Kỳ II: Siết chặt đầu vào

Để tồn tại, phát triển và trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, Đảng luôn coi trọng công tác phát triển, kết nạp đảng viên mới, tạo dựng thế hệ kế cận, giúp tăng sức chiến đấu, trẻ hóa đội ngũ. Sức mạnh của tổ chức Đảng trước hết là do chất lượng các đảng viên quyết định. Do đó, người vào Đảng phải là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảng viên. Thực tế đã chứng minh, tổ chức cơ sở Đảng nào càng chú trọng chất lượng, càng siết chặt, nâng cao tiêu chuẩn đầu vào thì càng hạn chế tình trạng đảng viên suy thoái, biến chất, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng từ đó cũng được nâng cao…

“Thanh lọc” để vững mạnh

Chùa Trò (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) - nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ Nhất (tháng 1/1947).

Bài học từ lịch sử

Được thành lập vào tháng 3/1940, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ghi dấu ấn sâu đậm, thể hiện vai trò to lớn trong việc tập hợp lực lượng, lãnh đạo quân và dân Đất Tổ đứng lên giành chính quyền, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến trong Cách mạng tháng Tám và tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc; tập trung sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong hơn tám thập niên xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ tỉnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có bài học đắt giá về việc chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng đảng viên mới kết nạp.

Thời điểm đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Ngay sau khi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ Nhất Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, do yêu cầu của phong trào cách mạng, Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển Đảng. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy đã đề ra phương hướng xây dựng Đảng của tỉnh lúc này là: Tích cực củng cố và phát triển Đảng, làm cho Đảng mang tính chất quần chúng mạnh mẽ, có cơ sở vững chắc ở các địa bàn quan trọng; phát triển phải đi đôi với củng cố, tích cực xây dựng chi bộ làm cho các chi bộ có đủ khả năng lãnh đạo mọi mặt hoạt động ở địa phương. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị mở rộng về “phát triển Đảng tăng gấp đôi”, kết hợp đợt “kết nạp đảng viên lớp tháng Tám” do Ban Bí thư Trung ương phát động nhân kỷ niệm hai năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/1947), nhiều quần chúng đã được lựa chọn dự lớp bồi dưỡng lý luận của tỉnh và kết nạp vào Đảng. Do đó, đến cuối năm 1947, toàn tỉnh đã có tới 1.222 đảng viên. Cuối năm sau, số đảng viên của tỉnh đã tăng lên 5.493 đồng chí, gấp sáu lần thời điểm tháng 7/1947...

Đảng viên tăng nhanh cũng đồng nghĩa với các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò trong lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Tuy nhiên, do chạy theo số lượng, thành tích, thời gian này công tác phát triển Đảng của tỉnh đã mắc một số tồn tại, khuyết điểm đã được Trung ương chỉ ra trong Hội nghị cán bộ lần thứ Năm (tháng 8/1948): “...Ở Bắc Bộ, một số địa phương còn mắc bệnh phát triển bừa bãi, nên hàng ngũ Đảng ở những nơi này còn lỏng lẻo, chi bộ hết sức non, có nhiều đồng chí kém tinh thần, kém ý thức...”; “...Ở Phú Thọ, số đồng chí dự bị gấp ba số đồng chí chính thức hồi đầu năm...”.

Khắc phục tình trạng trên, Tỉnh ủy chỉ đạo việc kết nạp đảng viên mới đều phải qua lớp bồi dưỡng và đưa phong trào học tập ở chi bộ đi vào nền nếp. Qua giáo dục, rèn luyện, hầu hết cán bộ, đảng viên đã trưởng thành lên một bước, nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, thực sự gắn bó mật thiết với phong trào và luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ, làm gương cho quần chúng noi theo. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên học tập và làm theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ đó, những khuyết điểm như cục bộ địa phương, quan liêu, mệnh lệnh, chấp hành kỷ luật không nghiêm... được phê phán nghiêm khắc. Những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng bị xử lý kịp thời.

