Kỳ 2: Cái tâm của người hội thẩm nhân dân

Với nhiệm vụ là những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án, các Hội thẩm nhân dân (HTND) kiên quyết bảo vệ công lý.

Bà Lê Thị Đổi tập trung theo dõi diễn biến phiên tòa, tham gia hỏi để làm rõ các tình tiết, vấn đề của vụ việc (người thứ nhất từ trái sang).

Bà Lê Thị Đổi tập trung theo dõi diễn biến phiên tòa, tham gia hỏi để làm rõ các tình tiết, vấn đề của vụ việc (người thứ nhất từ trái sang).

Thấu tình, đạt lý

Hơn 20 năm gắn bó với công tác HTND, bà Lê Thị Đổi- Trưởng Đoàn HTND TAND tỉnh hiểu rất rõ vai trò của mình trong mỗi bản án mà bà tham gia hội đồng xét xử. “Khi còn công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tôi được đề cử làm HTND. Lần đầu tiên tôi tham gia xét xử, cảm giác hồi hộp, lo lắng xen lẫn xúc động”- bà Đổi nói.

Lúc mới tham gia HTND, bà gặp không ít khó khăn trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, bởi các tình tiết sự việc khó hiểu. Khi mới tham gia xét xử, bà ngại phát biểu, ý kiến, chỉ thống nhất theo quan điểm chủ tọa phiên tòa. Trải qua nhiều nhiệm kỳ, giờ đây, bà Đổi đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm trong công tác hội thẩm, luôn cố gắng hết mình để những bản án, quyết định sau khi xét xử phải thấu tình, đạt lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo bà Đổi, HTND có địa vị pháp lý và vai trò quan trọng trong công tác xét xử. Do đó, trách nhiệm của mỗi hội thẩm cũng hết sức nặng nề. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, trong từng vụ việc, đòi hỏi các vị hội thẩm không chỉ nắm rõ luật mà cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa, nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ của vụ án. Khi phát hiện những vấn đề vướng mắc cần trao đổi, phản ánh ngay với thẩm phán.

Dù mới tham gia “nghề” HTND từ tháng 6.2021, anh Trần Đăng Tiến- Phó Bí thư Tỉnh đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong công việc và lòng nhiệt huyết khi tham gia xét xử các vụ án. Anh Tiến cho biết, là hội thẩm mới và trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nên thường xuyên cập nhật những quy định mới, trau dồi kiến thức về chuyên môn, xã hội để nhìn nhận sự việc công bằng, khách quan hơn. Trong từng vụ việc được phân công, anh thường đọc kỹ các hồ sơ vụ việc, ghi chép lại những điều chưa rõ hoặc trao đổi thêm các hội thẩm khác. “Khi tham gia xét xử, tôi tập trung theo dõi diễn biến của phiên tòa, tham gia xét hỏi để làm rõ các tình tiết, vấn đề của vụ việc. Ngoài việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, thông qua việc xét hỏi tại phiên tòa, tôi còn tuyên truyền, giáo dục các đương sự để họ có cái nhìn đúng đắn hơn về quy định của pháp luật”- anh Tiến chia sẻ.

Theo anh Tiến, những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật ngày càng tăng như nghiện ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản, gây thương tích, cố ý gây thương tích… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Phần lớn các thanh thiếu niên phạm tội đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc và dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Vì vậy, khi tham gia xét xử, anh tham gia hỏi tận “chân tơ kẽ tóc” để tìm những tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật cho các bị cáo. “Trong nhiều vụ án, không ít bị cáo có hoàn cảnh đáng thương, hành vi phạm tội lần đầu hoặc đôi khi chỉ là do bộc phát nên rất cần những lời động viên, khuyên bảo của các vị hội thẩm. Việc giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm, biết sửa sai, qua đó hiểu được tính nhân văn của pháp luật mới là sự thành công của một người HTND”- anh Tiến nói.

Hội thẩm nhân dân đóng vai trò quan trọng trong công tác xét xử của TAND hai cấp.

Hội thẩm nhân dân đóng vai trò quan trọng trong công tác xét xử của TAND hai cấp.

Tiếp tục phát huy vai trò của HTND

Để nâng cao hơn nữa vai trò của HTND trong quá trình xét xử, thời gian tới, Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh tiếp tục nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của mình khi tham gia xét xử, bảo đảm nguyên tắc: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “HTND ngang quyền với thẩm phán”, đồng thời cũng phải ngang bằng về trách nhiệm, nghĩa vụ. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan như MTTQ tỉnh, HĐND tỉnh, TAND tỉnh... trong việc tổ chức, quản lý của Đoàn hội thẩm. Tăng cường công tác tự nghiên cứu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử; đổi mới phương thức hoạt động trong công tác hội thẩm. Phát huy vai trò của trưởng, phó Đoàn hội thẩm trong việc thực hiện tốt quy chế.

Lãnh đạo TAND thị xã Hòa Thành cho hay, Ban lãnh đạo Tòa án phối hợp chặt chẽ với trưởng/phó trưởng Đoàn Hội thẩm để phản ánh kịp thời những thuận lợi, khó khăn về hoạt động của đoàn Hội thẩm với Thường trực Ủy ban MTTQVN thị xã tham mưu, đề xuất với Thị ủy, HĐND Thị xã hỗ trợ cho hoạt động của Đoàn Hội thẩm được tốt hơn. Đoàn Hội thẩm bám sát kế hoạch và thực hiện tốt chỉ tiêu đăng ký thi đua của TAND thị xã Hòa Thành. Đoàn Hội thẩm sẽ tổ chức họp ít nhất 2 lần/năm để trao đổi những thông tin pháp luật mới và rút kinh nghiệm trong công tác xét xử.

Lãnh đạo TAND thị xã Hòa Thành chụp hình kỷ niệm với Đoàn Hội thẩm TAND thị xã.

Lãnh đạo TAND thị xã Hòa Thành chụp hình kỷ niệm với Đoàn Hội thẩm TAND thị xã.

Mỗi hội thẩm phải tham gia xét xử với Tòa án mỗi năm ít nhất từ 10 vụ trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Tăng cường công tác tập huấn, nghiên cứu pháp luật nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn. Bảo đảm hội thẩm phải được nghiên cứu án trước khi tham gia xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử.

TAND thị xã Hòa Thành mong muốn các cơ quan có cán bộ, công chức được bầu HTND nên tạo điều kiện về thời gian để họ tham gia xét xử theo kế hoạch của Tòa án. Xem việc tham gia xét xử của HTND là nhiệm vụ chính trị của đơn vị. HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN Thị xã tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của HTND; hỗ trợ kinh phí hoạt động của HTND theo quy định.

Thiên Di

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-cai-tam-cua-nguoi-hoi-tham-nhan-dan-a162716.html