Kỳ 4: Đãi vàng từ... rác điện tử

Khi giá vàng tăng cao, Nhật Bản (NB) và nhiều nước khác chú ý đến việc 'khai thác mỏ giữa lòng đô thị' (urban mining), tức khai thác vàng và các kim loại (KL) quý khác từ rác thải điện tử, gồm các bảng mạch trong điện thoại, máy tính… Việc thực hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, bởi công nghệ hiện chỉ có thể thu hồi 5% vonfram từ tái chế điện thoại thông minh (ĐTTM), tuy nhiên các nước đang đẩy mạnh công cuộc khai thác 'mỏ quặng' rác điện tử (RĐT) nhằm bảo đảm an ninh kinh tế.

Vàng tái chế gia tăng

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nguồn cung vàng tái chế toàn cầu đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 923,7 tấn, vượt xa mức tăng khoảng 3% về nguồn cung từ khai thác mỏ. Năm 2020, nguồn vàng tái chế ước đạt 1.293 tấn - con số cao nhất trong thập niên qua.

Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, chỉ có khoảng 200.000 tấn vàng được khai thác trong lịch sử. Với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi vàng từ ĐTTM, thiết bị gia dụng cũ và những phế liệu khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Bộ Môi trường NB, có thể thu hồi khoảng 280gr vàng từ 1 tấn bo mạch hoặc 10.000 điện thoại di động. Quá trình xử lý này hiệu quả hơn 56 lần về trọng lượng khai thác vàng từ các mỏ tự nhiên.

Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại được xem là một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho quá trình "khai thác mỏ giữa lòng đô thị”. Nhiều doanh nghiệp nước này đang mở rộng năng lực thu gom, xử lý, tái chế vàng cũng như các KL quý khác cho sản xuất (SX) xe điện từ RĐT.

Mỗi ngày, các xe tải đưa hàng đống bảng mạch đến 1 nhà máy ở TP.Hiratsuka, gần Yokohama. Tại đây, các bảng mạch phế liệu được nấu chảy để tách vàng và các KL khác. Hàng năm, nhà máy này thu hồi khoảng 3.000 tấn vật liệu. Akio Nagaoka, người phụ trách ở đây, cho biết: "Chúng tôi muốn mở rộng việc thu gom rác thải điện tử không chỉ tại NB mà còn ở ASEAN, nơi nhu cầu tái chế đồ điện tử dự kiến sẽ tăng lên".

Mitsubishi Materials - công ty tái chế hàng đầu NB - đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.

Vàng và một số kim loại quý được tái chế từ rác thải điện tử. Ảnh: Nikkei Asia

Nhật Bản thúc đẩy hợp tác "khai thác mỏ giữa lòng đô thị”

Từ RĐT, người ta có thể thu hồi nhiều KL hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm, từ công cụ, thiết bị điện tử tiên tiến đến xe điện. Chẳng hạn, neodymium là KL đất hiếm được sử dụng trong động cơ hiệu suất cao; hay niken - thành phần có trong thép không gỉ, được sử dụng để chế tạo điện cực của pin xe điện.

Công ước Basel sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025, sẽ góp phần hạn chế các loại RĐT gây hại, như những loại chứa chì, thạch tín và chất có thể gây nổ. Công ước này cũng thúc đẩy việc thu hồi, mua bán và tái chế RĐT trên toàn thế giới.

Khoảng 40% RĐT tại NB được nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn từ Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng các nước Âu - Mỹ đang tìm cách hạn chế xuất khẩu nguồn RĐT này; trong khi đó NB lại thúc đẩy hợp tác đa phương nhằm tìm nguồn cung ổn định hơn cho các loại khoáng sản quan trọng, không chỉ vàng mà còn cả các KL quan trọng khác được sử dụng trong xe điện. Tháng 8/2023, NB và ASEAN đạt được thỏa thuận liên quan đến khuôn khổ chung về tái chế tài nguyên. Các số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, nguồn RĐT của khối ASEAN đạt 3,5 triệu tấn trong năm 2019 và tiếp tục tăng; tuy nhiên hầu hết các nước ASEAN chưa có cơ chế thu gom, xử lý khối rác này nhằm tránh các tổn hại về môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

G7 (khối 7 nước công nghiệp phát triển gồm Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Mỹ) phụ thuộc phần lớn vào đất hiếm nhập khẩu. Nhóm này cũng đang đẩy mạnh việc khai thác RĐT. G7 hiện chiếm trung bình 8% sản lượng toàn cầu đối với 19 KL quý hiếm khác nhau. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, nhóm này hầu như không SX tantalum, vonfram, mangan hoặc vanadi. Trong khi đó, Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm 80% sản lượng vonfram toàn cầu; còn Indonesia đứng đầu thế giới về trữ lượng niken.

Năm 2015, EU tiến hành dự án CRM thu hồi và tái chế thiết bị điện, điện tử, điện thoại... nhằm tránh các rủi ro từng xảy ra năm 2010 khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Hiện danh sách các nguyên liệu thô được thu hồi từ tái chế điện thoại ngày càng dài, gồm antimony, beryllium, gallium, indium, platinum, đất hiếm và vonfram...

Điện thoại di động cũ được tập trung tại cơ sở tái chế lớn nhất Châu Âu ở Hoboken (Bỉ), rộng 121 ha, với khoảng 1.500 nhân viên, do Tập đoàn Umicore quản lý. Các vật liệu điện tử thường được cắt nhỏ trước khi đưa đến trung tâm xử lý. Umicore sẽ sử dụng công nghệ hiện đại phân tích thành phần KL bên trong. Sau đó, phế liệu điện tử được trộn lẫn với một số KL khác cho vào lò nung chảy trên 1.000oC để tách các KL quý. Toàn bộ quá trình này phải mất nhiều tháng. Những gì còn lại là xỉ, được sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong đó có vật liệu lót đường.

Châu Âu còn 2 nhà máy lớn chuyên tái chế, thu hồi KL quý từ phế liệu điện tử ở Boliden (Thụy Điển) và ở Aurubis (Đức), đồng thời chú ý công nghệ thủy luyện (hydrometallurgical) với chi phí thấp hơn.

(Còn tiếp...)

SONG HẢO (theo Nikkei Asia, National Geographic)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-4-dai-vang-tu-rac-dien-tu_156897.html