KTSG số 13-2023: Chính sách đặc thù cho TPHCM

Có nhiều khả năng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2023.

Sandbox cho TPHCM! là tựa đề bài viết của An Nhiên, sẽ xuất hiện trên KTSG phát hành vào sáng mai (30-3) cùng với một số bài viết khác cũng xoay quanh chủ đề này.

Theo tác giả An Nhiên, với ý chí thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và trong khu vực, nghị quyết mới phải trao cho TPHCM những chính sách thực sự đặc thù, thực sự đột phá và một cơ chế thử nghiệm độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài. “Không có chính sách đột phá thì rất khó đòi hỏi sự phát triển đột phá!”, tác giả viết.

Vì sao chính sách đặc thù cho TPHCM lại rất quan trọng cho cả nước? (Bùi Trinh): Sự quan trọng của nền kinh tế TPHCM không chỉ phụ thuộc vào tỷ trọng GRDP của thành phố này trong GDP cả nước, mà còn bởi vì TPHCM có chỉ số lan tỏa lớn nhất.

Đấu thầu dự án PPP và điểm nghẽn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Trương Trọng Hiểu): Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 cho phép TPHCM áp dụng một số cơ chế hành chính đặc thù, ngoài những tác động tích cực, cơ chế này cần thêm tính đột phá. Trong số các lĩnh vực thành phố cần cơ chế đặc thù mới, chính sách đất đai trải dài trong nhiều lĩnh vực, và nhiều nội dung đề nghị thì chưa được phản ánh trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt là câu chuyện đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tư duy khác về cơ chế đặc thù cho TPHCM (Hoàng Hạnh phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành): “Cơ chế đặc thù cần biến những tiềm lực sẵn có và riêng có thành động lực tạo nên sự cường thịnh cho TPHCM. Cần nhìn về tương lai của TPHCM bằng tầm nhìn rộng lớn của con đại bàng”.

Các đề tài kinh tế – xã hội khác, theo dòng thời sự:

Đất lành thì chim mới đậu (mục Ý kiến): Sẽ tốt hơn nhiều nếu các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam được nghe những nhận xét tích cực từ chính các nhà đầu tư đã làm ăn tại Việt Nam, thay vì những lời than phiền khó khăn và trắc trở.

Rủi ro từ danh mục trái phiếu ngân hàng Việt đang nắm giữ đến đâu? (Tuệ Nhiên): Trong môi trường chi phí tài chính gia tăng, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ chậm và trong vai trò trung gian giữa người gửi tiền và người vay tiền, các ngân hàng cũng có thể gặp phải những rủi ro khó lường.

Lời nhắn nhủ hãy dám khởi nghiệp và “món nợ” sandbox (Lưu Minh Sang): Luật chuyển biến quá chậm trong khi thế giới khởi nghiệp sáng tạo là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ. Quá trình xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính là một minh chứng điển hình.

VN-Index cần một “cú hích” tâm lý đủ lớn! (Bình An): Thị trường chứng khoán ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong tuần giao dịch từ ngày 20 đến 24-3-2023. Tuy vậy, thanh khoản lại sụt giảm gần 20% so với tuần trước đó, chỉ đạt khoảng 10.000 tỉ đồng/phiên.

Chiến lược “săn” cổ tức cao có thực sự “dễ ăn”? (Linh Trang): Nhà đầu tư cần chọn những doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức bền vững, cơ cấu dòng tiền tốt, lợi nhuận chi trả cổ phiếu đến từ hoạt động cốt lõi của họ chứ không phải đến từ lợi nhuận đột biến.

Chứng khoán nhen nhóm phục hồi, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn khủng (Triêu Dương): Trong bối cảnh kênh vay vốn ngân hàng có nhiều hạn chế, các doanh nghiệp đang tự thân vận động tìm cách tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu.

Bất chấp Fed tăng lãi suất, giá đô la Mỹ trong nước tiếp tục giảm sâu (Thụy Lê): Tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã rớt về mức thấp hơn tỷ giá trung tâm, giá bán đô la Mỹ trên thị trường tự do cũng thấp hơn giá bán của các ngân hàng thương mại. Nguồn cung ngoại tệ trong nước dường như đang khá dồi dào.

Vai trò của cố vấn tài chính cũng quan trọng như bác sĩ gia đình (Lê Hoài Ân – Nguyễn Thị Ngọc Ngân): Những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản đóng băng, trái phiếu đầy những tin đồn, nhà đầu tư hoang mang. Vai trò cố vấn tài chính cho các nhà đầu tư cá nhân đang trở nên cần thiết hơn.

“Phí cà thẻ”, đúng hay sai? (Lê Trình Anh Thư): Nhiều cửa hàng chuyển trách nhiệm trả phí thanh toán bằng thẻ cho khách hàng thông qua thu “phí quẹt thẻ”.

Bán dữ liệu, SIM “rác”, tài khoản “bốc hơi”: Những lỗ hổng đáng sợ (Song Nghi): Khách hàng của các nhà cung cấp mạng di động có quyền đặt câu hỏi: việc cung cấp những thông tin bí mật cá nhân sao lại có thể dễ đến như vậy? Nhà mạng đã làm gì để bịt những lỗ hổng này?

Người dùng bắt trend, doanh nghiệp bắt cơ hội? (Ricky Hồ): Vô tình hay hữu ý, các nhân vật nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng đã tạo nên cơn sốt giày vải của hai thương hiệu Asia Sports và Thượng Đình.

