KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NĂM: LẬP PHÁP BÁM SÁT ĐỜI SỐNG, SẴN SÀNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN ĐẶT RA

Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Các nội dung được thông qua tại Kỳ họp không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Điều đó thể hiện công tác lập pháp của Quốc hội luôn năng động, tích cực, bám sát đời sống, sẵn sàng giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Đánh giá về kỳ họp, các đại biểu Quốc hội nhận định, Kỳ họp đã diễn ra trên tinh thần khẩn trương, thống nhất, quyết tâm cao, hoàn thành chương trình đề ra, thông qua các nội dung quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội nói chung và tới người dân nói riêng.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Chia sẻ bên hành lang nghị trường, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, các nội dung thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này đều là những nội dung rất quan trọng, phục vụ trực tiếp, tác động trực tiếp tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là những dự án luật rất quan trọng, đã được các cơ quan hữu quan dành nhiều thời gian chuẩn bị. Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua hai dự án luật này từ Kỳ họp thứ 6 sang Kỳ họp bất thường lần này. Kỳ họp bất thường là một mở đầu tốt đẹp cho công tác lập pháp của Quốc hội trong năm 2024.

Chia sẻ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, đây dự án luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến mọi mặt, đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng qua 3 kỳ họp, lấy ý kiến toàn dân với 12 triệu ý kiến và được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 khi đã đủ "chín".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Quan tâm tới nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp ở khoản 9 điều 60, đại biểu đồng tình nguyên tắc, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc chung của pháp luật về quy hoạch, kế thừa quy định hiện hành, những nội dung được đúc kết qua giám sát chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch tại Nghị quyết số 61/2022/QH15. Quy định theo hướng này bảo đảm được sự đồng bộ thống nhất, ổn định của hệ thống quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về quản lý chặt chẽ đối với đất đai. Các quy hoạch cấp trên sẽ phải sớm hoàn thành để làm căn cứ cho quy hoạch cấp dưới được phê duyệt, tránh chậm trễ như thời gian qua.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) còn có các nội dung đáng chú ý về cấp giấy chứng nhận cho gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (khoản 3 Điều 138); tiền thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 153); hoạt động lấn biển (Điều 190).

Trả lời phỏng vấn bên lề phiên bế mạc, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, đây là một kỳ họp bất thường, nhưng lại giải quyết các nội dung công việc của kỳ họp thường kỳ, rất quan trọng và cấp bách. Các luật, Nghị quyết cần được thông qua sớm để giải quyết những thúc bách, những yêu cầu của cuộc sống. Quốc hội đã thể hiện tinh thần năng động, tổ chức kỳ họp bất thường đáp ứng ngay yêu cầu cuộc sống, để đưa công tác lập pháp bám sát thực tiễn, sẵn sàng giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đánh giá về hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hầu như các vấn đề các đại biểu còn băn khoăn đều đã được giải đáp. Các ý kiến thảo luận tại Kỳ họp đã tương đối nhất trí, không còn vấn đề bỏ ngỏ, hầu như các đại biểu đều đã được phát biểu trọn vẹn ý kiến của mình. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng rất đầy đủ và thỏa đáng. Điều đó cho thấy, công tác xây dựng pháp luật đã được triển khai rất tích cực, toàn diện, đồng thời đảm bảo tính kịp thời. Đại biểu tin tưởng, hai dự án luật này được thông qua sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển, khai thông các nguồn lực đất đai, tạo sự phát triển bền vững cho hệ thống tài chính, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Cho ý kiến về ý nghĩa của Kỳ họp bất thường lần thứ năm, đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, đây là Kỳ họp quan trọng, trước hết là bởi Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), một luật có tác động sâu sắc tới phát triển kinh tế, xã hội. Đại biểu cũng cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 không còn nhiều thời gian để thực hiện, cần tháo gỡ kịp thời về cơ chế chính sách để giải quyết ách tắc, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia này, đảm bảo đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tế.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84201