Kỳ cuối: Những cuộc 'ngã giá' triệu đô

Sau khi thông đồng, can thiệp, tác động giúp Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) được sản xuất, tiêu thụ kit test xét nghiệm Covid-19, thu lời bất chính số tiền khổng lồ, những đồng phạm của Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia phần trăm doanh thu, thậm chí gợi ý, đề nghị 'lại quả' số tiền tới cả triệu USD mỗi lần. Đặc biệt, hầu như tất cả những cuộc gọi này đều thông qua các ứng dụng như: WhatsApp, Viber… và chỉ giao tiền mặt (đổi sang USD để xách cho gọn nhẹ).

Lời đề nghị triệu đô của thư ký Bộ trưởng

Từ năm 2017, trong lần cùng có mặt dự lễ khai trương một trạm y tế theo hình thức xã hội hóa đầu tiên tại TPHCM và đi thăm một phòng khám khác tại Q3, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) làm quen với Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (trợ lý của Long). Là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm cả lĩnh vực thiết bị y tế, đương nhiên ông chủ Công ty Việt Á phải chú trọng các mối quan hệ đặc biệt này. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Phan Quốc Việt rất nhanh nhạy, tận dụng triệt để những mối quan hệ đó để kiếm tiền.

Sau khi được Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh can thiệp, tác động, chỉ đạo để giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số lưu hành, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ, để công ty sản xuất và tiêu thụ kit test xét nghiệm theo đơn giá mà mình nâng khống gấp 3 lần, từ 143.461 đồng/kit test lên 470.000 đồng/kit test, thu lời tới 4.000 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã nhiều lần đưa tiền tự nguyện và theo yêu cầu của Nguyễn Thanh Long (lúc này là Bộ trưởng Bộ Y tế) cùng thư ký là Nguyễn Huỳnh.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt tại cơ quan công an, lần đầu tiên là vào khoảng cuối tháng 8/2020, khi Phan Quốc Việt đến nhà Nguyễn Huỳnh ăn tối, trong bữa ăn, Nguyễn Huỳnh kể chuyện mới mua chiếc ôtô Volvo XC90 mà phải vay tiền ngân hàng.Việt nói: "Em sẽ hỗ trợ anh một phần chi phí để cảm ơn anh đã giúp đỡ em và Công ty Việt Á". Khoảng 10 giờ ngày 23/01/2021, theo lệnh của Phan Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á Vũ Đình Hiệp gọi điện qua ứng dụng WhatsApp cho Nguyễn Huỳnh, hẹn gặp rồi đưa 2 tỷ đồng cho Huỳnh tại bãi gửi xe trước cửa Khách sạn Hà Nội.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Đến cuối tháng 12/2020, Phan Quốc Việt lại đến nhà của Nguyễn Huỳnh ở phố Văn Cao (Q.Ba Đình, Hà Nội), xách theo giỏ bằng vải đựng 200.000 USD (gần 4,6 tỷ đồng), nhờ Nguyễn Huỳnh đưa cho Nguyễn Thanh Long. Một tháng sau, ngay trước Tết Nguyên đán 2021, Nguyễn Huỳnh gọi điện cho Phan Quốc Việt qua ứng dụng WhatsApp, trao đổi về việc Nguyễn Thanh Long đang cần huy động số tiền lớn để xử lý công việc, đề nghị Việt "bố trí”. Khi Phan Quốc Việt hỏi cần cụ thể là bao nhiêu, vào thời gian nào để sắp xếp thì Nguyễn Huỳnh trả lời là 1 triệu USD, để "đỡ phải huy động những chỗ khác và để dành cho các công việc khác". Ngày 09/02/2021, Phan Quốc Việt mang valy kéo đựng 1 triệu USD đến nhà Nguyễn Huỳnh, nhờ thư ký bộ trưởng chuyển tiền cho Nguyễn Thanh Long và không quên "chúc tết" Huỳnh với số tiền 2 tỷ đồng.

Ngày 29/6/2021, trong lần đến trụ sở Bộ Y tế gặp Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long để nhờ ủng hộ chủ trương phát triển vắc-xin phòng dịch Covid-19, khi ra về, Phan Quốc Việt lấy gói tiền 50.000 USD đựng trong giỏ bằng vải màu xanh loại nhỏ, đưa cho Long và nói: "Em lì xì mấy cháu". Nguyễn Thanh Long cầm và cười nói: "Vẽ chuyện!".

