KTSG số 52-2022: Bức tranh kinh tế 2022-2023

Nhìn lại một năm 2022, có thể thấy kinh tế toàn cầu bị liên tiếp những bất ổn bao trùm. Liệu với những khó khăn cũ, cộng thêm những thách thức mới, kinh tế năm 2023 sẽ ra sao?

KTSG bản in sáng mai (29-12-2022) xin giới thiệu đa dạng góc nhìn của các chuyên gia và nhà quan sát về câu chuyện kinh tế 2022-2023, qua cụm bài viết:

2022 – năm đầy bất ổn của nền kinh tế toàn cầu (Lạc Diệp): Nhiều bất ổn liên tiếp xảy ra đã xóa tan mọi kỳ vọng về sự phục hồi trong năm 2022.

Kinh tế thế giới năm 2023: khó khăn cũ cộng thêm thách thức mới (Song Thanh): Những khó khăn của nền kinh tế có thể không khép lại mà sẽ tiếp tục kéo dài sang năm mới 2023, đi cùng với những thách thức mới.

Biến số kinh tế Trung Quốc (TS. Phạm Sỹ Thành): Trung Quốc đã có một năm 2022 với nhiều sự kiện có ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển của quốc gia này, cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn đối ngoại và xã hội, qua đó, tác động đến kinh tế các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Nhìn lại chính sách thương mại quốc tế trong năm 2022 (Dương Văn Học): Dù vẫn có một vài điểm sáng trong chính sách thương mại quốc tế, năm 2022 vẫn được nhận diện là một năm gia tăng bảo hộ thương mại. Khi các cuộc đàm phán thương mại chùn lại kể từ đại dịch Covid-19, có lẽ, năm 2023 chỉ để xử lý những dư âm trước đây mà không có biến chuyển gì nổi bật.

Việt Nam 2023: Áp lực lành mạnh hóa thị trường tài chính (trích tham luận của Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV): Bên cạnh tác động của những rủi ro, thách thức từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam, thị trường tài chính Việt Nam còn phải đối diện với những rủi ro, thách thức rất đặc thù của thị trường ngân hàng, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thu ngân sách tăng và những băn khoăn (PGS.TS. Võ Đình Trí): Cái nền thu thuế năm 2022 đã cao, việc đặt mục tiêu tăng thu ngân sách năm 2023 là hết sức thách thức. Dễ thấy áp lực thuế đối với người dân nếu thu nội địa vẫn là nguồn thu chủ lực.

Khoảng trống trong “tấm khiên” bảo vệ người tiêu dùng tài chính (Lưu Minh Sang): Người tiêu dùng dễ bị tổn thương trước nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, như việc họ có thể trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán, cưỡng ép mua bảo hiểm, cho vay nặng lãi… Vậy nhưng tấm khiên bảo vệ quyền lợi của họ lại đang bị thủng nhiều chỗ…

Các đề tài kinh tế – xã hội khác trên cùng số báo:

Chuẩn bị cho hậu toàn cầu hóa (mục Ý kiến): Sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ hiện nay trên thế giới có thể do suy thoái kinh tế nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho một giai đoạn mới của thời đại toàn cầu hóa.

VN-Index “ảm đạm” cả về thanh khoản và điểm số! (Thanh Thủy): Nhiều nhà đầu tư đã không còn mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu. Hiện tượng này phần nào lý giải cho sự “tụt áp” của thanh khoản.

2022 – Năm nhiều “thăng trầm” của thị trường chứng khoán Việt Nam! (Linh Trang): Thị trường chứng khoán đang kỳ vọng một năm 2023 bớt khó khăn và ngày càng lành mạnh, để thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Chứng khoán 2023 – Tiếp tục chờ đợi dòng tiền từ khối ngoại (Triêu Dương): Sự phục hồi trong nửa cuối quí 4-2022 với lực mua ròng mạnh mẽ từ nhà đầu tư nước ngoài làm lóe lên tia hy vọng cho thị trường chứng khoán. Nhưng liệu thị trường có lại đảo chiều?

Lãi suất 2023 – Vẫn trong xu hướng tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại? (Thụy Lê): Tốc độ tăng lãi suất đã được kéo giảm dần trong những ngày cuối năm 2022. Dù vậy, xu hướng lãi suất năm 2023 vẫn là một ẩn số.

