Ký họa kháng chiến miền Nam: Hồi ức 'thời hoa lửa'

70 ký họa kháng chiến miền Nam nhuộm màu thời gian được chọn mang ra miền Bắc sau 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang làm sống dậy ký ức hào hùng 'thời hoa lửa' của quân và dân Nam bộ…

Sống dậy ký ức “thời hoa lửa”

Những bức ký họa màu sắc phai nhạt, rách góc, có ký họa dùng giấy vẽ là tờ áp phích, tờ báo, chất liệu được sử dụng là màu nước, bột màu, bút sắt, chì… thấm đẫm hình ảnh quân và dân Nam Bộ kiên cường, bất khuất chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến, như ký họa “Bám giặc” (Trương Hồng Thanh), “Những đôi vai”, (Nhất Tâm), “Hoa xuân trên cáng thương” (Huỳnh Phương Đông), Truy kích địch trên lộ 4 (Nhất Tâm), “Xây hầm tránh pháo” ( Thái Hà), “Ngoan cường chiến đấu” (Cổ Tấn Long Châu), “Sẵn sàng khi địch đến” (Phạm Quyết Chiến), “Vượt sông đêm” (Huỳnh Phương Đông), “Bộ đội hành quân” (Nguyên Đào).

Đặc biệt lay động cảm xúc người xem đó là giữa khói lửa chiến tranh khốc liệt vẫn đầy ắp những hình ảnh bình dị về người lính quây quần đọc thư nhà, cắt tóc cho trẻ em trên đường vào Nam, đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ trong ký họa: “Nghỉ đêm trong làng rừng” (Thái Hà), “Trên đường vào nam cắt tóc” (Lê Lam) - “Đọc thư nhà” (Nhất Tâm)…

Ký họa "Hoa xuân trên cáng thương", tác giả Huỳnh Phương Đông

Ký họa "Hoa xuân trên cáng thương", tác giả Huỳnh Phương Đông

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, 70 ký họa kháng chiến miền Nam trưng bày, giới thiệu tại Hà Nội lần này được chọn từ 4.000 ký họa trong bộ sưu tập ký họa kháng chiến của Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Các ký họa là những sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 của nhiều họa sỹ kháng chiến như: Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu… Trong đó có những họa sĩ và nhân vật trong tác phẩm ký họa đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước, như họa sĩ - liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng, liệt sĩ Võ Thị Tuyết, Phan Văn Sáu, Nguyễn Thị Hòa, Võ Văn Bé và Lê Văn Công.

Được gặp lại những nét vẽ quen thuộc của những họa sĩ, chiến sĩ đã có nhiều năm tháng lăn lộn trên chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ Thuật Việt Nam – họa sỹ Lương Xuân Đoàn không khỏi xúc động. Ông chia sẻ, đây chính là trang sử ký bằng tranh đẹp đẽ nhất mà hôm nay chúng ta có dịp gặp lại. Và là món quà vô cùng ý nghĩa, gợi dậy những tình cảm, niềm xúc động mạnh mẽ nhất là khi chúng ta kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Ký họa "Xây hầm tránh pháo", tác giả Thái Hà

Ký họa "Xây hầm tránh pháo", tác giả Thái Hà

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhớ lại, năm 1966, đợt tranh ký họa đầu tiên từ chiến trường miền Nam đã được gửi ra miền Bắc để trưng bày tại hội trường Hội Văn nghệ Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Lúc đó, Bác Hồ là người đến xem ký họa đầu tiên và Bác đã rất xúc động, ngắm nhìn rất lâu từng bức ký họa mà Bác biết rằng, để có những khoảnh khắc vô giá về kháng chiến trong từng bức ký họa người nghệ sỹ đã trở thành chiến sỹ. “Không ít họa sỹ đã ngã xuống chiến trường khi trong ba lô của họ cặp vẽ, nét bút vội vàng trên đường hành quân, trong chiến đấu… vẫn còn nguyên”- họa sỹ Lương Xuân Đoàn kể.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, những tác giả của các ký họa lịch sử đó nay người còn người mất, thế nhưng mãi mãi những nét vẽ thân thuộc ấy của họ vẫn được lưu giữ trong từng bức ký họa vô giá của lịch sử mỹ thuật dân tộc. Để hôm nay, chúng ta vẫn không thể quên những đóng góp quan trọng này của những thế hệ họa sỹ trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, hòa bình cho dân tộc.

