường Tiểu học Đào Duy Tùng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) thu hút rất đông người dân tới tham quan.

Triển lãm ảnh cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Đào Duy Tùng tại Trường Tiểu học Đào Duy Tùng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) thu hút rất đông người dân tới tham quan.

Những cống hiến to lớn trong thời kỳ tiền khởi nghĩa

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn nên sớm đón nhận ánh sáng cách mạng của Đảng. Cuối năm 1941, Cổ Loa và các xã của huyện Đông Anh, phía nam huyện Kim Anh, huyện Yên Lãng (tỉnh Phúc Yên cũ) nằm trong an toàn khu chính thức của Trung ương do Đội công tác đặc biệt của Trung ương phụ trách. Cuối năm 1943, đồng chí Lê Đình Thiệp, thành viên Đội công tác của Trung ương được cử về Đông Anh, rồi về Cổ Loa gây dựng các cơ sở cách mạng, phát triển tổ chức cách mạng và phong trào cách mạng. Khi phong trào cách mạng ở Cổ Loa có bước phát triển mạnh, đồng chí Lê Đình Thiệp đã tổ chức cho gần 10 thanh niên cứu quốc ưu tú vào tổ chức Việt Minh. Đồng chí Đào Duy Tùng là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa.

Tháng 5-1945, do yêu cầu mới của phong trào cách mạng, đồng chí Lê Đình Thiệp đã lựa chọn một số cán bộ cơ sở có năng lực để mở lớp bồi dưỡng, đào tạo thành cán bộ thoát ly, trong đó có đồng chí Đào Duy Tùng. Lớp bồi dưỡng được tổ chức trong 7 ngày do đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp giảng dạy. Đầu tháng 8-1945, tổ chức Việt Minh Cổ Loa trên cơ sở lực lượng, phong trào cách mạng của quần chúng và thực trạng lực lượng địch ở địa phương đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở Cổ Loa.

Được sự đồng ý của đồng chí Lê Đình Thiệp và Đội công tác của Trung ương, đúng ngày 17-8-1945, đồng chí Đào Duy Tùng cùng tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng, lấy tên là Ủy ban Cách mạng giải phóng lâm thời. Ngày 21-8-1945, tổ chức Việt Minh ở Cổ Loa đã động viên lực lượng cách mạng của xã tiến về huyện lỵ Đông Anh cùng với lực lượng của một số xã khác, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đội công tác Trung ương và Huyện ủy Đông Anh khởi nghĩa. Các lực lượng tự vệ đã tiến đánh quân phát xít Nhật ở huyện lỵ và giành thắng lợi...

Ngày 3-9-1945, Chi bộ Đảng Cổ Loa được thành lập. Đồng chí Đào Duy Tùng được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Sau đó đồng chí được điều lên làm cán bộ của huyện, được cử đi xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện…

Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được giao

Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường Lý luận Mác - Lênin ở Bắc Kinh, Trung Quốc, từ tháng 5-1955 đến 12-1986, đồng chí Đào Duy Tùng được phân công làm công tác tư tưởng, lý luận tại các cơ quan trung ương với các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1955-1962); Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (1962); Phó Trưởng ban, Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản (1965-1980); Phó Trưởng ban, Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (1965-1980); Viện trưởng Viện Mác - Lênin (1980-1982); Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (1982-1986). Từ 1986-1998 là nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng với cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, khoa giáo (1986-1991); Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư (1991-1996).

Trải qua nhiều vị trí công tác, đồng chí Đào Duy Tùng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mọi trọng trách mà Đảng giao phó. Đồng chí đã có nhiều cống hiến nổi bật. Đó là, góp phần to lớn xây dựng phát triển hệ thống các trường chính trị các cấp từ trung ương đến tỉnh, thành phố và huyện, thị xã; đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, hình thành và hoàn thiện hệ thống sách giáo khoa các bộ môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp và đảng viên trong toàn Đảng.

Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng biên soạn, đồng chí Đào Duy Tùng đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng và hoàn thiện biên soạn bộ giáo trình chuẩn quốc gia các bộ môn khoa học Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, đồng chí Đào Duy Tùng là Chủ tịch đầu tiên Hội đồng xuất bản Mác-Ăngghen toàn tập, tuyển tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Văn kiện Đảng toàn tập.

Trong quá trình công tác ở Trung ương, đồng chí đã dành hầu hết thời gian, trí tuệ và tâm huyết của mình cho các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, phát hiện, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới; đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả, chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng.

Đặc biệt, cuối năm 1970, đồng chí Đào Duy Tùng đã nhiều lần đến Vĩnh Phúc, Hải Phòng để trực tiếp xem xét, lắng nghe tiếng nói của xã viên, cán bộ hợp tác xã, cán bộ huyện, lãnh đạo tỉnh, thành phố, rồi chủ động phối hợp với lãnh đạo Báo Nhân dân, Báo Đại Đoàn kết và các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về khoán sản phẩm ở Hải Phòng, tiến tới tổ chức Hội nghị nông nghiệp toàn quốc ở Hải Phòng.

Đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng, khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động là mô hình quản lý kinh tế tạo được động lực, do mô hình quản lý này đã gắn kết trực tiếp lợi ích với từng người lao động. Đây là một trong những luận cứ khoa học, thực tiễn, góp phần quan trọng để Ban Bí thư Trung ương khóa IV ra Chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 (thường gọi là khoán 100), với cơ chế khoán mới cùng với sự đầu tư của Nhà nước về thủy lợi, phân bón, giống…; nền nông nghiệp nước ta bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, yếu kém kéo dài, có bước phát triển. Trong những năm 1981-1985, sản lượng lương thực cả nước tăng từ 15 triệu tấn năm 1981, lên 18,2 triệu tấn năm 1985 và bình quân lương thực đầu người từ 273kg năm 1981, lên 304kg năm 1985. Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc đã khôi phục được hơn 80.000ha đất bị bỏ hoang hóa.

Cống hiến nổi bật nhất của nhà tư tưởng, lý luận Đào Duy Tùng với trọng trách trong Tổ biên tập Báo cáo chính trị trình Đại hội VI là đóng góp quan trọng vào việc xây dựng 3 quan điểm về kinh tế: Về bố trí cơ cấu kinh tế, về cải tạo xã hội chủ nghĩa và về cơ chế quản lý. Đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ có công cùng tập thể Tổ biên tập đề xuất Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận, mà còn có đóng góp quan trọng vào việc soạn thảo kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị ngày 20-9-1986 về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế. Khi Bộ Chính trị khóa V thông qua kết luận này đã mở ra một bước đột phá cho việc sửa chữa hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội VI thông qua. Đây là mốc son Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế.

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách khối công tác tư tưởng và khoa giáo, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều thời gian và tâm huyết với tinh thần đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và đánh giá đúng sự thật để chỉ đạo, tổ chức các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 5 năm thực hiện khoán 100, 2 năm thực hiện đường lối Đại hội VI và có những đóng góp nổi bật trong việc hình thành dự thảo Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Nghị quyết chỉ rõ, nông nghiệp nước ta phát triển chậm, tỷ suất hàng hóa thấp, nhiều vùng vẫn chưa thoát khỏi tự cấp, tự túc, chia cắt và độc canh, sản xuất lương thực giảm sút, rừng bị phá hoại nghiêm trọng, môi trường sinh thái không được bảo vệ, hủ tục mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển. Nghị quyết cũng đưa ra nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên. Từ sự đánh giá đúng đắn về tình hình và nguyên nhân trên, Nghị quyết số 10-NQ/TƯ đã đề ra đổi mới mạnh mẽ quản lý kinh tế nông nghiệp nhằm đạt cho được các yêu cầu: Thực sự giải phóng sức sản xuất, phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, ngành chuyên môn nông nghiệp; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước hết đối với người trồng lúa, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần tích lũy cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; mở rộng dân chủ, đề cao pháp chế, xây dựng nông thôn mới; đổi mới về tổ chức cán bộ, phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới; làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết số 10-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường gọi là “Khoán 10”) thực sự là một quyết định đổi mới toàn diện và đồng bộ vào khâu trọng yếu của nền kinh tế nông nghiệp, tạo sức mạnh tổng hợp, mô hình quản lý kinh tế mới, trong đó có động lực là giải quyết hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể, người lao động. Nghị quyết “Khoán 10” là khâu đột phá cho sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam.

Trong khóa VI, với trọng trách là Thường trực Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp nổi bật, đó là kiến nghị Bộ Chính trị lựa chọn những nhà lý luận tài năng, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tham gia Tổ biên tập, tổ chức thảo luận dân chủ và kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị thông qua: Tên gọi của Cương lĩnh; bố cục, nội dung chủ yếu của cương lĩnh; phân công các nhóm biên tập phụ trách xây dựng từng nội dung của Cương lĩnh trên cơ sở tổng kết sâu sắc 15 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Dự thảo đầu tiên lên tới gần 200 trang, Thường trực Tiểu ban lại trực tiếp thảo luận với từng thành viên và cuối cùng biên tập, khái quát thành gần 20 trang và đã được Đại hội lần thứ VII của Đảng nhất trí thông qua cương lĩnh lịch sử này.

Ngoài hàng trăm bài báo chính luận đặc sắc, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết viết nhiều tác phẩm lý luận chính trị có tác dụng sâu rộng và lâu dài đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng, lý luận. Đây là lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại những ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc. Chúng tôi những thế hệ đi sau, lớp học trò của đồng chí Đào Duy Tùng đã học tập được rất nhiều điều tốt đẹp từ đồng chí Đào Duy Tùng. Tôi đã đọc những tác phẩm của đồng chí Đào Duy Tùng, như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Một số vấn đề về công tác tư tưởng của chúng ta”… Các tác phẩm lý luận này là kết quả của một quá trình tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là những năm đồng chí làm Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, cùng đi với đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đến nhiều nơi, tổng kết phát hiện nhiều vấn đề. Tôi có thể nói là, đồng chí sống giản dị, nói giản dị, viết giản dị nhưng chứa đựng một hàm lượng trí tuệ cao và ẩn chứa một quan điểm rất sâu sắc, rất tình cảm với dân tộc và đất nước”.

PGS.TS Đào Duy Quát
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-100-nam-ngay-sinh-dong-chi-dao-duy-tung-20-5-1924-20-5-2024-nguoi-cong-san-kien-trung-nha-ly-luan-xuat-sac-cua-dang-666109.html