Ký kết quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội nghị ký quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin.

Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ký quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin. Ảnh: Duy Khiêm

Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ký quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin. Ảnh: Duy Khiêm

Dự hội nghị, về phía Bộ Tư lệnh BĐBP có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP; Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước.

Căn cứ Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; Công văn số 6550/NHNN-TTGSNH ngày 19/9/2022 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Công văn số 235/BQP-BĐBP ngày 31/1/2023 của Bộ Quốc phòng về việc trao đổi, cung cấp thông tin; Quyết định số 5013/QĐ-BQP ngày 29/11/2022 về triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước được giao xây dựng Biên bản ghi nhớ để trao đổi, chia sẻ thông tin; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước giao Cục Phòng, chống rửa tiền và Bộ Tư lệnh BĐBP giao Cục Phòng chống ma túy và tội phạm là đơn vị đầu mối tham mưu, phối hợp xây dựng dự thảo quy chế phối hợp.

Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng gồm 3 chương và 10 điều. Cụ thể, Chương I gồm 3 điều (từ Điều 1 đến Điều 3), quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc phối hợp và bảo mật thông tin. Chương II gồm 5 điều (từ Điều 4 đến Điều 8), quy định về nội dung trao đổi, cung cấp thông tin; hình thức, thời hạn trao đổi cung cấp thông tin; trách nhiệm của các Bên; đầu mối tiếp nhận, đề nghị trao đổi, cung cấp thông tin; thẩm quyền ký văn bản trao đổi, cung cấp thông tin. Chương III gồm 2 điều (Điều 9 và Điều 10), quy định về chế độ giao ban, hội nghị và hiệu lực thi hành.

Để công tác phối hợp giữa hai bên đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, hai đơn vị đã thống nhất một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới như: Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP và Lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thống nhất chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố (44 tỉnh, thành có biên giới; 4 Hải đoàn Biên phòng; các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP) và Chi nhánh Ngân hàng nhà nước các địa phương trao đổi, xây dựng quy chế hoặc kế hoạch phối hợp để triển khai thực hiện ngay từ cơ sở.

Cơ quan đầu mối của hai bên tích cực tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP và Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp theo quy chế. Có thể thiết lập số điện thoại đường dây nóng giữa hai đơn vị đầu mối để đảm bảo phối hợp nhanh chóng, hiệu quả. Định kỳ, đột xuất tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy chế để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Bên và kịp thời, điều chỉnh bổ sung quy chế (nếu có).

Duy Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-ket-quy-che-phoi-hop-giua-bo-tu-lenh-bdbp-va-co-quan-thanh-tra-giam-sat-ngan-hang-post467755.html