Kỳ III: Chuyên gia đánh giá chất lượng kỳ thi Toán gắn mác quốc tế ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam

Theo chuyên gia, hiện có nhiều kỳ thi gắn mác quốc tế, toàn cầu nhưng chất lượng thấp, đề thi thiếu ý tưởng thậm chí sao chép ý tưởng đề từ nhiều cuộc thi khác.

Trước thực trạng, một năm có đến hơn 60 cuộc thi Toán gắn mác quốc tế, trong đó chiếm đông đảo là các cuộc thi do các công ty tư nhân nhập khẩu về, tổ chức thi cử rầm rộ, mang đậm tính chất kinh doanh, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với thầy giáo Trần Phương nguyên Phó Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ phát triển tài năng (Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam), ông là một thành viên ra đề thi và tham gia huấn luyện các đội tuyển đại diện Việt Nam dự các cuộc thi olympic Toán học lớn như (XIMC, IMSO, CFM).

Qua trao đổi, ông cho rằng có nhiều cuộc thi chất lượng thấp, cơ quan quản lý cần siết chặt khâu nhập khẩu các kỳ thi quốc tế và ông cũng khuyên học sinh không nên tham gia quá nhiều và các kỳ thi gắn mác quốc tế.

Thầy Trần Phương - một thành viên ra đề thi và tham gia huấn luyện các đội tuyển đại diện Việt Nam dự các cuộc thi Olympic Toán học lớn như (XIMC, IMSO, CFM) (ảnh TL).

Thi cử nhiều không tốt

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc hiện có gần tới 60 kỳ thi Toán gắn mác quốc tế được tổ chức hàng năm ở Việt Nam?

Thầy Trần Phương: Sau Covid 19, có hiện tượng các công ty giáo dục đã rầm rộ làm “Đại lý phân phối” cho nhiều kỳ thi Toán gắn mác quốc tế có chất lượng thấp gây lãng phí tiền bạc và công sức của nhiều gia đình cùng với đó là thảm họa “vinh danh tài năng”. Đây là điều bất cập bởi 3 lý do chính sau đây:

Thứ nhất là trình độ Toán học của học sinh giỏi Việt Nam thể hiện qua nhiều cuộc thi Toán Quốc Tế có uy tín nhất vào khoảng Top 10 thế giới.

Như, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 4 trong 104 Quốc gia dự thi IMO năm 2022, xếp thứ 6 trong 112 Quốc gia thi IMO 2023. Các đội tuyển Olympic Toán & Khoa học Quốc Tế IMSO hay Olympic Toán học trẻ Quốc Tế XIMC (được Bộ Giáo dục & Đào tạo giao cho Sở Giáo dục & Đào Tạo Hà Nội tổ chức thi chọn đội tuyển đại diện Việt Nam dự thi) luôn xếp Top 3 trên 30 quốc gia.

Đặc biệt đội tuyển Toán IMSO của Việt Nam vô địch thế giới các năm 2016 tại Indonesia, năm 2018 tại Hàng Châu Trung Quốc và năm 2019 khi Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội.

Thứ hai là ngoài kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức cho bậc THPT chúng ta còn có nhiều cuộc thi học sinh giỏi Toán trong nước có uy tín cho các khối lớp như Violympic, VTMO(Titan),VMTC (Viện Toán), Olympic Toán 30/4, HOMC, …

Thứ ba là bên cạnh việc kêu gọi không ngừng nghỉ Bộ Giáo dục & Đào Tạo giảm tải, giảm thi, giảm chấm điểm và bỏ kiểm tra đầu giờ (miễn phí) trong trường phổ thông thì nhiều Trường lại đồng thuận với việc phụ huynh học sinh chịu khó đưa đón, chịu chi nhiều tiền cho con em mình tham gia ôn luyện để mỗi năm dự nhiều cuộc thi Toán gắn mác Quốc Tế có chất lượng chuyên môn thấp do Tư nhân tổ chức.

Những điều trên đây chính là nghịch lý của mô hình kinh doanh thi quốc tế hiện nay.

Theo ông, đâu là nguyên nhân các công ty nhập khẩu ồ ạt các kỳ thi từ nước ngoài về để tổ chức ở Việt Nam. Ông bình luận như thế nào về việc các trường học lôi kéo học sinh mình tham gia vào các kỳ thi kiểu như trên?

Thầy Trần Phương: Các công ty nhập khẩu nhiều kỳ thi vào Việt Nam là đánh trúng vào tâm lý của một số tầng lớp phụ huynh học sinh Việt Nam muốn cho con em mình trưởng thành qua nhiều cuộc thi trong đó có cả tâm lý sính ngoại và bệnh thành tích háo danh nôn nóng “mì ăn liền” giành giải Quốc Tế với những tên rất kêu như kiểu như kỳ thi toán học Thế giới hay toàn cầu…

Việc tổ chức thi cử mang đến lợi nhuận lớn cho các công ty. Với kinh phí thu Online từ 400 ngàn VNĐ đến 700 ngàn VNĐ mỗi thí sinh còn thi đấu Offline ở nước ngoài từ 2000Usd đến 5000Usd sẽ tạo ra tỷ suất siêu lợi nhuận rất lớn.

Bên cạnh kinh phí thi các công ty còn mở các lớp học ôn luyện để chinh phục “giấc mơ vàng” của các thí sinh và gia đình. Trong chuỗi kinh doanh này một số trường sẽ nhận được phí hoa hồng dưới dạng cảm ơn do giới thiệu học sinh.

Việc ăn nên làm ra bằng việc tổ chức thi nên các công ty rất hào hứng trong việc nhập khẩu các kỳ thi và tổ chức thi, ôn luyện, dạy thêm học thêm gắn với các kỳ thi.

