Kỳ 1: Gaza - đường hầm rộng trên lãnh thổ hẹp

Trở thành công cụ kinh tế hữu hiệu từ thời Trung cổ khi giúp vận chuyển hàng hóa buôn lậu, ngày nay các tuyến đường hầm tiếp tục thể hiện lợi thế trong những cuộc chiến bất đối xứng giữa lực lượng quân đội tiên tiến và đối thủ có lợi thế 'lối ngầm' hơn. Thực tế cận chiến cho thấy, chỉ riêng công nghệ chưa đủ để ngăn chặn những mối đe dọa từ lòng đất.

Giữa xung đột Israel - Hamas ngày càng khốc liệt, đích ngắm của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Dải Gaza chẳng phải là những thành phố hẹp, mà chính là "Tàu điện ngầm Gaza" ("Gaza metro" như cách ví von của họ) ám chỉ những "mê cung" chằng chịt dưới lòng đất gồm nhiều đường hầm được cho là do Hamas xây dựng trên đất Gaza để tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Chính vì thế, Tel Aviv xem việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas, trong đó trọng tâm là hệ thống đường hầm, trước mắt còn quan trọng hơn cả tiêu diệt các lãnh đạo của lực lượng này.

Tấn công hầm ngầm bằng... không quân!

Ít ai ngờ trên dải đất hẹp ven biển gọi là Gaza ấy lại xuất hiện vô số đường hầm phức tạp, chằng chịt, len lỏi chiếm diện tích khá lớn dưới lòng đất sâu, trước đây thường được sử dụng để buôn lậu hàng hóa từ Ai Cập vào và ngược lại, còn giờ đây lại chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Israel.

"Gaza metro" vì thế được đào sâu dưới lòng đất chừng vài ki-lô-mét, nơi con người có thể di chuyển dễ dàng cùng hàng hóa, giờ đây được lưu trữ vũ khí, đạn dược và theo Israel, là nơi đặt trung tâm chỉ huy của Hamas, từ đường tiếp tế đến tuyến vận chuyển trong những đường hầm xuyên qua các thành phố của Dải Gaza đến các trung tâm chỉ huy và kiểm soát dưới lòng đất... nhằm đánh lạc hướng giám sát của máy bay không người lái từ IDF.

Trước khi khơi mào cuộc chiến với Israel ngày 07/10/2023, các lãnh đạo của Hamas năm 2021 từng tuyên bố đã xây xong mạng lưới hàng trăm ki-lô-mét đường hầm, nơi trú ẩn và cửa hầm bí mật xuyên suốt vùng đất của người Palestine, nhưng phủ nhận những "lối ngầm" này nằm dưới các cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, trường học..., dù thực tế chưa được kiểm chứng, bởi theo các nhà quan sát, lực lượng này chưa thể sở hữu loại máy móc tân tiến thường được sử dụng để xây đường hầm sâu dưới lòng đất; trong khi IDF cáo buộc Hamas sử dụng bê-tông dùng cho mục đích nhân đạo để xây đường hầm vì mục tiêu quân sự.

Thế trận "lối ngầm" của Hamas cũng khác Al Qaeda hoặc Houthi. Nếu Al Qaeda khoét hầm nơi các hõm núi thì Hamas lại xây những lối ngầm chằng chịt bằng bê-tông kiên cố ngay dưới TP.Gaza gần 2 triệu dân, với diện tích hơn 200km2, khiến các cuộc tấn công của IDF trở nên phức tạp hơn về cả chiến lược lẫn chiến thuật. Sau nỗ lực loại bỏ "lối ngầm" thông qua cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza năm 2014, trong cuộc chiến lần này, Quân đội Israel quyết định sử dụng không quân (chứ không phải bộ binh) cho mục đích "tìm và diệt" các tuyến ngầm trên, nhưng biện pháp được xem là "hiệu quả nhất để loại bỏ mục tiêu trọng yếu ấy" đã ảnh hưởng nặng nề đến dân thường!

Bên trong một đường hầm kiên cố của Hamas ở Dải Gaza

Bên trong một đường hầm kiên cố của Hamas ở Dải Gaza

Theo các nhà quan sát, dù Tel Aviv đã chi hàng tỉ USD để bảo vệ biên giới thông qua hệ thống cảm biến thông minh cùng những bức tường ngầm, xe tăng, lực lượng không quân cùng hệ thống vũ khí hiện đại, nhưng Hamas vẫn có thể tiến hành cuộc tấn công cả trên bộ, đường không lẫn tuyến biển hôm 07/10/2023 đồng thời giảm bớt sự bất đối xứng trên chiến trường thông qua việc ẩn mình dưới "mê cung" đường hầm dưới lòng đất trong cuộc chiến bất đối xứng!

Mục tiêu khó nhằn giữa "chiến trường đô thị”

Theo các chuyên gia quân sự, chiến dịch "tìm và diệt" hầm ngầm của Hamas không phải là nhiệm vụ dễ dàng giữa "chiến trường đô thị” chằng chịt "mê cung" ngầm đã nhiều năm được thiết lập cùng hàng trăm con tin được giam giữ tại đây, nhất là khi các căn cứ quân sự chính của Hamas đặt ngay bên dưới các bệnh viện và trường học của Gaza hoặc những cơ sở do Liên hợp quốc điều hành. Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Yoav Gallant cho biết, binh sĩ của IDF từng "đứng hình" trước những kẻ tấn công như "xuất quỷ nhập thần", đột ngột xông lên từ các đường hầm trong lòng đất, ngay bên dưới các tòa nhà, bệnh viện, trường học...

Đơn vị nhận nhiệm vụ tập trung phá hủy các đường hầm ở Gaza là Yahalom - nhóm công binh chuyên nghiệp thuộc Quân đoàn Kỹ thuật Chiến đấu của Israel, được huấn luyện để thăm dò, phát hiện hàng trăm ki-lô-mét đường hầm mà Hamas sử dụng để vận chuyển hàng cho mục đích quân sự. Nhưng với lực lượng thiện chiến này, việc xoay xở để có thể tấn công các đường hầm bê-tông kiên cố của Hamas đã trở thành "mục tiêu khó nhằn", khi về phương diện trên, Hamas hoàn toàn chiếm thế thượng phong, do lợi thế "mê cung sân nhà”! Trong khi Hamas cũng có thể sử dụng các đường hầm từ đất liền tới biển để xâm nhập vào lãnh thổ Israel.

Trước năm 2021, Israel tuyên bố đã phá hủy 32 đường hầm, trong đó có 14 tuyến xuyên biên giới cùng đường hầm dài hơn 100km khác, qua đó cho thấy Gaza luôn khiến đối phương gặp không ít khó khăn trong việc tấn công, phá hủy các tuyến ngầm, dù Israel có thể huy động cả máy ủi lẫn máy bay không người lái (UAV), robot hoặc cảnh khuyển hỗ trợ...

Chính vì thế, muốn duy trì bao vây chặt chẽ TP.Gaza, Israel cần phải phá hủy các đường hầm từ Bắc chí Nam vốn được xem là huyết mạch - công sự kiên cố nhất thế giới của Hamas.

Mới đây nhất, ngày 19/11/2023 Quân đội Israel vừa công bố video về 1 đường hầm do các tay súng Hamas ở Palestine đào bên dưới Bệnh viện Al-Shifa lớn nhất ở Dải Gaza.

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN (theo Daily Beast)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-gaza-duong-ham-rong-tren-lanh-tho-hep_155557.html