Kỳ 4: xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ tự kỷ

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời làm rõ các vụ việc tố cáo hành vi bạo lực trẻ tự kỷ và xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Đừng đối xử với trẻ tự kỷ như “khúc gỗ”:

Cô giáo có hành vi bạo lựa trẻ tự kỷ tại Đà Nẵng cần bị xử phạt nghiêm khắc. Ảnh: phụ huynh cung cấp

Bạo lực trẻ tự kỷ để lại những hậu quả

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý cho rằng, tự kỷ là một trong những dạng khuyết tật ở trẻ em, đặc trưng bởi khó khăn trong tương tác xã hội; giao tiếp bằng lời và không lời, hành vi định hình lặp lại. Trong đó, khó khăn trong tương tác xã hội thể hiện qua việc không đáp ứng qua lại, không chơi tương tác đóng vai, không bắt chước, không hứng thú chơi với trẻ cùng tuổi, không đòi hỏi người lớn chú ý.

Khó khăn về giao tiếp thể hiện qua việc trẻ không giao tiếp để hướng sự chú ý của người khác; ít hoặc không dùng cử chỉ điệu bộ, ít hoặc không tương tác mắt; không đáp ứng với âm thanh, gọi tên; không nói câu 2 từ ở 24 tháng; có ngôn ngữ sau đó bị mất đi.

Khó khăn trong hành vi định hình thể hiện qua việc trẻ không biết chơi đóng vai, tưởng tượng, trẻ luôn chơi một mình, chơi lặp đi lặp lại một trò chơi theo những cách thức không giống ai,… Chính vì vậy, các cháu không ý thức rõ những gì xảy ra, không nói, không biết bày tỏ nỗi sợ hãi, hành vi lặp đi lặp lại kỳ quặc khiến người khác khó chịu và nổi nóng. Với trẻ tự kỷ, kỹ năng tự vệ của các cháu còn hạn chế nên dễ bị hiểu lầm, dễ bị bạo lực và xâm hại.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, khi trẻ bị những người chăm sóc bạo hành sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Các cháu bị tổn thương tâm lý dẫn đến lo lắng sợ hãi, hoảng hốt, tấn công cha mẹ vì sợ đến trường, đến gặp giáo viên.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: đối với hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục trẻ tự kỷ nói riêng là hoạt động đặc biệt, có sự quản lý của Nhà nước và đòi hỏi người thực hiện các hoạt động giáo dục này phải có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, phải có kỹ năng nghiệp vụ, có tình yêu thương đối với con trẻ. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục trẻ tự kỷ mà thành lập tự phát, không có giấy phép, thiếu sự quản lý của Nhà nước, người thực hiện hoạt động giáo dục không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp thì đó là một hoạt động nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho học sinh.

Về vụ việc cô giáo ở Trung tâm Giáo dục đặc biệt Cầu Vồng (số 83 đường Tôn Quang Phiệt, Đà Nẵng) bạo hành học sinh, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Đây là vụ việc rất đáng tiếc, cũng không phải là lần đầu tiên các trường tư thục, trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ xảy ra những vụ việc bị tố bạo hành. Trước đây đã không ít những vụ việc trẻ em bị bạo hành ở cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ dẫn đến hậu quả thương tâm, thậm chí đã có những trường hợp trẻ em bạo hành bị thương tích nghiêm trọng, thiệt mạng xảy ra tại các cơ sở giáo dục tự phát.

Những sự việc như thế này thường gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em”.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Bạo hành trẻ có thể bị xử lý hình sự

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trái phép, bạo hành trẻ tự kỷ theo quy định của pháp luật. “Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy cơ sở giáo dục trẻ tự kỷ này không có giấy phép, không được phép hoạt động thì cần phải đình chỉ hoạt động và xem xét xử lý người đứng đầu theo quy định của pháp luật. Đối với nội dung tố cáo, tố giác của các phụ huynh về việc trẻ tự kỷ bị bạo hành thì cơ quan chức năng sẽ thụ lý tin báo và tiến hành xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có hành vi đánh trẻ em gây thương tích thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng hành vi được xác định là đối xử tàn ác đối với học sinh thì cũng có thể xử lý hình sự những người trông trẻ này về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự”- tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Với các phụ huynh có con bị bảo hành thì cần phải lưu lại các chứng cứ cần thiết, trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được vào cuộc xác minh làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Điều 140. Tội “Hành hạ người khác”

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-bao-luc-tre-tu-ky-375902.html