Bất động sản trong nền kinh tế (Huỳnh Thế Du): Các chính sách và tín dụng cần hướng đến việc tạo ra các bất động sản mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, hạn chế tình trạng đầu cơ tạo ra bong bóng giá. Trong bối cảnh hiện tại, các chính sách cần làm sao để thị trường bất động sản tránh tình trạng đóng băng.

“Dân số vàng” phải thành… vàng? (Khánh Nguyên): Nếu không khai thác được tối đa món quà từ cơ cấu dân số vàng, chúng ta sẽ phải đối diện với những bài toán khó giải. Trong những thập kỷ sắp tới, hiền tài phải thực sự trở thành “nguyên khí quốc gia”.

Du lịch: những khoảng trống chưa thể lấp đầy (Đào Loan): Trước thềm năm mới, du lịch nội địa đã có kết quả vượt xa thời điểm trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, mảng du lịch quốc tế vẫn rất trì trệ.

Thị trường xuất bản 2022: phục hồi trong do dự (Nguyễn An Nam): Thị trường xuất bản 2022 không chỉ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về các phân khúc độc giả theo chủ đề, nội dung mà còn có sự phân hóa đặc biệt về hình thức tiếp cận sách. Sách giấy đứng trước những khó khăn, trong khi sách số, sách nói đang là những thị trường có tiềm năng…

Tạo “ngân hàng cát” cho ĐBSCL ra sao? (Huỳnh Kim): Xây dựng “ngân hàng cát” là nội dung chính của dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện.

Quà tặng mùa Giáng sinh (Lê Hữu Huy): Nhiều người bắt đầu tự hỏi tại sao lại bị cuốn vào những món quà, những cuộc mua sắm đầy căng thẳng. Quan trọng hơn, con người đã lạc lối và đi xa ý nghĩa ban đầu của Giáng sinh với những thông điệp và bài học về tình yêu thương.

Doanh nghiệp trước sức ép của hoạt động gắn liền ESG (Quốc Hùng): Bên cạnh sản phẩm và dịch vụ tốt, người tiêu dùng và nhà đầu tư còn quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang tạo đà phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Giữ núi, rừng cho thế hệ sau (Mục Nhĩ): Những đề nghị hủy bỏ các dự án giao thông, du lịch đi qua rừng, núi là một tiền lệ tốt trong việc bảo vệ thiên nhiên vốn đã bị tàn phá nặng nề ở Việt Nam.

Giữ lại giấc mơ bỏ phố về rừng (Minh Lê): “Bỏ phố về rừng” từng là khát vọng rừng rực trong huyết quản một cộng đồng người-không-còn-trẻ. Nhưng đó không hề là cuộc đi ích kỷ để tận hưởng cuộc đời. Đó phải là cuộc khát khao sống một cuộc đời thích hợp và ý nghĩa, thì mới có thể dài lâu, bền bỉ.

Thiên sa, địa khắc, nhân hãm (Nguyễn Phán): Những gì Fed dưới thời Powell đang làm có thể được coi là sai về định hướng và sai về thời điểm, nếu quan sát từ góc nhìn lịch sử…

Tương lai của AI và ngành sáng tạo (Trịnh Minh): Trí tuệ nhân tạo (AI) có đe dọa đến ngành sáng tạo hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi một bức tranh được vẽ bởi AI đạt giải thưởng vẽ tranh ở Mỹ.

Liệu pháp gen – chỉ dành cho nhà giàu? (Nguyễn Vũ): Một liều thuốc trị bệnh haemophilia (rối loạn chảy máu di truyền) có giá đến 3,5 triệu đô la? Đây là giá của các loại thuốc sử dụng liệu pháp gen, dù hứa hẹn một phương pháp điều trị các căn bệnh hiếm gặp rất hiệu quả, nhưng lại quá đắt đỏ!

Các đoản văn, ghi chép tản mạn: Tháng Chạp của Vũ Thị Huyền Trang, Những đêm cuối năm của Trần Thanh Bình; Đi lãnh lịch của Lưu Thị Lương.

Mời bạn đọc đón xem!

Tòa soạn KTSG

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-52-2022-buc-tranh-kinh-te-2022-2023/