Kỳ 1: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) 'về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn' và Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020', các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Từ đó, công tác dạy nghề đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp lao động nông thôn tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, đã huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy đảng và chính quyền tham gia chỉ đạo, phối hợp, triển khai thực hiện. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được cải thiện đáng kể.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động nên đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Huyện Trần Đề đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 19-CT/TW về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức. Qua đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của chiến lược và lợi ích của công tác đào tạo nghề đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng đa dạng; nhiều chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đồng chí Trịnh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, trong giai đoạn 2011 - 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lực lượng thanh niên nông thôn được 2.518 lao động, tỷ lệ có việc làm đạt 100%. Dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với tổng số lao động là 7.410 người, đa phần đều có việc làm và ứng dụng vào sản xuất ở hộ gia đình. Người học nghề chủ yếu là đồng bào Khmer, hộ nghèo, hộ cận nghèo… bà con đều được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề theo chính sách.

Một buổi thực hành ngoài rẫy của lớp dạy nghề trồng bí đao bung ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: QUỐC KHA

Ở huyện Long Phú (Sóc Trăng), địa phương có gần 30% đồng bào Khmer, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng. Theo đồng chí Vương Tấn Vũ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Long Phú, một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tập trung đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các hộ nghèo ít đất và không có đất sản xuất. Theo đó, huyện Long Phú đã triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích bà con dân tộc Khmer tham gia học nghề.

Đồng chí Trần Văn Son - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, huyện Long Phú cho biết: “Để tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên, hội viên đi học nghề, trước hết mỗi tổ chức, đoàn thể phải xác định và coi đây là một nhiệm vụ góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Hàng năm, địa phương khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, để đăng ký về trên mở lớp dạy nghề, việc vận động người dân tham gia học nghề được giao cho đoàn thể xã đến từng nhà rà soát nhu cầu học nghề, tư vấn, vận động người lao động học nghề”.

Công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Ảnh: H.NHƯ

Theo ông Trần Văn Thuyền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Long Phú, để thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi đến thành công phải triển khai một cách đồng bộ, sáng tạo, cụ thể từng giải pháp, từng hoạt động của đề án, song điều quan trọng là phải tập trung tuyên truyền, giáo dục để nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề và sự cần thiết làm việc phải có nghề; phải đánh thức nhu cầu học nghề một cách thật sự như một khát vọng muốn lập nghiệp, làm giàu từ nghề nghiệp. Triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bên cạnh những khó khăn, huyện cũng có thuận lợi vì có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Hiện nay, ở địa bàn nông thôn có một hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Có thể nói, đây là những lực lượng nòng cốt ở cơ sở để đưa Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến với các đoàn viên, hội viên, người lao động một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề

Đó là giải pháp chung của nhiều địa phương trong tỉnh khi triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Như đánh giá của nhiều địa phương trong tỉnh, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Nguyên nhân khách quan là do dịch bệnh Covid-19 nên một số đơn vị không triển khai mở lớp được. Song nguyên nhân chủ quan là một số người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đào tạo nghề, dẫn đến tình trạng người lao động chưa chủ động đăng ký tham gia học nghề. Người tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, chưa mạnh dạn tham gia học nghề. Do đó, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề của một số lao động nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là độ tuổi thanh niên phần lớn đi làm ăn xa, không ở địa phương. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương hiện nay không có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là hợp đồng nên còn hạn chế trong phát triển chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo nghề. Vì thế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề luôn được các địa phương quan tâm.

Ông Trần Văn Thuyền cho biết thêm, đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển tiếp tục được Huyện ủy Long Phú quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các đoàn thể chủ động phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức điều tra, khảo sát nắm nhu cầu học nghề của người lao động gắn với việc cung cấp nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh… để có cơ sở dự báo, xây dựng kế hoạch dạy nghề sát với tình hình thực tế của địa phương. Các lớp dạy nghề đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân vì thế đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp, huyện Long Phú đã điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân. Hàng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, cài đặt, lắp ráp máy tính… cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp may mặc trong Khu Công nghiệp An Nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) chia sẻ: “Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm tập trung mở rộng quy mô đào tạo, đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng thực hành “cầm tay chỉ việc” rèn luyện cho người học có kỹ năng nghề, ý thức tác phong công nghiệp, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 62%. Sau các khóa học, trung tâm đã phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả của công tác đào tạo nghề được nâng lên, với khoảng 85% người lao động tham gia học nghề (kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp) có việc làm sau đào tạo (kể cả giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm).

Có thể nói, việc mở rộng quy mô, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu thực tiễn, khách quan đặt ra. Trong cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương trong tỉnh, đồng chí Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy cần ban hành chương trình chỉ đạo, khắc phục hạn chế, thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư. Cần xem đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ…

CHÍ BẢO - QUỐC KHA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/ky-1-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-57992.html