Thầy giáo Trần Phương nguyên Phó Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ phát triển tài năng (Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam) (ảnh TL).

Cần siết chặt khâu quản lý

Về chất lượng các kỳ thi này, ông có thể đánh giá được không, ông có thể nói rõ một vài điểm giúp học sinh và phụ huynh hiểu thêm về các kỳ thi kiểu như này không?

Thầy Trần Phương: Theo tôi, một kỳ thi quốc tế cần có đủ các tiêu chí cơ bản như đơn vị tổ chức thi (Ủy Ban Quốc Tế hay do một Tổ chức Tư Nhân), quy mô cuộc thi, tính chất kỳ thi “Miễn phí hay đóng phí”, hội đồng ra đề thi, phương thức chấm thi, cơ cấu giải thưởng, hình thức thi (Online hay Offline), nghi thức tổ chức lễ khai mạc, trao giải và bế mạc kỳ thi… được tổ chứ như thế nào. Qua đó mới có thể đánh giá được chất lượng của kỳ thi.

Hiện có một số kỳ thi uy tín như IMO. Đây là Olympic Toán có uy tín đứng đầu mọi cuộc thi Toán bởi nó hội tụ các thí sinh giỏi Toán nhất hành tinh từ nhiều Quốc gia nhất (năm 2023 là 112 nước) cùng với việc miễn phí là tiêu chí tuyển chọn ra đề thi rất cao.

Hội đồng đề gồm đại diện các quốc gia bỏ phiếu kín bình chọn với tiêu chí nhất quán: “6 bài toán được tuyển chọn phải là các bài sáng tạo mới mẻ không lặp lại ý tưởng bài toán đã xuất hiện ở mọi kỳ thi Toán!”

Với các kỳ thi khác thì nhận diện thế nào.Từ tiêu chuẩn IMO có thể phân ra 3 nhóm .

Nhóm thứ nhất theo định dạng IMO tức là có một Ủy ban Quốc Tế điều hành các khâu theo định dạng thi miễn phí với các tiêu chuẩn như IMO. Tiêu biểu cho định dạng này là Olympic Toán & Khoa học Quốc Tế IMSO và Olympic Toán học trẻ Quốc Tế XIMC. Nhóm thứ 2 do Hội Toán học của Quốc gia có uy tín điều hành với đề thi toán học cộng đồng (từ 25 đến 30 bài) cho nhiều khối lớp như AMC Mỹ, AMC Úc, IKMC Pháp. Nhóm thứ 3 do Tổ chức Tư Nhân (bao gồm cả các trường Đại học) điều hành với đề thi toán học cộng đồng (từ 25 đến 30 bài) cho nhiều khối lớp.

Đề thi trong nhóm thứ nhất gồm các bài toán tinh hoa tuyển chọn từ các Quốc gia nên vượt trội hoàn toàn cả về độ khó và tính sáng tạo so với nhóm 2 và 3. Đặc biệt trong đề IMSO có phần thi “Khám Phá” gồm 6 bài toán sáng tạo có tính chất “Game Toán học” với độ khó rất cao nên sau 19 lần tổ chức IMSO chưa có bất kỳ thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 100/100 (trong khi Olympic Toán Quốc Tế IMO có hơn 230 thí sinh đạt điểm tuyệt đối)

Nhóm 2 và nhóm 3 có chung Format đề thi nhưng nhóm 2 có thương hiệu và chất lượng đề thi tốt hơn nhóm 3 trừ kỳ thi APMOPS trong nhóm 3.

Về cơ bản thì học sinh nên tham gia các cuộc thi ở 2 loại thứ nhất và thứ 2. Riêng học sinh khối 6 có năng khiếu và “đam mê Toán học” có thể tham gia thêm cuộc thi Olympic Toán Châu Á Thái Bình Dương APMOPS tốt nhất trong nhóm thứ 3.

Các Tài năng Ngô Quý Đăng ,Trần Xuân Bách trước khi được HCV IMO và HCV IOI danh giá đều là 2 học sinh được HCV Top đầu các kỳ thi APMOPS, IMSO, XIMC, IKMC, AMC Mỹ. Ngoài ra các học sinh khối 11, 12 có thể lựa chọn 1 kỳ thi trong nhóm 3 nếu như có tiêu chí thành tích tốt được xét học bổng khi du học.

Tóm lại mỗi năm học sinh Việt Nam không nên chọn quá 5 cuộc thi Toán có Thương hiệu uy tín nhất để thử thách.

Theo ông, cơ quan quản lý cần làm gì để quản lý các kỳ thi trên? Để xảy ra tình trạng loạn kỳ thi Toán học gắn mác quốc tế trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý sẽ như thế nào?

Thầy Trần Phương: Trước hết nên định nghĩa rõ ràng nhập khẩu và tổ chức kinh doanh thu phí công khai các kỳ thi trong giáo dục cũng giống như ngành y tế nhập thuốc và bán thuốc.

Vì vậy cần phải có khảo thí kiểm định chất lượng các kỳ thi. Nhưng khác với nhập thuốc có thể không hạn chế số lượng các loại “thuốc tốt” thì cần phải kiểm định sâu hơn các kỳ thi Quốc Tế có thu phí, đặc biệt là các kỳ thi Online nhằm hạn chế bớt các kỳ thi có nội dung không mới thậm chí là các đề thi có nhiều nội dung Copy xào nấu.

Đây cũng là biện pháp đồng bộ với chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào Tạo: “giảm tải, giảm thi, giảm chấm điểm cho học sinh phổ thông”.

Xin cảm ơn ông!

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-iii-chuyen-gia-danh-gia-chat-luong-ky-thi-toan-gan-mac-quoc-te-o-at-nhap-khau-ve-viet-nam-post269966.html