Kỳ cuối: đảm bảo chuyên môn và phẩm chất đạo đức

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành, các cơ sở giáo dục khi tuyển chọn giáo viên cần cân nhắc các yếu tố chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

Đừng đối xử với trẻ tự kỷ như “khúc gỗ”:

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại buổi tọa đàm "Can thiệp không bạo lực với trẻ tự kỷ". Ảnh: BTC

Chú trọng tuyển chọn giáo viên

Muốn cho con trai đi học tại trung tâm giáo dục đặc biệt nhưng dư âm của vụ bạo lực học sinh tự kỷ gần đây khiến chị H.T.A (Hà Nội) không khỏi lo lắng. Chị chia sẻ: “Con tôi chậm ngôn ngữ, cho đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị tự kỷ. Hiện tại, gia đình muốn tìm một cơ sở giáo dục đặc biệt cho cháu đi học nhưng lại lo ngại nguy cơ cháu bị bị bạo lực. Chúng tôi cũng biết công việc của các cô áp lực, vất vả nhưng không thể lấy lý do vì áp lực hay vì là sinh viên thực tập, thiếu kinh nghiệm để bạo hành học sinh. Không hiểu khi “ra tay” với các cháu, cô giáo có nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng mà mình gây ra cho các cháu hay không? Tổn thương về tinh thần từ những hành vi bạo lực có thể rất lâu dài, thậm chí là mãi mãi. Vì vậy, chúng tôi chỉ mong các cơ sở giáo dục đặc biệt khi tuyển chọn giáo viên, hãy chọn người vừa có chuyên môn vừa có phẩm chất đạo đức, biết thấu hiểu và yêu thương các cháu”.

Chị H.T.A. cho biết thêm, chị đã được bạn bè giới thiệu một vài lớp dạy trẻ tự kỷ nhưng chị không yên tâm gửi con ở đó. Chị A lo ngại các lớp dạy tự phát sẽ khó đảm bảo chương trình dạy cũng như trách nhiệm của giáo viên với học sinh.

Theo các chuyên gia, trẻ tự kỷ cũng có những nhu cầu như các trẻ em bình thường nhưng lại gặp khó khăn trong cách diễn đạt. Khi muốn người khác làm điều gì đó cho mình, trẻ thường có hành động la hét, cào cấu khiến cho nhiều người nhầm lẫn hành vi đó với thái độ hư của trẻ. Do đó, giáo viên cần phải nắm bắt được đặc điểm, nguyên nhân, các biểu hiện của trẻ tự kỷ,… để đưa ra hướng giảng dạy hiệu quả.

Đặc biệt, các giáo viên cần lưu ý dạy trẻ tự kỷ bằng bạo lực là điều tối kỵ bởi hành vi bạo lực sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đối với trẻ tự kỷ. Về cảm xúc, bạo lực gây ra tâm trạng bất an, lo âu, sợ hãi, mất an toàn cho trẻ, khiến các em thu mình lại, không tương tác với mọi người xung quanh. Về mặt nhận thức, trẻ bị bạo lực sẽ hiểu sai khi cho rằng cứ làm gì sai là sẽ bị trừng phạt thân thể. Hơn nữa, các hành vi bạo lực còn khiến cho trẻ bị ức chế tâm lý, không dám tìm hiểu, tìm tòi nên trí tuệ ngày càng trì trệ. Về hành vi, trẻ thấy giáo viên bạo lực thì sẽ học theo, nếu không vừa ý điều gì với mọi người xung quanh thì sẽ có hành vi bạo lực tương tự. Do đó, trẻ tự kỷ bị bạo lực, tính tự kỷ sẽ càng nặng hơn, khả năng thích ứng và hòa nhập cộng đồng sẽ càng giảm.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, để giảm thiểu nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành thì các cơ sở giáo dục đặc biệt cần chú trọng đến việc tuyển dụng giáo viên ở cả khía cạnh chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Có như vậy mới đảm bảo sự án toàn cho trẻ trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh, năng lực tối thiểu mà giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có để làm việc hiệu quả là kiến thức về đặc điểm, nguyên nhân, các biểu hiện của trẻ tự kỷ; vận dụng được các phương pháp can thiệp hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học; có khả năng lập kế hoạch giáo dục cá nhân và triển khai những kế hoạch đó. Bên cạnh đó, giáo viên phải có khả năng quản lý hành vi không phù hợp, sửa lỗi hành vi áp dụng kỷ luật tích cực; kỹ năng giảng dạy hiệu quả, kỹ năng phối hợp làm việc với các chuyên gia như bác sĩ tâm lý…

Tìm hiểu kỹ trước khi cho con em theo học

Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ, thạc sĩ Nguyễn Xuân Việt hiện đang làm việc tại một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho rằng, khi phát hiện con có biểu hiện khác thường so với các trẻ em khác cùng độ tuổi, gia đình nên cho các cháu đi khám tại các cơ sở uy tín như bệnh viên tâm thần, bệnh viện phục hồi chức năng, các cơ sở giáo dục trẻ đặc biệt trực thuộc sở giáo dục và đào tạo,… để kiểm tra. Sau đó, lắng nghe những lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia, tùy vào mức độ các cháu gặp phải mà lựa chọn cơ sở giáo dục uy tín để các cháu theo học.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Việt cũng lưu ý, hiện nay, có rất nhiều những cơ sở giáo dục tư thục, không trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, mà dưới dạng các công ty trách nhiệm hữu hạn, hay trực thuộc các hội, sở nên khi lựa chọn cơ sở giáo dục, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ bằng cách đến tham quan trực tiếp để xem cơ sở vật chất có đảm bảo, có giấy phép hoạt động, tìm hiểu cặn kẽ về chương trình học, trình độ của giáo viên,…

Theo ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hành vi bạo lực trẻ là không thể chấp nhận được. Bạo lực, cả về mặt thể chất và tinh thần đều là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. “Không chỉ đánh đập, gây thương tích mà kể cả xỉ vả, hạ nhục, quát mắng trẻ do nóng giậncũng đều là bạo lực. Giáo dục bất cứ đứa trẻ nào, đặc biệt là trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ cần phải xuất phát từ sự tôn trọng, kiên trì, biết cách kiềm chế cơn nóng giận và đặc biệt là không bạo lực”- ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, phụ huynh cần biết cách sàng lọc và thẩm định thông tin. Cha mẹ cần cảnh giác trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội, cần đến tận nơi quan sát cơ sở vật chất, trò chuyện với các thầy cô để đưa ra đánh giá về chất lượng của cơ sở giáo dục. Thực tế, có rất nhiều chuyên gia điều trị, chăm sóc trẻ rối nhiễu phổ tự kỷ. Ông Nam lưu ý thêm, điều quan trọng nữa là phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các cha mẹ khác đã và đang cho con theo học ở các cơ sở, hỏi chính các cháu từng học (nếu có thể) để đưa ra nhận định chính xác nhất.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-dam-bao-chuyen-mon-va-pham-chat-dao-duc-376082.html