Kỷ nguyên năng lượng hạt nhân của Đức đã kết thúc?

Cuối tuần trước, Đức đã ngừng hoạt động ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, chấm dứt hơn 6 thập kỷ sử dụng năng lượng hạt nhân thương mại.

3 nhà máy nêu trên lần lượt là Emsland ở Niedersachsen, Isar-2 ở Bavaria và Neckwarestheim-2 ở Baden-Württemberg (Đức). Động thái này xảy ra bất chấp sự ủng hộ của công chúng đối với sản xuất hạt nhân trong những tháng gần đây.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Đức đang đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên điện hạt nhân bất chấp những lo ngại liên tục về an ninh năng lượng, nguồn cung cấp năng lượng sau chiến sự Nga - Ukraine và việc Nga - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngừng cung cấp LNG.

Nhà máy điện hạt nhân Isar 2 bên sông Isar ở Eschenbach gần Landshut, Đức, ngày 17/8. Ảnh: Reuters.

Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc chấm dứt năng lượng hạt nhân ở Đức. Năm 2022, các chính trị gia đã mở lại cuộc tranh luận về việc loại bỏ năng lượng điện hạt nhân - được quyết định sau thảm họa Fukushima năm 2011 - trong khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người Đức phản đối việc sắp đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân còn lại trong bối cảnh lo ngại về hóa đơn năng lượng ngày càng tăng.

Sau vụ thảm họa Fukushima, Đức tuyên bố sẽ loại bỏ dần các lò phản ứng điện hạt nhân vào cuối năm 2022. Chính phủ hiện tại gia hạn thời hạn chỉ hơn ba tháng để đảm bảo cung cấp điện trong mùa đông vừa qua, mùa đầu tiên không có đường ống dẫn khí đốt của Nga.

Tuần trước, một cuộc thăm dò ý kiến của đài truyền hình công cộng ARD cho thấy phần lớn người Đức không tán thành việc loại bỏ điện hạt nhân của chính phủ.

Theo khảo sát, 59% người Đức cho rằng quyết định này là sai lầm, trong khi chỉ hơn 1/3, tương đương 34%, tin rằng việc loại bỏ dần là điều đúng đắn.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người trẻ tuổi có nhiều khả năng tán thành động thái loại bỏ điện hạt nhân hơn. Tổng cộng có 66% người Đức phản đối việc loại bỏ điện hạt nhân do lo ngại về giá năng lượng tăng cao.

Tuần trước, Robert Habeck, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức nói rằng việc loại bỏ hạt nhân là không thể đảo ngược bất chấp sự phản đối việc chấm dứt sản xuất điện hạt nhân.

Một cuộc thăm dò của YouGov cho hãng thông tấn DPA của Đức cho thấy vào tuần trước rằng 65% người Đức ủng hộ việc giữ ba nhà máy điện hạt nhân còn lại hoạt động trong thời điểm hiện tại, nhật báo kinh doanh Handelsblatt đưa tin. Chỉ 26% số người được hỏi ủng hộ việc đóng cửa các nhà máy ngay bây giờ.

Chính phủ đảm bảo với công chúng rằng an ninh năng lượng của Đức không gặp rủi ro sau khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân.

“An ninh năng lượng của Đức đang và tiếp tục được đảm bảo; nó vẫn còn rất cao so với tình hình ở các quốc gia khác trên thế giới,” ông Habeck nói.

Đức đã xây dựng các cảng nhập khẩu LNG mới, thực hiện các bước để tăng cường mạng lưới điện và hiện đưa ra các chính sách để đảm bảo 80% nguồn cung cấp điện đều đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, vị Bộ trưởng tuyên bố.

Đồng thời nhấn mạnh rằng “vào năm 2030, chúng tôi muốn tạo ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo. Chúng tôi hiện đang đưa ra các chính sách cho việc này và điều chỉnh các luật cần thiết”.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, Đức đã xây dựng một số cảng nhập khẩu LNG nổi. Nước này xây dựng kế hoạch nhập khẩu LNG lên tới 70,7 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, điều này sẽ khiến nước này trở thành nước có công suất nhập khẩu LNG lớn thứ tư trên thế giới.

Giám đốc điều hành của công ty tiện ích hàng đầu của Đức, RWE, cho biết vào tháng trước, Đức có thể sẽ sử dụng ít công suất nhập khẩu LNG hơn so với kế hoạch triển khai trong thập kỷ này, nhưng thà an toàn còn hơn đáng tiếc.

“Có thể các kho cảng LNG không được sử dụng hết. Nhưng Đức cần chúng như một phương án dự bị,” Giám đốc điều hành của RWE, Markus Krebber cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí kinh doanh Đức Der Stern và Capital.

Lê Na (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-nguyen-nang-luong-hat-nhan-cua-duc-da-ket-thuc-post244245.html