Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII Chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Chiều 8-12, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII tiến hành phiên chất vấn - trả lời chất vấn với nhiều vấn đề được cử tri quan tâm.

Chung cư cũ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Theo ông Trần Ngọc Sanh - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có 49 nhà chung cư, khu tập thể, trong đó có nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng không có kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng cháy. Ông Sanh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết về các giải pháp khắc phục tình trạng mất an toàn về PCCC tại các chung cư cũ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “An toàn PCCC tại các chung cư cũ đang là vấn đề thời sự, nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, nhất là những người dân sống trong các chung cư cũ không đảm bảo an toàn PCCC”. Trong số 49 chung cư, khu tập thể trên địa bàn Nha Trang có 3 chung cư xây dựng từ năm 1994 trở về trước, trong đó 2 chung cư đã hết niên hạn sử dụng là chung cư A, B Nguyễn Thái Học và Khu tập thể Viện Hải dương học; 16 chung cư không có phí bảo trì. Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đang lập 18 đồ án quy hoạch phân khu và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ rà soát, điều chỉnh mở rộng quy hoạch phân khu theo định hướng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP. Nha Trang cập nhật, đưa nội dung nghiên cứu đánh giá lập quy hoạch tại các khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại.

Chung cư Ngô Gia Tự (TP. Nha Trang) đã được xây dựng từ năm 1994. Ảnh Thiện Tâm

Chung cư Ngô Gia Tự (TP. Nha Trang) đã được xây dựng từ năm 1994. Ảnh Thiện Tâm

Phần lớn chung cư cũ đã hoạt động từ lâu, bị hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn về PCCC nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn, không có kinh phí để thực hiện. Nếu ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với các chung cư do mất an toàn PCCC sẽ gây ra bức xúc, phản ứng của người dân. “UBND tỉnh sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm các tranh chấp về 2% phí bảo trì nhà chung cư để đảm bảo nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC; UBND TP. Nha Trang làm việc với các chủ đầu tư, cư dân và cơ quan có liên quan để kiện toàn, thành lập ban quản trị hoạt động thực sự hiệu quả theo quy định. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài chính rà soát, đánh giá và cân đối ngân sách để hỗ trợ các bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc khói, khí độc và thang dây cho các chung cư, nhà tập thể cũ có hệ thống PCCC không đảm bảo trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá và cân đối ngân sách để có phương án cải tạo, sửa chữa, thay thế các hệ thống PCCC tại các chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, tới đây, HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước về chung cư và căn hộ cao cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện về công tác quản lý nhà nước về chung cư cũ trên địa bàn TP. Nha Trang; từ đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Gặp khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các khu đô thị

Chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam, ông Bùi Thanh Bình - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề: Thời gian qua, người dân sống tại các dự án khu đô thị (KĐT) trên địa bàn Nha Trang đã có nhiều kiến nghị về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã xây dựng nhà ở và hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Theo ông Trần Hòa Nam, các chủ đầu tư rất muốn hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước để người dân sống tại các KĐT: Lê Hồng Phong I, Lê Hồng Phong II, VCN Phước Hải, VCN Phước Long II… được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 4 KĐT nêu trên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất. Việc chậm xác định giá đất do nhiều nguyên nhân, như: Việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất gặp vướng mắc kéo dài, thu thập thông tin về giá giao dịch thực tế của bất động sản trên thị trường gặp khó khăn, phương pháp xác định giá đất vẫn còn hạn chế, chưa có dữ liệu về giá đất thị trường để thuận lợi cho thực hiện xác định giá đất; việc tổ chức thực hiện định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, kéo dài, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện phương án giá đất để trình Hội đồng thẩm định giá đất các dự án KĐT Lê Hồng Phong I và Lê Hồng Phong II; sau đó trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt giá đất để có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu đô thị. UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn trong xác định giá đất đối với các khu đô thị để phê duyệt giá đất theo đúng quy định.

Ông Trần Mạnh Dũng đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương xác định giá đất đối với các KĐT để trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất đúng quy định để có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các KĐT trên địa bàn Nha Trang và toàn tỉnh trong năm 2024.