Sau hơn tám thập niên, dẫu điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị có nhiều thay đổi nhưng bài học đắt giá của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ những năm đầu thành lập vẫn vẹn nguyên giá trị, nhắc nhớ các thế hệ kế cận luôn chú trọng mối quan hệ “lượng-chất”, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên.

Chi bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tổ chức Lễ kết nạp đảng viên cho sáu quần chúng ưu tú trong tháng 8 năm 2022. Ảnh: Ninh Giang

Cân bằng “lượng- chất”!

Mấy hôm nay, đồng chí Đặng Văn Trọng- Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Dáy (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) vui mừng ra mặt. Sau bốn năm công tác phát triển đảng viên vẫn dậm chân tại chỗ thì năm nay Chi bộ đã có nguồn, bồi dưỡng, hoàn tất thủ tục kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Đặng Văn Thắng, sinh năm 1995, là bộ đội xuất ngũ, hiện đang làm Phó Bí thư Chi đoàn. Chẳng riêng gì Bí thư Trọng mà cả Chi bộ khu Dáy, Đảng bộ xã Thu Cúc đều có chung niềm vui, phấn khởi khi kết nạp thêm được một đảng viên mới. Đồng chí Hà Văn Mơ- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thu Cúc chia sẻ: “Công tác phát triển đảng viên mới gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với chi bộ nông thôn. Thanh niên tuy nhiều nhưng phần đi làm ăn xa, phần không đáp ứng tiêu chuẩn nên chỉ có thể tạo nguồn từ bộ đội xuất ngũ, thanh niên giữ các chức danh hội, đoàn thể ở khu dân cư, nhưng số lượng này cũng rất hạn chế. Sau bốn năm, Chi bộ khu Dáy mới kết nạp được một đảng viên mới. Trên địa bàn xã hiện còn Chi bộ Đồng Tô đã năm năm liên tục chưa kết nạp được đảng viên mới…”. Không riêng xã Thu Cúc, việc khó khăn trong phát triển đảng viên mới là thực trạng chung của nhiều chi bộ nông thôn. Trên địa bàn huyện Tân Sơn hiện còn 12 chi bộ của năm xã đã từ năm năm trở lên không kết nạp được đảng viên mới. Bài toán cân bằng “lượng-chất” đang đòi hỏi các tổ chức cơ sở Đảng lời giải phù hợp, hữu hiệu.

Nhất quán quan điểm tập trung phát triển đảng viên trên cơ sở chú trọng chất lượng, ngày 15/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên”. Sau hơn năm năm triển khai thực hiện, nhìn chung, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đảng viên, đoàn viên về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên được nâng lên; công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên được chú trọng và thực hiện có hiệu quả: 8/10 chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Toàn tỉnh đã kết nạp được hơn 12.595 đảng viên mới; trong đó, trình độ đại học trở lên đạt 63,41%; 65,89% là đoàn viên thanh niên; 59,23% là đảng viên nữ; 16,20% đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh có 87,56% cơ sở Đảng và 74,8% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có nguồn kết nạp được đảng viên mới; duy trì 100% khu dân cư có chi bộ độc lập. Công tác quản lý đảng viên đảm bảo chặt chẽ hơn, đa số đảng viên được phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường; hầu hết đảng viên mới kết nạp đã phát huy, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đảng viên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng…

Rõ ràng, dẫu có khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, nhất quán chủ trương với các giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện thực tế, công tác phát triển đảng viên vẫn đạt được những kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Sức mạnh của tổ chức Đảng cũng ngày càng được nâng cao.

Kỳ III: Chủ trương nhất quán, tư duy sáng tạo

Tin liên quan:

“Thanh lọc” để vững mạnh

Sinh thời, trong tác phẩm Đường cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Đảng Cộng sản Việt Nam là một cơ thể sống chứ không phải thần thánh, không phải tự nhiên có mà do chính nhân dân và tổ chức xây dựng nên. Đã là một cơ thể sống thì phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thu hút những tinh hoa cho lực lượng và sức sống của Đảng. Và thải loại những cái không còn xứng đáng.

Cao Khôi

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/ky-ii-siet-chat-dau-vao/187031.htm