Khoảng cuối tháng 10/2021, Nguyễn Huỳnh lại nhắn tin qua ứng dụng WhatsApp nói với Phan Quốc Việt về việc Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cần huy động số tiền lớn để xử lý công việc, đề nghị Việt tiếp tục "hỗ trợ". Lần này, không vòng vo, Nguyễn Huỳnh nói luôn Việt cần chuẩn bị 1 triệu USD. Phan Quốc Việt đồng ý, hẹn một tuần sau. Khoảng đầu tháng 11/2021, gặp nhau tại một quán cà phê, Nguyễn Huỳnh nói sẽ dẫn Phan Quốc Việt đến gặp trực tiếp Nguyễn Thanh Long để đưa tiền tại căn hộ ở Q.Ba Đình (Hà Nội). Tuy nhiên, khi Phan Quốc Việt đến nơi, Nguyễn Huỳnh lại gọi điện qua ứng dụng, bảo Việt lấy thẻ từ để trong hộc để đồ ở tầng 1 rồi tự vào nhà. Sau đó, Nguyễn Huỳnh lên phòng, báo với Việt rằng Nguyễn Thanh Long có việc đột xuất nên không đến gặp được. Sau bữa ăn tối đó, trước khi ra về, Việt đưa gói tiền chứa 1 triệu USD cho Huỳnh, nói: "Nhờ anh chuyển cho sếp để lo việc giúp em".

Còn Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế) là người tham mưu, đề xuất để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á trái với quy định của pháp luật. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Phan Quốc Việt đưa lần đầu một bịch sâm Ngọc Linh kèm 100.000 USD cho Nguyễn Minh Tuấn vào cuối tháng 3/2020, nhằm mục đích "cảm ơn" đã giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit test xét nghiệm. Vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, Phan Quốc Việt đưa lần 2 là số tiền 200.000 USD cho Nguyễn Minh Tuấn nên đối tượng này mới tiếp tục tham mưu, đề xuất để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm ngày 04/12/2020 cho Công ty Việt Á.

Phan Quốc Việt và một số đồng phạm trong vụ án

Phan Quốc Việt và một số đồng phạm trong vụ án

Ngoài ra, cơ quan công an cũng làm rõ Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia doanh thu, chi tiền hoa hồng... cho nhiều cá nhân khác. Trong kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cáo buộc Phan Quốc Việt phạm tội "đưa hối lộ", với tổng số tiền là hơn 106,6 tỷ đồng.

Làm rõ trách nhiệm của nhiều bộ trưởng, thứ trưởng

Trong số những cán bộ, lãnh đạo được làm rõ trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt và cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng (mới nghỉ hưu) cùng nhiều cá nhân khác.Cụ thể, ông Huỳnh Thành Đạt giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN từ ngày 12/11/2020 đến nay. Khi ông Đạt tiếp nhận chức vụ Bộ trưởng thì Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Ông Đạt không được đơn vị, cá nhân nào báo cáo hay thông đồng, thỏa thuận, cũng như hưởng lợi về việc quản lý, xử lý kết quả đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á nên đã không đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký lưu hành sản phẩm này.

Còn cựu Thứ trưởng Trần Văn Tùng dù được ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành chung toàn bộ hoạt động của Bộ KH&CN từ ngày 25/9/2020 đến ngày 12/11/2020, nhưng việc quản lý đề tài, xử lý kết quả nghiên cứu kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á giai đoạn này vẫn thuộc trách nhiệm của Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN). Bởi đến ngày 12/11/2020, Quốc hội mới miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN đối với Chu Ngọc Anh. Do đó, cơ quan điều tra đánh giá rằng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cựu Thứ trưởng Trần Văn Tùng và một số cá nhân khác liên quan đến việc quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test xét nghiệm, có trách nhiệm liên quan đến vụ án nhưng chưa đến mức xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định về mặt Đảng và chính quyền đối với những cá nhân trên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng kết luận rằng ông Nguyễn Trường Sơn (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) biết kit test xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y chủ trì, là tài sản thuộc sở hữu nhà nước; các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) tham mưu nên ông Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Sau đó, công ty này đã sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Đánh giá hành vi của ông Nguyễn Trường Sơn có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhưng cơ quan điều tra cũng xác định việc ông Sơn ký các quyết định trên không phải là nhiệm vụ thường xuyên. Ông Nguyễn Trường Sơn cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, không được hưởng lợi. Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Sơn đã bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Vì vậy, Bộ Công an không khởi tố điều tra đối với ông Nguyễn Trường Sơn.

Đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cơ quan điều tra xác định cũng có liên quan đến việc cấp số đăng ký lưu hành kit test xét nghiệm cho Công ty Việt Á và việc kiểm tra giá hiệp thương kit test xét nghiệm. Trong việc kiểm tra giá hiệp thương, Trương Quốc Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế). Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định Trương Quốc Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, cũng không được hưởng lợi; nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trương Quốc Cường. Hiện nay, Trương Quốc Cường đang thi hành bản án 3 năm tù trong vụ án buôn thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra vụ án Công ty Việt Á, đã xác định dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân khác liên quan. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, cơ quan điều tra tách thông tin, tài liệu để tiếp tục xử lý sau. Ngoài các bị can đã bị đề nghị truy tố, còn một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cơ quan điều tra sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/ky-cuoi-nhung-cuoc-nga-gia-trieu-do_151619.html