Kỳ cuối: Để 'lá phổi' thêm xanh

Theo một thống kê, tổng diện tích rừng hiện có khu vực miền Trung là trên 5,5 triệu ha, chiếm 38% diện tích rừng toàn quốc. Tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung xấp xỉ 55%, đứng thứ 2 trong 8 vùng sinh thái. Để có được tài sản vô giá này, chính quyền, các ngành chức năng đã nỗ lực suốt một thời gian dài mới có được.

Theo một thống kê, tổng diện tích rừng hiện có khu vực miền Trung (gồm 14 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) là trên 5,5 triệu ha, chiếm 38% diện tích rừng toàn quốc. Tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung xấp xỉ 55%, đứng thứ 2 trong 8 vùng sinh thái (cao nhất là vùng Đông Bắc trên 56%).

Để có được tài sản vô giá này, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ rừng cùng nhân dân dãy đất miền Trung đã nỗ lực suốt một thời gian dài mới có được.

Nhân rộng cách làm hay

Để giữ được tỷ lệ che phủ rừng lý tưởng như kể trên, ngoài chế tài của pháp luật, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) thể hiện bằng việc việc huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái phép, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phá rừng ngay từ khi mới manh nha, cần có sự quyết liệt, nghiêm túc những chủ trương đúng đắn, khẩn trương khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, bất cập; đặc biệt là nhân rộng những cách làm hay trong hỗ trợ bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng.

Kiểm lâm Phú Yên cùng PV Báo CAND trong một cuộc tuần tra xuyên rừng huyện Sông Hinh.

Kiểm lâm Phú Yên cùng PV Báo CAND trong một cuộc tuần tra xuyên rừng huyện Sông Hinh.

Đây là 2 hình thức chính trong công tác QLBVR đã và đang được các địa phương có rừng của cả nước thực hiện theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, nguồn lực này đã phần nào đáp ứng yêu cầu công tác QLBVR, đặc biệt là rừng tự nhiên đang đứng trước sức ép lớn về khai thác, lấn chiếm; cùng với đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn từ Chương trình giảm phát thải nhà kính dự kiến sẽ triển khai torng thời gian tới kỳ vọng cơ bản đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn mỗi tỉnh.

Tại Thừa Thiên-Huế, diện tích rừng tự nhiên được giao các Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH), các Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp quản lý hơn 160.757 ha (chiếm 78,16% tổng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh); các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được giao quản lý hơn 31.626 ha (chiếm 15,38%); diện tích còn lại do UBND cấp xã tạm thời quản lý hơn 12.164 ha. Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, từ hoạt động giao rừng thử nghiệm, ban đầu chỉ 404,5 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, đến nay tổng diện tích rừng tự nhiên được giao mới và hoàn thiện hồ sơ giao rừng gần 32.000 ha; trong đó, giao cho 88 cộng đồng hơn 16.000 ha; 225 nhóm hộ hơn 13.000 ha; 157 hộ gia đình hơn 1.000 ha và các Đồn biên phòng gần 1.360 ha.

Sau khi được giao rừng, các cộng đồng, nhóm hộ thành lập các tổ bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra định kỳ hoặc đột xuất với sự hỗ trợ của kiểm lâm địa bàn và cán bộ phụ trách lâm nghiệp địa phương. Hầu hết các cộng đồng đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước QLBVR, xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng để hỗ trợ tuần tra, bảo vệ rừng. Một số cộng đồng được hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực từ các dự án trong việc thực hiện công tác QLBVR và phát triển nguồn tài nguyên rừng. Điển hình như cộng đồng thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc); các cộng đồng thôn tại hai xã Thượng Lộ, Thượng Nhật (huyện Nam Đông); xã A Roàng (huyện A Lưới...). Một số cộng đồng khác được hỗ trợ mô hình làm giàu từ rừng như trồng mây dưới tán rừng, trồng cây bản địa, góp phần tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp người dân yên tâm bảo vệ rừng.

Việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình yên tâm sử dụng đất, tham gia tích cực vào công tác QLBVR, trồng rừng, chăm sóc rừng. Trong số gần 32.000 ha rừng tự nhiên giao cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, có hơn 23.000 ha được nhận hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng (chiếm 73,85% diện tích được giao). Từ năm 2014-2022, dịch vụ môi trường rừng chi trả hơn 60 tỷ đồng, góp phần đáng kể cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng tốt hơn. Nhờ thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi trữ lượng rừng tăng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc phá rừng được các nhóm hộ chủ động ngăn chặn, hoặc báo cho chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn xử lý.

Với phương châm "phòng hơn chống", lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế còn thực hiện giám sát tài nguyên rừng qua sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin. Thông qua công nghệ, ảnh viễn thám, các đơn vị kiểm lâm, bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phá rừng trái phép. Lực lượng kiểm lâm còn sử dụng phần mềm SMART-Mobile trong tuần tra bảo vệ rừng. Thực hiện quy chế phối hợp lực lượng giữa Kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng, trên mỗi khu vực lựa chọn điểm yết hầu để bố trí lực lượng phối hợp để bảo vệ rừng. Nhờ thế nên đã ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng tự nhiên trên tuyến thượng nguồn sông Tả Trạch, Hữu Trạch, sông Bồ và khu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền; rà soát các "điểm nóng", triển khai truy quét trên các tuyến đường 74, 71, các tuyến mới phát sinh và giám sát chặt chẽ các đường vận chuyển lâm sản, các cơ sở chế biến gỗ tại các địa phương.