Nhiều công trình cấp nước ở miền núi kém hiệu quả

Bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị ông Trần Hòa Nam cho biết giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu của người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi.

Ông Trần Hòa Nam cho biết, những năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, với tổng cộng 106 công trình nước sạch nông thôn tập trung, riêng vùng ĐBDTTS và miền núi có 37 công trình phục vụ cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, hoạt động, các công trình đã không thể duy trì hiệu quả khai thác, trong đó có 6/37 công trình ngừng hoạt động, 21/37 công trình hoạt động kém hiệu quả. Việc quản lý, khai thác các công trình nước sạch này đang phát sinh một số tồn tại, như: Giá tiêu thụ nước sạch tại các khu vực này rất thấp so với mức giá ở các khu vực khác nên thu không đủ bù chi, trong khi chưa có cơ chế, chính sách bù giá, trợ giá nước sinh hoạt cho người dân các khu vực khó khăn; nhiều công trình được đầu tư từ lâu nên công nghệ, thiết bị lạc hậu gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và làm thất thoát nước rất lớn (có nơi gần 40%); nhiều công trình sớm bị hỏng, xuống cấp do không được duy tu, bảo trì, sửa chữa hàng năm…

Để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý vận hành cấp nước cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng ĐBDTTS, ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần phải có chính sách kêu gọi thêm nguồn lực từ doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch ở nông thôn, khu vực có điều kiện khó khăn, với công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng nước phục vụ người dân. Đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã và đang được đầu tư các công trình hồ chứa nước nên sẽ đảm bảo được nguồn nước cấp cho các công trình cấp nước sạch ở các địa phương này, thay vì sử dụng nguồn nước từ sông, suối như thời gian qua. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát công tác quản lý, vận hành, đánh giá cụ thể nguyên nhân của các công trình cấp nước kém hiệu quả để khắc phục; UBND cấp huyện cần chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao trách nhiệm quản lý các công trình cấp nước được giao…”.

Ông Nguyễn Tấn Tuân nhận định, thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân miền núi, nhất là ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành không hiệu quả, thậm chí làm thất thoát tài sản, thất thoát nước… Trong thời gian tới, cần phải thành lập các ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thì mới có thể khai thác hiệu quả các công trình sau đầu tư.

Giao khoán bảo vệ rừng đạt thấp

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguyên nhân dẫn đến việc giao khoán bảo vệ rừng cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 đạt tỷ lệ thấp và giải pháp để thực hiện hiệu quả việc giao khoán bảo vệ rừng cho người dân?

Ông Nguyễn Duy Quang thông tin, đến nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã tiếp nhận 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 9.481ha; UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hồ sơ giao khoán gần 1.711ha, diện tích chưa được phê duyệt hồ sơ giao khoán 7.770ha thuộc lâm phận các đơn vị chủ rừng nhà nước, trong đó có 2.700ha do UBND xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) quản lý không có hộ dân đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng.

Tình trạng giao khoán bảo vệ rừng đạt thấp chủ yếu do văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, còn vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý manh mún, phân tán, người dân khó tổ chức thực hiện bảo vệ; mức hỗ trợ bảo vệ rừng thấp, chỉ 400.000 đồng/ha/năm; hạn mức giao khoán thấp, chỉ 30ha/hộ, trong khi trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng cao nên người dân không mặn mà tham gia. Trong khi đó, điều kiện hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung khó áp dụng đối với hộ ĐBDTTS; việc phối hợp triển khai chính sách đến người dân được hưởng lợi chưa sâu sát nên các hộ dân chưa hiểu hết nội dung, cơ chế, chính sách hỗ trợ để yên tâm nhận khoán bảo vệ rừng. “Để công tác giao khoán bảo vệ rừng đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả giao khoán bảo vệ rừng của các đơn vị, địa phương, tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ giao khoán để sở thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ triển khai. Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định phối hợp, phân định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân”, ông Quang nói.

HẢI LĂNG (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202312/ky-hop-thu-12-hdnd-tinh-khanh-hoa-khoa-vii-chat-van-nhieu-van-de-cu-tri-quan-tam-00649df/