Ký họa "Đón ba về phép", tác giả Thái Hà

Ký họa "Đón ba về phép", tác giả Thái Hà

Trang sử ký bằng tranh

Ký họa kháng chiến là một trong những thể loại ký họa đặc biệt, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, xuất phát từ việc ghi nhận những hình ảnh, nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - ông Nguyễn Anh Minh cho hay, trong giai đoạn đầu, các họa sĩ vẽ chưa nhiều. Nhưng cuộc chiến càng khốc liệt, mất mát thương đau càng nhiều, các họa sĩ nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình, nên tranh thủ từng phút từng giờ để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác từng con người, từng sự kiện, quang cảnh của đất nước. Ngoài việc ký họa để lưu giữ và xây dựng bố cục cho tác phẩm nghệ thuật sau này, đây cũng chính là động lực lớn nhất thúc đẩy sự ra đời của ký họa kháng chiến miền Nam.

Ký họa "Khu phố giải phóng", tác giả Phạm Quyết Chiến

Ký họa "Khu phố giải phóng", tác giả Phạm Quyết Chiến

Ký họa chiến trường là loại hình tác nghiệp nhanh nhất vì thế có những đặc thù riêng. Theo họa sĩ Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn họa cụ, người nghệ sĩ trong chiến trường không đơn giản chỉ là sáng tác, cầm cọ, cầm bút mà còn phải cầm súng, phải chiến đấu. “Trong thể loại ký họa, vẽ đúng, vẽ đủ vẫn chưa hội đủ yếu tố để cấu thành một bức ký họa đẹp, cốt lõi vẫn nằm ở sự nhạy cảm, ở sức sống, ở linh hồn mà người họa sĩ thổi vào trong từng nét ký họa. Vì vậy quan trọng nhất của ký họa kháng chiến miền Nam đó là tất cả được tạo ra trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, vừa hàm chứa sức mạnh lịch sử, vừa hàm chứa sức mạnh cảm xúc”-ông Bình nhấn mạnh.

Thông thường, ký họa chỉ dừng lại ở dạng tư liệu để xây dựng tác phẩm. Tuy nhiên, ký họa kháng chiến do nhu cầu kịp thời động viên, phục vụ quân dân nên vẫn hoàn chỉnh như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Chính vì thế, những tác phẩm ký họa miền Nam trước tới nay vẫn được đánh giá tốt về nghệ thuật. Nhiều tác giả cũng đã nhận Giải thưởng Nhà nước về mỹ thuật như Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Thái Hà…

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn khẳng định, ký họa là loại hình tạo ra nền cốt đầu tiên cho những tác phẩm lớn của các họa sỹ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam. “Từ ghi chép nho nhỏ này, nó cũng gợi ý về ý tưởng, về hình tượng trong những tác phẩm sau này của chính các họa sỹ. Do đó, đây là loại hình được lưu giữ, bảo tồn phát triển trong xu thế chung, thay đổi nhanh của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam”- họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết.

Ký họa "Đêm dưới hầm", tác giả Lê Hồng Hải

Ký họa "Đêm dưới hầm", tác giả Lê Hồng Hải

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, khởi đầu cho loại hình ký họa kháng chiến chính là danh họa Tô Ngọc Vân. Danh họa Tô Ngọc Vân, người đã vẽ những ký họa đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đã mở đầu cho một dạng tác chiến nhanh nhất, kịp thời nhất và cũng rất đẹp, ghi lại hình ảnh chỉ xuất hiện một lần, tạo ra một tiền đề, một khởi đầu tốt đẹp cho một thể loại tranh ký họa đặc biệt là ký họa kháng chiến.

Sau đó, chúng ta cũng gặp lại những tên tuổi quen thuộc như họa sỹ Huỳnh Phương Đông, họa sỹ Cổ Tấn Long Châu, họa sỹ Lê Lam, họa Trang Phượng… và rất nhiều những tên tuổi khác. Những bức ký họa kháng chiến các các họa sỹ tên tuổi đã giữ lại cho chúng ta những trang sử bằng tranh được đổi bằng cả tính mạng của các liệt sĩ trên chiến trường.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết ký họa kháng chiến hiện còn số lượng nhiều. Ký họa kháng chiến miền Nam cũng không quá khó tìm kiếm, và được lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự... Tuy nhiên, các tác phẩm cũng đều nhuốm màu thời gian.

Ký họa "Nghỉ đêm trong rừng", tác giả Thái Hà

Ký họa "Nghỉ đêm trong rừng", tác giả Thái Hà

Còn họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được bộ sưu tập Ký họa kháng chiến tương đối đầy đủ, đặc sắc, phản ánh phần nào đặc trưng của nền hội họa cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với gần 4.000 ký họa.

Trong đó, việc xây dựng và định hình chiến lược sưu tầm dựa trên nền tảng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của ký họa kháng chiến, bởi đó là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của dân tộc. Đồng thời, bên cạnh việc phản ánh thực tế một giai đoạn lịch sử, ký họa kháng chiến còn là minh chứng cụ thể về sự đúng đắn trong đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng.

Theo đánh giá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ký họa kháng chiến miền Nam là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-hoa-khang-chien-mien-nam-hoi-uc-thoi-hoa-lua-176544.html