Kỳ 4: 'Khoảng trống' dịch vụ sau 24h đêm

Tạo 'đòn bẩy' cho hoạt động du lịch đêm tại phố đi bộ, nhiều ý kiến các nhà chuyên môn cho rằng không thể bê nguyên 100% một mô hình phố đi bộ đã thành công để áp dụng cho các trường hợp mới mở. Trong khi, mỗi phố cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng. Bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ cũng cần có lộ trình, thời gian cụ thể.

“Gỡ” bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội:

 Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vẫn chưa khai thác thế mạnh về kinh tế đêm. Ảnh Khánh Huy

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vẫn chưa khai thác thế mạnh về kinh tế đêm. Ảnh Khánh Huy

Bất cập phí thuê vỉa hè

Từ năm 2016 đến cuối 2022, Hà Nội đã khai trương 5 tuyến phố đi bộ chính, nằm tại các quận/thị xã: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ và Sơn Tây. Kế hoạch mở các tuyến phố đi bộ nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.

Sắp tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu thành lập 3 tuyến phố đi bộ mới là phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết (năm 2023), phố đi bộ khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám (năm 2023) và phố đi bộ Hoàng Cầu – Hào Nam (năm 2024).

Mục tiêu mở rộng mô hình phố đi bộ ra nhiều quận, huyện và thị xã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, việc mở thêm các tuyến phố đi bộ mới thì TP cũng phải có phương án để các tuyến đi bộ đã được mở hoạt động hiệu quả hơn.

Sau 8 tháng thí điểm khu phố ẩm thực kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), các cơ sở kinh doanh đều bày tỏ ủng hộ với chủ trương của TP Hà Nội. Nhờ triển khai tuyến phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ, người dân được sống trong diện mạo khu phố khang trang, sạch đẹp, các cửa hàng kinh doanh đón lượng khách hàng ổn định.

Ngoài bất cập về phí trông giữ xe còn đắt, một số cửa hàng kinh doanh còn có những vướng mắc về mức phí thuê vỉa hè, lòng đường trong các ngày cuối tuần diễn ra hoạt động khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ. Theo quy định, các cửa hàng kinh doanh được phép thuê vỉa hè, lòng đường trong 8 ngày/tháng. Mức giá thuê 45.000 đồng/m2.

Để tạo cảnh quanh khu phố, UBND phường Trúc Bạch cũng vận động các cửa hàng kinh doanh mua bàn ghế đồng bộ, ô che đúng tông màu. Không phủ nhận việc đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ tạo mỹ quan khu phố, du khách đều cảm thấy ấn tượng với không gian phố đẹp, thích thú khi được trải nghiệm ẩm thực giữa lòng phố. Thế nhưng, những ngày không diễn ra hoạt động phố đi bộ thì các cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn về chỗ để ô che. Ngày thường, diện tích không gian quán vốn đã nhỏ, hẹp, bàn ghế kê đủ chỗ ngồi du khách. Thế nên, dù biết vi phạm nhiều hộ kinh doanh vẫn cố tình “lờ” quy định để ô che tại vỉa hè.

Để đảm bảo việc kinh doanh, một số cửa hàng kiến nghị cấp chính quyền “nới” quy định thuê vỉa hè. “Khi khu phố đang thực hiện thí điểm phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ vào cuối tuần, chúng tôi mong muốn được thuê vỉa hè cả một tháng, không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh doanh còn góp phần không nhỏ trong việc tăng ngân sách cho địa phương và TP”, một cửa hàng kinh doanh bày tỏ.

Đồng thời, việc áp dụng khung thời gian quy định hiện nay là 22h tối phải trả lại lòng đường cho các phương tiện lưu thông cũng là quy định “cứng nhắc”. Từ khi triển khai phố ẩm thực, nhiều du khách đang ăn dở nồi lẩu cũng phải đứng dậy thay đổi chỗ ngồi vào cửa hàng để thực hiện giờ “giới nghiêm”, gây “điểm trừ” cho hoạt động phố ẩm thực hiện nay.

Bỏ ngỏ “mỏ vàng” phát triển kinh tế đêm

Mặc dù vẫn trong thời gian thực hiện thí điểm khu phố ẩm thực kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) song doanh thu kinh tế tạm tính đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Sau 8 tháng triển khai, có 12 cơ sở kinh doanh phát triển mới trong khu phố ẩm thực doanh thu ước đạt 154% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn vào sự tăng trưởng về kinh tế của một tuyến phố đi bộ mới mở có thể thấy, thành công từ việc khai thác lợi thế địa phương, xác định mục tiêu thế mạnh để có hướng phát triển phù hợp.

Sau 7 năm triển khai tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành “thương hiệu” phố đi bộ Hà Nội. Trung bình, mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đón 25.000 - 35.000 khách. Dịp lễ, Tết, con số này tăng lên 40.000 - 50.0000 người/ngày. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho lượng lớn du khách tham quan, khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch.

Ngoài việc hội tụ các thiết chế văn hóa, các khu danh thắng, di tích, Nhà hát nghệ thuật, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có sẵn lợi thế về kinh tế thương mại với phố cổ Hà Nội. Hàng trăm cửa hàng buôn bán, giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tranh, quần áo, ẩm thực,… tạo thuận lợi xây dựng chợ đêm đón lượng khách về đêm.

Điểm sáng được kể đến là việc Quận ủy Hoàn Kiếm ban hành “Đề án về phát triển kinh tế đêm”, trong đó ban hành Nghị quyết về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm, trong đó đưa ra 6 không gian tạo động lực phát triển. Đó là không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong phố cổ Hà Nội; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố văn hóa ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông; tuyến phố Tràng Tiền - Quảng trường Cách mạng tháng 8 (tuyến phố này được đề xuất phát triển TP đi bộ kết hợp trung tâm thương mại); tuyến phố nghề truyền thống tại Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống...

Ghi nhận thực tế, sau một thời gian đưa vào hoạt động, các dịch vụ ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận còn nghèo nàn, chủ yếu là ẩm thực và mua sắm sản phẩm giá trị thấp, hoạt động còn xen lẫn khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.

Trước bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ, ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch đề xuất, các Sở, ngành, đơn vị chức năng như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch cần có hỗ trợ quyết liệt, sâu sát hơn cho các tuyến phố đi bộ. Khi mở ra tuyến phố chỉ là tiền đề tạo lập về mặt không gian, còn để khai thác kinh tế đêm thì đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, của các cơ quan chức năng để có sức mạnh lớn hơn, công tác quản lý bài bản, chuyên nghiệp hơn.

(Còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-khoang-trong-dich-vu-sau-24h-dem-350544.html