Ở Quảng Ngãi, trước thực tế các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất đã được cấp lâm bạ trước đây, tham chiếu với Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đã lập, tham mưu Sở cung cấp số liệu cho Sở TN&MT làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho người dân theo đúng quy định, đặc biệt là diện tích rừng sản xuất trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng rừng, nhất là nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm hạn chế tình trạng khai thác gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái phép và tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; PCCCR rừng; quản lý lâm sản và bảo vệ động vật hoang dã; thường xuyên tuần tra, truy quét các tuyến đường bộ, vùng giáp ranh, các khu rừng tự nhiên có nguy cơ bị xâm hại cao...

Tại tỉnh Quảng Nam, cuối tháng 7/2023 vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có diện tích biến động giảm rừng tự nhiên trong năm 2022 chỉ đạo UBND cấp xã và chủ rừng phối hợp Hạt Kiểm lâm hoàn thiện hồ sơ biến động rừng, xác lập hồ sơ, điều tra xác minh đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý tài nguyên rừng, cập nhật, theo dõi diễn biến rừng, để mất rừng tự nhiên. Đơn vị, địa phương nào để giảm diện tích rừng tự nhiên trong năm 2023 phải giải trình chi tiết từng lô và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác QLBVR bền vững trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa yêu cầu các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện rà soát, kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu để phù hợp giữa hồ sơ quản lý, bản đồ và thực địa; làm rõ nguyên nhân đối với những lô rừng biến động giảm; đồng thời, rà soát những diện tích rừng tự nhiên tăng do diễn thế tự nhiên; rừng tự nhiên đang khoanh nuôi trồng bổ sung; rừng trồng thành rừng trên các diện tích trồng rừng thay thế; rừng trồng theo các chương trình, dự án; rừng trồng của tổ chức,cá nhân, hộ gia đình... để cập nhật diễn biến rừng.

Bên cạnh đó, phải thực hiện thu thập thông tin, báo cáo biến động, cập nhật diễn biến rừng, phê duyệt và công bố kết quả theo dõi diễn biến rừng theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT; xác lập, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, thành quả theo dõi diễn biến rừng; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát biến động rừng, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo biến động rừng để kịp thời phát hiện các vị trí biến động rừng tại địa phương.

Sớm giải "bài toán" nhân lực

Đối với những tồn tại, bất cập liên quan đến "bài toán nhân lực", hầu hết các địa phương đều "đau đầu" khi yêu cầu việc thực thi hiệu quả nhiệm vụ QLBVR ngày càng cao. Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, ngoài 9 Hạt Kiểm lâm ở 9 huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn Phú Yên còn có BQL rừng đặc dụng Krông Trai (ở huyện Sơn Hòa), BQL rừng đặc dụng Đèo Cả và 5 BQL RPH Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Sông Cầu. Tuy nhiên, rà soát thực trạng nhân lực kiểm lâm và lực lượng chuyên trách QLBVR ở Phú Yên từ nhiều năm qua luôn trong tình trạng… thiếu người.

Để khắc phục tình trạng vừa kể, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên không giảm biên chế kiểm lâm; cho phép xét tuyển công chức kiểm lâm theo tiêu chuẩn thay vì thi tuyển; bố trí 1 biên chế chuyên trách lâm nghiệp tại các xã có trên 1.000 ha đất có rừng. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng dự án "Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác QLBVR và PCCC rừng giai đoạn 2021 - 2030" với dự toán hơn 60 tỷ đồng đầu tư thiết bị, công nghệ khảo sát, phân tích, kết nối, dự báo về lâm nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cần có lộ trình do liên quan nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ. Trước mắt, tỉnh huy động hệ thống chính trị cùng nhiều nguồn lực tham gia QLBVR, trong đó có sự phối hợp, hỗ trợ giữa Kiểm lâm với Công an, Quân đội; khẩn trương xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đồng bộ với giao đất, cho thuê đất đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật tựa như một số địa phương khác tại khu vực miền Trung đã thực hiện.

Về lâu dài, lãnh đạo nhiều tỉnh miền Trung đều cùng quan điểm kiến nghị cấp thẩm quyền Trung ương sớm ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ công chức, viên chức lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn, hiểm trở; kiến nghị Chính phủ và các Bộ, Ngành ban hành chính sách giao khoán QLBVR và PCCC rừng, quy định mức hỗ trợ bồi dưỡng cho lực lượng QLBVR và PCCC rừng… theo Luật Lâm nghiệp; quy định về định biên kiểm lâm theo diện tích rừng.

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ky-cuoi-de-la-phoi-them-xanh-i702832/