Kỳ lạ phong tục đốt cháy một ngọn núi

Câu cá trên mặt sông băng, lễ hội đốt cháy ngọn núi, lễ hội của băng và tuyết... là những hoạt động hút khách tham dự vào thời điểm này.

Với nhiều người, niềm vui của mùa đông là những trò chơi thú vị khi tuyết rơi như ném cầu tuyết, trượt tuyết hoặc làm người tuyết.

Nhưng tùy các vùng khí hậu khác nhau, từ hòn đảo Hokkaido nổi tiếng đầy tuyết của Nhật Bản đến các khu rừng nhiệt đới của Malaysia, nhiều nơi trên khắp châu Á mang đến thú vui mùa đông đa dạng hơn cho du khách.

Câu cá trên sông băng (Hàn Quốc)

Mùa đông Hàn Quốc rất thích hợp để trượt tuyết, tắm suối nước nóng, câu cá trên sông băng cùng nhiều lễ hội hấp dẫn.

Lễ hội mùa đông thường niên “Sancheoneo Hwacheon” năm nay được tổ chức từ 6-28/1 tại thị trấn miền núi Hwacheon. Sự kiện nhằm tôn vinh loài cá địa phương được yêu mến, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tới tham dự mỗi năm.

Du khách đổ xô đến suối Hwacheon đóng băng vào tháng 1 hàng năm để bắt cá hồi và tận hưởng cảm giác đặc biệt. Ảnh: Chung Sung-Jun.

Lễ hội nổi tiếng thế giới với điểm nhấn là hoạt động bắt cá hồi. Người tham gia thả dây câu qua các lỗ trên băng và bắt "sancheoneo" - một loài cá hồi chỉ sống ở vùng nước lạnh sạch cấp 1, dưới 20°C.

Ngoài câu cá hồi trên băng, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian, đi xe trượt tuyết... Cá hồi được câu lên sẽ được chế biến ngay tại nhà hàng gần đó để thực khách thưởng thức.

Thaipusam (Malaysia)

Diễn ra vào khoảng gần cuối tháng 1, Thaipusam là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Malaysia, đặc biệt với người dân theo đạo Hindu.

Vào ngày trăng tròn đầu năm, lễ hội này được tổ chức 3 ngày trong động Batu, bang Selangor, nhằm kỷ niệm chiến thắng của Chúa Muruga trước linh hồn ác quỷ. Trong lễ hội, Chúa Muruga được nâng trong một cỗ xe màu bạc, xung quanh là tiếng trống và tiếng hò reo của hàng triệu tín đồ. Họ là người dân tứ phương đổ về mong nhận được phước lành.

Hàng nghìn người bao gồm tín đồ, dân địa phương và du khách tới động Batu vào dịp lễ Thapusam. Ảnh: Hasnoor Hussain.

Đặc biệt, Thaipusam còn nổi tiếng với hình ảnh những tín đồ sùng đạo xiên vật sắc nhọn trên cơ thể nhằm thể hiện đức tin, sự trong sạch, cũng như chứng minh sức mạnh.

Ngoài ra người dân còn mang kavadis ("kavadis" có nghĩa là gánh nặng) lên đầu. Những đồ vật tượng trưng thường là bình sữa hoặc khung gỗ được trang trí bắt mắt và diễu hành đến đền thờ Murugan nhằm thể hiện sự thành kính tuyệt đối.

Lễ hội Wakakusa Yamayaki (Nhật Bản)

Thành phố cổ Nara, từng là thủ đô của Nhật Bản, xua tan giá lạnh mùa đông bằng truyền thống khác thường chính là đốt cháy một ngọn núi địa phương.

Trong lễ hội diễn ra vào ngày thứ bảy, tuần thứ 4 của tháng 1, cỏ trên khắp sườn núi Wakakusayama bị đốt cháy, sau đó là một màn bắn pháo hoa rợp trời. Lễ hội năm nay, dự kiến diễn ra vào ngày 27/1.

Lễ hội có tên Wakakusa Yamayaki nổi tiếng với nghi lễ đốt núi độc đáo. Ảnh: Kyodo News.

Wakakusa cao 350 m, là một ngọn núi lửa đã tắt, nằm ở phía sau công viên Nara, tỉnh Nara, Nhật Bản. Từ đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm nhìn toàn cảnh thành phố Nara.

