Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XVI: Các ý kiến chất vấn được giải đáp thuyết phục

Chiều 7/12, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành phiên chất vấn với 4 ý kiến được đề nghị giải trình, làm rõ trực tiếp tại kỳ họp.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ý kiến đã được trả lời

Đại biểu Giàng A Sàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa đặt câu hỏi chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Giàng A Sàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Du lịch tỉnh: Vì sao đến nay chưa thực hiện việc kè rọ đá chống sạt lở mương thủy lợi và ruộng của 2 hộ dân do thi công móng cầu Sa Pả 1, Dự án đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang do Ban Quản lý dự án Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (trước đây) làm chủ đầu tư?

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu.

Trả lời câu hỏi, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết, thực hiện biên bản làm việc giữa các bên, tháng 12/2021, doanh nghiệp thi công dự án đã hỗ trợ và tập kết 6 rọ đá hộc nhưng do hộ dân không tự thực hiện.

Về việc 50 m2 ruộng của hộ ông Giàng A Phò ở phường Hàm Rồng bị sạt lở, Giám đốc Sở Du lịch cho biết đã trả lời tại văn bản vào tháng 6/2022, trong đó có nêu rõ, sau khi hoàn thành thi công cầu Sa Pả 1, đơn vị thi công đã đắp để trả lại phần diện tích đất ruộng bị xói lở. Tuy nhiên, do mưa lũ tiếp tục gây sạt lở phía hạ lưu, ngoài phạm vi ảnh hưởng của công trình cầu Sa Pả 1. Cầu hoàn thành năm 2019 nhưng đến năm 2021 mới xảy ra sạt lở.

Tự thừa nhận có nguyên nhân chủ quan

Đại biểu Lý Thanh Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên đặt câu hỏi chất vấn.

Đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên, ông Lý Thanh Sơn nêu: Dự án xây dựng cầu Bến Cóc đã 2 lần gia hạn hoàn thành, hạn gần nhất là 31/12/2022 nhưng đến nay mới xong 3/5 nhịp cầu, trụ cầu T3 giữa dòng cũng đang thi công. Vậy tiến độ có đảm bảo theo thời hạn mới nhất của UBND tỉnh không?

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho biết, công trình cầu Bến Cóc vượt sông Chảy được UBND tỉnh phê duyệt dự án vào tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư là 55 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành 2 mố, hoàn thành 3 trong tổng số 4 trụ và đúc xong toàn bộ dầm cầu với khối lượng hoàn thành đạt 75% giá trị công trình.

Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng nêu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tiếp đó là giá nguyên - vật liệu tăng cao đột biến. “Khi ký hợp đồng giá thép chỉ 11.000 đồng/kg nhưng khi thi công đã tăng gần 20.000 đồng/kg nên nhà thầu làm cầm chừng, chờ giá vật liệu hạ”, ông Nguyễn Quốc Huy lý giải.

Thêm nguyên nhân khác là khi Thủy điện Phúc Long đi vào hoạt động với tần suất xả nước 2 lần/ngày đã ảnh hưởng đến hoạt động thi công. Một nguyên nhân kỹ thuật khác là có sự sai lệch về địa chất tại trụ T3 giữa kết quả khoan thăm dò và thực tế buộc phải thay đổi thiết kế và biện pháp thi công trụ chủ lực này.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Ông Nguyễn Quốc Huy cũng thừa nhận có yếu tố chủ quan, trong đó Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chưa sát sao trong chỉ đạo, điều hành và quản lý tiến độ công trình. Đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Lào Cai còn chậm trễ trong đôn đốc các nhà thầu, lúng túng quá trình xử lý khi phải điều chỉnh biện pháp thi công. Phía nhà thầu chưa tập trung thiết bị, nhân lực để triển khai thi công; việc giải phóng mặt bằng dự án còn có vướng mắc, khó khăn.

Với những lý do nêu trên, ông Nguyễn Quốc Huy nêu dự kiến thời hạn hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng trước ngày 28/2/2023.

Sự chậm trễ là do UBND huyện

Đại biểu Hoàng Thị Hằng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Thị Hằng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Thị Hằng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn nêu ý kiến, Nhân dân các xã Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Khánh Yên Hạ nhiều năm qua canh tác chồng chéo trên đất của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn (Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn), cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp ý kiến của đại biểu.

Ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp ý kiến của đại biểu.

Trả lời ý kiến của đại biểu, ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp: Ngày 14/9/2015, UBND tỉnh có Quyết định số 3057/QĐ-UBND về Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận cho 3 công ty lâm nghiệp, trong đó có Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc rà soát ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất cho Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn, trong đó xác định cụ thể diện tích Công ty giữ lại sử dụng, diện tích đề nghị bàn giao về cho địa phương, lập phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đến nay, UBND huyện Văn Bàn chưa xây dựng được phương án sử dụng đất đối với diện tích Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn đề nghị bàn giao cho địa phương quản lý. Phần diện tích này chưa được đo vẽ lập bản đồ địa chính nên chưa có căn cứ trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất đối với diện tích này làm cơ sở lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Phân biệt rõ thứ hạng quân nhân dự bị

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai phát biểu ý kiến.

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai phát biểu ý kiến.

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai đề nghị mức chi trả trợ cấp cho quân nhân dự bị trong những ngày tập trung huấn luyện là 240.000 đồng/ngày theo quy định tại Nghị định 79/2020/NĐ-CP, thay vì mức 75.500 đồng/ngày như hiện tại theo quy định Nghị định số 14/2016/NĐ-CP.

Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu.

Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu.

Trả lời ý kiến, Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với đối tượng tập trung huấn luyện binh sĩ dự bị hạng 2 thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 24, Luật Nghĩa vụ quân sự.

Theo Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với đối tượng huấn luyện là quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

Theo Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 21/10/2020 và Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 29/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên lực lượng dự bị động viên năm 2021, năm 2022, các đối tượng này là binh sĩ dự bị hạng 2 chưa được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên, sau khi huấn luyện xong (được ban chỉ huy quân sự cấp huyện cấp giấy chứng nhận thành binh sĩ dự bị hạng 1) mới sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên.

Do vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Tài chính tham mưu việc chi trả trợ cấp cho gia đình binh sĩ dự bị hạng 2 mức 75.500 đồng/ngày (những người không hưởng lương từ ngân sách) trong thời gian huấn luyện tạo nguồn dự bị hạng 1 theo Nghị định số 14/2016/NĐ-CP là có cơ sở.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362842-ky-hop-thu-10-hdnd-tinh-khoa-xvi-cac-y-kien-chat-van-duoc-giai-dap-thuyet-phuc