Ngành điều dưỡng cần thay chất, đổi lượng (Hoàng Minh): Trong viễn cảnh dân số già hóa, hơn 23 triệu người đang ở độ tuổi trung niên (30-44) sẽ thành người già mà hệ thống an sinh xã hội thì vẫn chưa phát triển. Hệ thống chăm sóc y tế, điều trị bệnh cho người cao tuổi sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Làng dệt đũi Nam Cao lại rộn tiếng thoi đưa (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Mềm mịn, mát mẻ khi mặc vào mùa hè, ấm áp khi trời chuyển đông, lại rất bền, dễ giặt sạch, dễ tẩy trắng và mau khô, lụa đũi Nam Cao xưa đã trở lại.

Tậu nhà trong cuộc mưu sinh (Trần Thanh Bình): Người xưa nói “sắm trâu tậu nhà cưới vợ” để chỉ ba việc đại sự trong đời người. Quả thật cho đến thời nay, cái sự an cư không bao giờ là dễ dàng.

Chẳng mấy ai dẫn bà cụ qua đường! (Nguyễn An Nam): Lớp của con có 45 học sinh thì 45 bạn đều dắt bà cụ qua đường, 45 bạn đều có bà mẹ nước da trắng, mái tóc dài, giọng nói dịu dàng… Bạn có thực sự thoải mái khi đứa trẻ điểm 10 môn văn mà bạn kỳ vọng lại chẳng thể tự viết một câu văn thực sự của riêng mình?

Để lời thầy cho em những ước mơ (Vũ Thị Huyền Trang): Vì sự nghiệp trăm năm trồng người, môi trường giáo dục cần có những chuẩn mực khắt khe để người thầy soi rọi mình và để giáo dưỡng học trò.

Nắng nặng trên đôi vai mẹ (Nguyễn Minh Thanh): Những đồi cát là những điểm đến du lịch đẹp thật đấy, nhưng đọng ở đó có cả nỗi thương cảm, xót xa cho những mẹ, những chị bán nước, bán hàng ăn, cho thuê máng trượt cát…

Làn sóng âm nhạc Việt, nhìn từ cơn sốt See tình(Hồ Nguyên Thảo): See tình của ca sĩ Hoàng Thùy Linh được cho là ca khúc Việt có thể sánh vai toàn cầu với Gangnam Style của Hàn Quốc. Trước See tình, Việt Nam cũng đã có những tác phẩm tốt. Tuy nhiên, việc gắn tác phẩm tốt với thành công thương mại giống như Hàn Quốc thì… chưa thấy rõ.

Nỗi lo TikTok (Hoàng Hiền): TikTok có nhiều clip video ngắn từ bổ ích đến vô bổ, độc hại, và các bậc cha mẹ khó có thể quản lý những gì con cái họ và bạn bè của chúng xem và chia sẻ cho nhau xem.

Sáng tạo nghệ thuật của AI: USCO lại lên tiếng! (Lê Thiên Hương): Ngày 16-3-2023, Cục Bản quyền Mỹ dưới sức ép của Quốc hội Mỹ cũng như của người dân, đã ra thông báo bắt đầu một chương trình làm việc mới nhằm xem xét các vấn đề liên quan tới tác phẩm của trí tuệ nhân tạo.

Nước Pháp bế tắc vì cải tổ luật hưu trí (TS. Võ Đình Trí): Luật cải tổ hưu trí của nước Pháp dù đã được thông qua nhưng còn bỏ ngỏ ngày hiệu lực. Các nghiệp đoàn và chính phủ vẫn chưa có được tiếng nói chung. Nước Pháp đang trải qua một giai đoạn bế tắc mà càng kéo dài thì hệ lụy kinh tế – xã hội càng trầm trọng.

Từ vụ SVB nhớ lại bài học từ giải Nobel kinh tế năm 2022 (TS. Trần Việt Dũng – Lê Hoài Ân): Ngân hàng thương mại như những đơn vị chuyển đổi kỳ hạn các khoản tiền. Chức năng chuyển đổi thanh khoản là giá trị lớn nhất mà ngân hàng tạo ra cho nền kinh tế để khơi thông dòng vốn. Nhưng từ đó cũng tạo ra điểm yếu cố hữu của hệ thống ngân hàng, đó chính là rủi ro thanh khoản.

Trong thời đại số, ngân hàng có thể sụp đổ nhanh hơn (Ngân Diệp): Các vụ sụp đổ ngân hàng đã bộc lộ những bất cập trong hoạt động giám sát ngân hàng tại Mỹ, bao gồm việc không theo kịp những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế.

Điều gì sẽ xảy ra khi dòng tiền gửi rời khỏi các ngân hàng nhỏ? (Lạc Diệp): Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Mỹ đã khiến một lượng lớn tiền gửi dịch chuyển từ các ngân hàng quy mô nhỏ sang các ngân hàng lớn. Tình trạng này nếu kéo dài, có thể gây ra những tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Khủng hoảng ngân hàng đe dọa thị trường bất động sản Mỹ (Song Thanh): Tình trạng các bất động sản thương mại bị bán với mức giá chiết khấu mạnh có thể trở nên phổ biến hơn trong những năm tới, khi các chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn trong việc tái cấp vốn.

Xu hướng “video hóa” mạng xã hội (Nguyễn Vũ): Chỉ trong sáu năm ngắn ngủi, TikTok đã thúc đẩy người dùng trên khắp thế giới từ bỏ lối kết nối thông qua các mối quan hệ xã hội. Ứng dụng mạng xã hội này đã thay đổi mô hình kinh doanh của các mạng tương tự, buộc tất cả đi theo con đường vất vả hơn, thu được ít tiền hơn.

Mời bạn đọc đón xem!

Tòa soạn KTSG

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-13-2023-chinh-sach-dac-thu-cho-tphcm/