Wakakusa là địa điểm rất nổi tiếng để đi bộ. Ngọn núi được bao phủ bởi cỏ và dọc theo sườn núi là những cây anh đào thường nở rộ vào khoảng đầu tháng 4. Khi mùa đông đến, cỏ bắt đầu chết và những cây anh đào rụng lá. Ngọn núi trở nên rất trơ trọi. Đây là lúc lễ hội Wakakusa Yamayaki nổi tiếng diễn ra.

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, ngọn lửa có thể cháy tới một giờ đồng hồ. Do lửa cháy khắp một khu vực rộng lớn nên dường như sẽ thắp sáng bầu trời, khiến mọi người ở những vùng xung quanh có thể nhìn thấy nó từ cách đó hàng km.

Để có trải nghiệm cận cảnh, du khách có thể ngắm nhìn từ các điểm quan sát dưới chân núi. Ngoài ra, bạn có thể ngắm cảnh tượng từ một trong những ngôi chùa hoặc tòa nhà lịch sử của thành phố, chẳng hạn như Cung điện Heijo.

Một hàng rào sẽ được thiết lập để ngăn du khách đến quá gần ngọn lửa và hàng trăm lính cứu hỏa luôn sẵn sàng để đề phòng bất kỳ sự cố nào xảy ra trong suốt lễ hội.

Lễ hội tuyết Sapporo (Nhật Bản)

Diễn ra vào mỗi tháng 2, lễ hội tuyết của thành phố Sapporo có nhiều hoạt động như trượt tuyết, trượt ván và các sự kiện thể thao mùa đông. Ngoài ra, du khách có thể tham gia điêu khắc băng và một cuộc thi sắc đẹp để chọn ra nữ hoàng băng giá.

Đây là lễ hội mùa đông nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, diễn ra ở phía bắc Sapporo, thủ phủ của Hokkaido. Ảnh: Japamigo.

Lễ hội có hơn 200 tác phẩm điêu khắc bằng tuyết và băng ngoạn mục xung quanh Công viên Odori. Từ tác phẩm mang nét nghiệp dư cho đến những thiết kế chuyên nghiệp cao chót vót mô tả các linh vật, nhân vật anime, tòa nhà nổi tiếng và các anh hùng quê hương...

Tsudome, trung tâm cộng đồng của Sapporo, có các đường trượt tuyết, đi bè và các hoạt động thân thiện với gia đình. Để tận hưởng và ngắm nhìn toàn cảnh, hãy đến Đài quan sát Tháp Truyền Hình Sapporo. Giá vé vào cửa là 1.000 yen. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 4-11/2.

Lễ hội đốt pháo Hàm Đan (Trung Quốc)

Hàng năm, cộng đồng trên khắp miền Bắc Đài Loan tổ chức lễ kết thúc Tết Nguyên đán truyền thống với khung cảnh ấn tượng và thanh bình của hàng nghìn chiếc đèn lồng được thả lên bầu trời đêm.

Nhưng thành phố phía nam Đài Đông có cách riêng để chào đón dịp này. Lễ hội đốt pháo Hàm Đan ở Đài Đông là một phong tục tôn giáo độc đáo.

Lễ hội đốt pháo Hàm Đan thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh: Mike Kai Chen.

Đài Đông đã phục hồi truyền thống này vào năm 1951 và nhanh chóng trở thành nghi lễ tôn giáo dân gian quan trọng nhất của khu vực.

Điểm khác biệt của lễ hội đốt pháo Hàm Đan ở Đài Đông là người khắc họa nhân vật Hàm Đan sẽ ngồi trên kiệu và để cho pháo bắn vào người. Những chàng trai trẻ này cầm cành cây đa và không mặc gì ngoài quần đùi, họ đội mũ, đeo kính bảo hộ, dùng khăn ướt để che miệng và mũi khỏi khói.

Những người tham gia truyền thống này sử dụng các cây nhang để đốt bó pháo mà họ dùng để ném những người đàn ông đang diễu hành - đóng vai Hàm Đan. Dù bị nhiều vết xước từ pháo nổ, người tham gia đóng nhân vật chính tìm thấy niềm vinh dự trong "nỗi đau" của mình và hy vọng nhận được phước lành từ thử thách.

Khánh Vân

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-la-phong-tuc-dot-chay-mot-ngon-nui-post1452830.html